.
10 NĂM ĐÀ NẴNG ĐÔ THỊ LOẠI 1 (15-7-2003 - 15-7-2013)

Thành tựu mới, đòi hỏi mới

.

Ngày 15-7-2003, sau 5 năm thành phố Đà Nẵng được chia tách thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Chính phủ đã công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia. Nhìn nhận thành tựu của 10 năm phát triển đó, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thọ (ảnh), Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố.

* Thưa đồng chí, sau 5 năm chia tách đơn vị hành chính từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 1 cấp quốc gia. Qua 10 năm xây dựng và phát triển của thành phố, đồng chí nhìn nhận như thế nào về quyết định quan trọng này?

- Cần phải khẳng định rằng, việc công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia vào thời điểm đó chính là một cú hích cực kỳ ý nghĩa, vừa khẳng định những thành tựu qua 5 năm nỗ lực xây dựng Đà Nẵng theo mô hình đô thị đồng thời nhấn mạnh vai trò, vị trí của Đà Nẵng không chỉ đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà đối với cả nước.

Xác định tính chất quan trọng đó, chưa đầy 3 tháng sau khi Đà Nẵng được công nhận đô thị loại 1 cấp quốc gia, Bộ Chính trị (khóa IX) đã vào làm việc với lãnh đạo thành phố và ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nếu quyết định công nhận đô thị loại 1 cấp quốc gia mới chỉ là thủ tục về mặt hành chính Nhà nước, tạo cơ chế về quản lý đô thị, thì Nghị quyết số 33-NQ/TW là kim chỉ nam để việc tập trung xây dựng và phát triển Đà Nẵng theo mô hình đô thị loại 1 cấp quốc gia đúng định hướng. Không chỉ định hướng về tầm vĩ mô trong lãnh đạo, quản lý, quy hoạch phát triển... mà quan trọng là những vấn đề cụ thể như vai trò, nhiệm vụ của địa phương, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong từng chương trình, dự án, công trình trọng điểm, những cơ chế, chính sách vượt trội… cũng được đề ra một cách cụ thể, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng đô thị 5 năm trước đó và có tầm nhìn về một Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việc công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia cũng có tác dụng tinh thần rất lớn, động viên, cổ vũ đông đảo cán bộ, nhân dân thành phố ra sức phấn đấu, nỗ lực hết mình, phát huy nội lực một cách mạnh mẽ để xứng đáng với vai trò, vị trí mới của mình.

Sự kết hợp giữa Nghị quyết số 33-NQ/TW với việc công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia, cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là nền tảng quan trọng để việc xây dựng và phát triển thành phố một cách nhanh chóng và bền vững trong 10 năm qua.

* Thưa đồng chí, trong quá trình xây dựng đô thị, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng bộ thành phố đã triển khai các chương trình hành động cụ thể, trong đó những lĩnh vực đột phá được xác định là công tác cán bộ và xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ yếu là hạ tầng giao thông đô thị. Có thể nhìn nhận như thế nào về lựa chọn các khâu đột phá đó trong suốt 10 năm qua?

- Xin được lấy một hình ảnh so sánh như thế này: Hai người nông dân được giao hai mảnh đất có cùng diện tích, chất lượng như nhau; nếu một người năng động, có tư duy sáng tạo cộng với tinh thần chăm chỉ, cần cù, thì mảnh đất của anh ta sẽ phát huy được tối đa tiềm năng của nó, đem lại lợi tức cao nhất; còn không thì kết quả sẽ ngược lại.

Chính vì vậy, trước hết và căn bản nhất, Đà Nẵng chọn khâu đột phá là công tác cán bộ với tinh thần kiên quyết xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, làm việc theo phong cách hiện đại; dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm. Trong đó, vừa phát huy nguồn lực tại chỗ, vừa trải thảm chiêu mộ những người tài theo chủ trương “đất lành chim đậu”; vừa tuyển chọn, đào tạo theo cách riêng có của mình đồng thời rèn luyện một cách khắt khe trong thực tiễn.

Trên tinh thần đó, Đà Nẵng đã có cách làm mạnh dạn với việc cho ra đời hàng loạt chính sách về quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển, bố trí… cán bộ một cách hợp lý, ổn định và có tính kế thừa, phát triển; bảo đảm chất lượng từ thành phố đến cơ sở. Đó là các chính sách ưu đãi cụ thể với người tài; đưa đi đào tạo trong nước và quốc tế ở những lĩnh vực thành phố cần trong từng giai đoạn nhất định; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao một cách chuyên nghiệp, bài bản với sự hình thành tuyến trường phổ thông chất lượng cao, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức các đề án đào tạo nguồn cán bộ chức danh chủ chốt cấp xã, phường...; thực hiện chủ trương mỗi Thành ủy viên lựa chọn, tiến cử 1 đến 2 cán bộ trẻ để có định hướng đào tạo cán bộ nguồn chủ chốt của thành phố; xây dựng các tiêu chuẩn cán bộ một cách cụ thể…

Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao; những chủ trương sáng tạo, đột phá, hợp lý, hợp thời... đã đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là tạo được bước phát triển đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đô thị. Nếu không chọn hướng đột phá đúng đắn đó, chúng ta khó lòng bảo đảm định hướng quy hoạch chung và linh hoạt với thực tiễn. Từ đây, không gian đô thị được mở rộng, tạo nên diện mạo đô thị tương đối hiện đại với kết cấu hạ tầng đồng bộ; ranh giới đô thị mở rộng hơn 3 lần. 10 năm qua, thành phố đã tập trung đẩy mạnh thực hiện tương đối đồng bộ việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị. Nhiều công trình trọng điểm về dân dụng, công nghiệp, hạ tầng, các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp được thành phố đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và tạo diện mạo mới cho thành phố.

Một góc đô thị Đà Nẵng hôm nay.                                        						  Ảnh: VĂN NỞ
Một góc đô thị Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: VĂN NỞ

* Như vậy, kinh nghiệm từ việc lựa chọn khâu đột phá đã đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình phát triển 10 năm qua của thành phố, thưa đồng chí?

- Hiệu quả đã được phát huy rõ rệt qua đội ngũ cán bộ ngày càng hoạt động một cách chuyên nghiệp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, cải cách hành chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang; hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được bảo đảm.

Từ những chuyển biến cơ bản của các khâu đột phá đó, chúng ta có điều kiện tốt hơn trong thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”; với tỷ trọng dịch vụ tăng từ 48% (năm 2003) lên 53,5% (ước năm 2013), công nghiệp - xây dựng giảm từ 45,6% xuống 43,8% và nông nghiệp giảm từ 6,4% xuống 2,7%.

Trên lĩnh vực xã hội, với cách làm đồng bộ, xuyên suốt từ việc xây dựng, ban hành đến tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, với đội ngũ cán bộ có chất lượng, chúng ta sớm có những chủ trương đúng đắn, sáng tạo và cách làm quyết liệt, như “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” để tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội… Từ đó, giải quyết tương đối tốt những vấn đề về quản lý đô thị như: tình trạng lang thang xin ăn, tệ nạn ma túy, cướp của giết người…; nâng cao trình độ dân trí để xây dựng nếp sống văn minh đô thị; giải quyết tình trạng đói nghèo một cách bền vững; bảo đảm về chỗ ở cho người dân; bảo đảm một môi trường xã hội thân thiện, an bình... Tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát nhờ chúng ta có những quyết sách đúng đắn, kịp thời.

Rõ ràng, với những khâu đột phá đó, Đà Nẵng của chúng ta đã có một hình ảnh đô thị mới mẻ, khẳng định được mình, tạo nền tảng hướng tới một đô thị an bình, đáng sống.

* Nhưng thưa đồng chí, nhìn vào thành quả 10 năm phát triển đô thị đó, chúng ta có cái nhìn lạc quan quá không?

- Với thành quả đúc kết qua 10 năm xây dựng đô thị loại 1 cấp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, chúng ta có quyền lạc quan nhưng không chủ quan. Bởi, nghiêm túc nhìn lại, thì vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế, khuyết điểm mà nếu không nhìn nhận nghiêm túc, không sửa chữa khắc phục kịp thời thì chính nó lại là rào cản của quá trình phát triển.

Trong 10 năm qua, do xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề; nhiều thách thức mới nảy sinh trong quá trình phát triển; đặc biệt, ảnh hưởng kéo dài của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới và trong nước… đã gây khó khăn lớn đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân thành phố.

Thành phố chưa thật sự chủ động trong việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai những chủ trương, chính sách mang tính đột phá, những dự án, công trình trọng điểm… nên quy chế phối hợp giữa các ngành và các địa phương tạo không gian kinh tế thống nhất cho toàn vùng chưa được xây dựng; cơ chế tài chính đột phá chưa được thực hiện; tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm nhằm đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội và bảo đảm vai trò, vị trí lan tỏa đối với các địa phương khu vực còn chậm...

Trên nhiều lĩnh vực chúng ta chưa đáp ứng kịp yêu cầu về lãnh đạo, quản lý phát triển đô thị, từ triển khai thực hiện quy hoạch và xây dựng hạ tầng đô thị đến xây dựng tổ chức Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, xây dựng hệ thống chính quyền đô thị đồng bộ, cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ mới. Nhiều yêu cầu bức thiết về quản lý đô thị vẫn chưa được giải đáp một cách kịp thời như: quản lý nhập cư, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, công nghiệp...

Qua 10 năm phát triển đô thị theo hướng công nghiệp, hiện đại nhưng chúng ta chưa có cách làm chuyên nghiệp; kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố; quy mô còn nhỏ, tích lũy còn hạn chế; sức cạnh tranh và hiệu quả trên một số lĩnh vực còn thấp. Đời sống đô thị từng bước hình thành nhưng chậm chạp, ý thức thị dân vẫn chưa chiếm ưu thế trong đời sống xã hội...

Phải thấy được những hạn chế đó, chúng ta mới có cách làm sáng tạo, đột phá mạnh mẽ hơn.

* Như vậy, nhìn nhận lại thành tựu cũng như những khó khăn, vướng mắc và hạn chế đó qua 10 năm xây dựng đô thị loại 1, liệu chúng ta đã có được những bài học kinh nghiệm quý báu nào để làm động lực, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố xác định là phải về đích trước năm 2020?

- Bài học đầu tiên và lớn nhất, không chỉ trong quá trình 10 năm xây dựng đô thị loại 1 cấp quốc gia mà qua suốt hơn 15 năm xây dựng và phát triển thành phố, đó chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của sự đồng thuận, nhất trí cao trong Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân thành phố. Sự đồng thuận đó được khái quát thành phương châm “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ”. Có được nền tảng đồng thuận đó, chúng ta có cơ sở xây dựng và phát huy tính sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật; từ đó vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc huy động thành công các nguồn lực cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố; mà việc vận động nhân dân tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm vào từng chương trình cụ thể như “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”... là những ví dụ sinh động, cụ thể.

Trong xây dựng và phát triển đô thị, phải giải quyết đúng đắn, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội; giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình quản lý đô thị, không để nảy sinh thành vấn đề bức xúc lâu dài.

Xác định rõ và tập trung đầu tư giải quyết tốt những khâu đột phá, then chốt và trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn; trong đó, quan trọng là đột phá về con người, về công tác cán bộ, công tác quy hoạch đô thị và thực hiện quy hoạch đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, xây dựng đời sống đô thị theo đúng nghĩa văn minh, hiện đại.

Cùng với đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa các bộ, ngành Trung ương với thành phố; giữa Đà Nẵng với các tỉnh trong khu vực. Đây chính là những yếu tố ngoại lực có tác động mạnh mẽ đến phát huy tối đa tiềm năng, nội lực của thành phố...

Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu qua 10 năm vừa nghiên cứu, học hỏi vừa xây dựng và phát triển đô thị của Đà Nẵng mà chúng ta cần tiếp tục phát huy, khắc phục hạn chế để từ đó tạo nền tảng vững chắc hơn trong xây dựng đô thị Đà Nẵng bền vững, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại trước năm 2020.

* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN THÀNH thực hiện

;
.
.
.
.
.