.

An Hải Tây đổi đời

.

Ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, An Hải Tây tuy là phường thuộc quận Sơn Trà nhưng giống như vùng quê nghèo nổi bật với hàng trăm nhà chồ xiêu vẹo bên sông Hàn. Chỉ một năm sau, khi dự án đường Bạch Đằng Đông bắt đầu triển khai, phường bên kia sông Hàn bắt đầu thay da đổi thịt và có diện mạo khang trang, đẹp đẽ như ngày nay.

Khu vực An Mỹ và bờ Đông sông Hàn ngày nay.
Khu vực An Mỹ và bờ Đông sông Hàn ngày nay.

Vào thời điểm chia tách tỉnh, tháng 1-1997, Đà Nẵng có khoảng 650 nhà chồ, tập trung ở các phường An Hải Tây, An Hải Bắc và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Ban đêm ở “bên ni Hàn” nhìn sang “bên tê Hàn” hiu hắt những ngọn đèn dầu tù mù trong căn nhà chồ vách ván dập dềnh trên sóng nước. Còn ban ngày đứng trên cầu Nguyễn Văn Trỗi nhìn về những ngôi nhà chồ, có người ví giống như chiếc lược đã gãy răng cài. Nhiều câu vè về “quận ba”, về phận người ở những căn nhà chồ ấy nghe thật não nuột: “Con gái quận ba không bằng bà già quận nhứt”, “Có học cũng chèo cột thả neo, không học cũng thả neo chèo cột”…

Ấy vậy mà đến ngày 19-5-1998, khi tổ chức lễ khởi công xây dựng 1.600m đầu tiên của công trình đường Bạch Đằng Đông (nay là đường Trần Hưng Đạo có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ khai thác quỹ đất ở các khu dân cư) từ đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi đến km1+600, vệt san ủi đã đến gần bến phà với 955 hộ dân giải tỏa, trong đó có hàng trăm hộ nhà chồ (bố trí tái định cư 931 hộ). Một dải bờ Đông sông Hàn hiện ra thoáng đãng và hứa hẹn từ thành công ban đầu này mở ra tương lai tươi sáng cho vùng đất phía Đông thành phố.

Song song với vệt giải tỏa công trình đường Bạch Đằng Đông, thành phố cũng giải tỏa 25ha đất ở phường An Hải Tây để xây dựng hai khu dân cư An Trung và An Mỹ với tổng cộng 1.099 lô đất với hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá đầy đủ. Tháng 9-1998, Báo Đà Nẵng có bài viết “Các khu dân cư bờ Đông sông Hàn” ghi nhận: “Hầu hết nhà cửa xây dựng ở các khu dân cư mới đều khang trang, kiên cố, nhiều ngôi nhà cao từ 2-3 tầng, tất cả đều hướng ra mặt đường. Với tốc độ và quy mô xây dựng như hiện nay thì không xa, trước năm 2000, quận Sơn Trà sẽ có những khu dân cư mới khang trang, đẹp đẽ phù hợp với quy hoạch đô thị. Sơn Trà sẽ là quận đầu tiên của thành phố sớm hình thành các khu đô thị được quy hoạch”.

Nay hai khu dân cư này cách nhau con đường Võ Văn Kiệt dẫn lên cầu Rồng đẹp như tranh vẽ. Ông Ngô Sỹ Kiến Trúc, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây cho hay: “Năm 1998 tiến hành giải tỏa các hộ nhà chồ và sống ven sông Hàn để xây dựng đường Bạch Đằng Đông, giải tỏa hai khu vực An Trung, An Mỹ để xây dựng hai khu dân cư theo mô hình đô thị mới. Năm 2003 giải tỏa để mở rộng, xây dựng tuyến đường Ngô Quyền. Và giai đoạn 2010-2013 tiến hành giải tỏa, thi công và hoàn thành cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý. Đó là những mốc thời gian đáng nhớ và là những cái chuyển mình mạnh mẽ của phường An Hải Tây”.  

Cuộc cách mạng đô thị với chủ trương di dời, giải tỏa bắt đầu từ công trình đường Bạch Đằng Đông với vị trí khởi điểm từ đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi đã thực sự đổi đời của làng quê An Hải Tây. Mới 15 năm mà ngỡ như trong mơ. Trong 15 năm qua, cả vạn tấm lòng người dân An Hải Tây hưởng ứng cách mạng đô thị. Những tuyến đường khang trang, nhiều khu dân cư với đường ngang, lối dọc, với điện sáng, cây xanh, khách sạn, khu thương mại dịch vụ cao tầng… đã xóa hết những xóm lao động nghèo quanh năm ẩm thấp, những khu nhà chồ tối tăm, chật chội trên sóng nước nhấp nhô. Giờ đây, dẫu có “đứng bên tê Hàn” nhìn qua “bên ni Hàn” cũng khó mà thấy được màu của “nước xanh như tàu lá”, mà chỉ thấy thênh thang phố xá chẳng kém gì phố xá của “bên tê”. Quả là một sự đổi đời!

Tuy vậy, phường An Hải Tây vẫn còn 33 tổ dân phố với khoảng 1.000 hộ dân ở các khu vực An Thuần, An Vĩnh, An Thị, An Trung chưa được giải tỏa khuất lấp sau những tuyến phố khang trang, đẹp đẽ như: Ngô Quyền, Nguyễn Công Trứ, Võ Văn Kiệt… Nếu lỡ đi lạc vào đây dễ thấy một phần cái nghèo, xơ xác của một vùng quê của cách đây 15 năm. “Chậm giải tỏa, người dân rất khổ sở, nhất là những vùng thấp ngập lụt. Dù thành phố đã quan tâm, quy hoạch một số tuyến đường, công trình, nhưng do kinh tế và ngân sách còn khó khăn nên vẫn chưa triển khai. Thiết nghĩ, thành phố cần ưu tiên giải tỏa trước khu vực 8 tổ dân phố từ 37 đến 44, vùng thấp ngập lụt nhất để người dân có cuộc sống tốt hơn!”, ông Trúc nói.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.