Rời quân ngũ vào năm 1992 gần như với hai bàn tay trắng, không có vốn, cũng chẳng có lương hưu, cuộc sống của ông Trần Công Kính và vợ là bà Trần Thị Phong (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) hết sức khốn khó. Không chấp nhận đói nghèo, vợ chồng ông vay vốn ngân hàng, dựng lều ở khu vực cồn Đò (cạnh lạch nước sông Hàn) để chăn nuôi vịt đàn, gà, heo và trồng dương liễu…
Vợ chồng ông Kính. |
Trong quá trình phát triển đô thị, nơi trú ngụ và khu vực sản xuất của gia đình ông Kính nằm trong quy hoạch. Cũng như những hộ dân ở khu vực đầu cầu Trần Thị Lý, gia đình ông được bố trí đất tái định cư tại phường Hòa Cường Nam, lập ra khu Hóa Sơn mới (nay gọi là Hóa Sơn). Trước đó, những nỗ lực trong sản xuất đã giúp ông Kính tích cóp được một số vốn liếng để khi đến khu dân cư mới, gia đình ông nhanh chóng xây dựng ngôi nhà ba tầng khang trang, kiên cố.
Không những thế, cả ba người con của vợ chồng ông Kính không chỉ học giỏi mà còn biết phụ giúp bố mẹ trong tất cả công việc của gia đình. Cố gắng không ngừng của vợ chồng ông và các con đã mang lại những thành quả khi hai người con lớn lần lượt trúng tuyển vào đại học, người con út cũng trúng tuyển vào trường Trung cấp Cảnh sát. Điều đáng nói là trong gia đình ông Kính, hiện có đến 4/5 người là đảng viên.
Không chỉ sống cho mình, những năm qua, vợ chồng ông Kính rất nhiệt tình trong mọi hoạt động của địa phương. Nhiều năm liền, với vai trò của Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Cường Nam, ông Kính có những đóng góp tích cực để Hội CCB phường luôn đạt những thành tích xuất sắc. Đặc biệt, trong công tác giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ bằng những hoạt động cụ thể như đi tìm địa chỉ đỏ, giúp đỡ nạn nhân da cam…, ông Kính đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của lớp trẻ. Bên cạnh đó, ông còn phối hợp với BCH Đoàn phường vận động thành lập “Tủ sách Hồ Chí Minh”, phục vụ miễn phí cho thanh - thiếu niên.
Với nhiệm vụ Bí thư Chi bộ, ngoài việc thường xuyên củng cố Ban cán sự tổ dân phố, tổ Mặt trận và các đoàn thể, cùng cấp ủy lãnh đạo xây dựng khu phố vững mạnh toàn diện, ông Kính rất quan tâm dìu dắt, giúp đỡ hàng chục thanh niên đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Ông Kính còn vận động đảng viên trong chi bộ và đảng viên đương chức sinh hoạt tại chi bộ, đóng góp 30.000 đồng/người/tháng để giúp đỡ học sinh nghèo và những gia đình khó khăn, hoạn nạn trong khu phố. Nhờ đó, những học sinh con hộ nghèo như em Nguyễn Thị Lan (tổ 22, được hỗ trợ 1 triệu đồng) hay bà Lê Thị Cắt (tổ 20, bị tai nạn lao động được hỗ trợ 500.000 đồng)... vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Trong khi đó, bà Trần Thị Phong nhiều năm làm tổ trưởng dân phố cũng vận động nhân dân hoàn thành sớm tất cả chỉ tiêu nghĩa vụ công ích, xây dựng địa bàn trở thành tổ dân phố tiêu biểu về các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Mới đây, sau khi nhận chế độ 30 năm tuổi Đảng, bà đã trích một phần để hỗ trợ anh Lê Beo (hộ nghèo, bị bệnh u não).
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM