Hạ tầng đô thị với vỉa hè, cây xanh, cấp và thoát nước, viễn thông luôn bị xâm hại, làm ảnh hưởng đến mỹ quan và trật tự đô thị. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, một số địa phương nỗ lực xây dựng mô hình điểm trong quản lý trật tự đô thị.
Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị tại chợ Bắc Mỹ An. |
Ông Nguyễn Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, địa phương vừa thực hiện thí điểm giao cho hộ mặt tiền cùng Nhà nước quản lý vỉa hè một số tuyến đường trên địa bàn quận. Theo đó, quận Ngũ Hành Sơn có 4 tuyến đường được chọn để thực hiện: Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa, Hồ Xuân Hương và vỉa hè phía nam đường Nguyễn Văn Thoại.
Các hộ dân sinh sống ven đường được các cơ quan chức năng cung cấp thông tin các công trình đầu tư, sửa chữa, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi vỉa hè, để tham gia đóng góp ý kiến khi cơ quan chức năng yêu cầu về việc tạm thời sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông, thi công lắp đặt, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật có ảnh hưởng đến dân sinh.
Phát huy quyền làm chủ của người dân, quận Ngũ Hành Sơn khuyến khích người dân giám sát việc triển khai thi công và hoàn trả mặt bằng các công trình đầu tư, sửa chữa, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi vỉa hè theo đúng quy định. Về trách nhiệm, quán triệt phương châm “Sạch nhà, đẹp ngõ”, các hộ dân có trách nhiệm tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khu vực vỉa hè trước nhà; bảo vệ hiện trạng kết cấu hạ tầng trong khu vực vỉa hè, không lấn chiếm vỉa hè, kịp thời báo cho cơ quan chức năng về các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng; thực hiện đúng các quy định về ranh giới sử dụng đất, các quy định về quản lý vỉa hè, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông. Hằng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng “Gia đình văn hóa mới” các cấp xem kết quả thực hiện từ những hộ dân để đưa vào tiêu chí xét công nhận danh hiệu.
Về phía các cơ quan chức năng cũng chủ động thực hiện các giải pháp giữ gìn mỹ quan, bảo đảm trật tự đô thị. Hằng ngày, lực lượng Công an, Quy tắc đô thị phường Mỹ An phối hợp với Đội bảo vệ chợ Bắc Mỹ An tổ chức trực thường xuyên để kiểm tra tình hình buôn bán của các hộ dân trên vỉa hè khu vực chung quanh chợ; các trường hợp buôn bán trên vỉa hè mà không có giấy phép, lấn chiếm lòng đường để bày hàng hóa buôn bán sẽ bị xử lý triệt để. Ngoài ra, Phòng Tài nguyên-Môi trường quận cũng cử cán bộ theo dõi, để kịp thời phát hiện và xử lý các hộ buôn bán, kinh doanh đổ nước thải ra đường gây ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, quận Ngũ Hành Sơn cũng thực hiện đầu tư, sửa chữa, bổ sung biển báo tổ chức giao thông trên địa bàn quận với tổng kinh phí 130 triệu đồng.
Tại quận Cẩm Lệ, tuyến đường Ông Ích Đường chọn thí điểm xây dựng tuyến đường văn minh đô thị. Đây là tuyến đường trung tâm, là diện mạo của địa phương, nên khi có chủ trương xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, quận Cẩm Lệ chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt chủ trương, phối hợp tốt với các ngành. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp cận các hộ kinh doanh ven đường, lập danh sách các trường hợp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hộ có vi phạm trật tự đô thị được vận động tự giác cam kết “Buôn bán không lấn chiếm lòng, lề đường”.
Để người dân có ý thức chấp hành, các đơn vị chức năng quận Cẩm Lệ tiến hành kẻ vạch phạm vi giới hạn được phép sử dụng mặt bằng kinh doanh. Qua đây, việc kinh doanh của người dân đi vào nền nếp, trả lại hành lang vỉa hè, bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông. Với cách làm và giải pháp thực hiện trong việc tăng cường quản lý trật tự đô thị của các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ rất cần nhân rộng, triển khai ở các địa phương khác.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG