.

Dạy nghề cho nông dân

.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, các cấp Hội Nông dân (HND) thành phố đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp nông dân tiếp cận các chương trình đào tạo nghề để có thể tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững ngay tại địa phương.

Mô hình nuôi ếch tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.
Mô hình nuôi ếch tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.

Chọn nghề cho nông dân đô thị

Trong những năm qua, Đà Nẵng là địa phương tiến hành giải tỏa, chỉnh trang đô thị, xây dựng các dự án nhiều nhất với hơn 90.000 hộ giải tỏa. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2013-2017 cho thấy, trên địa bàn thành phố có 22.045 hộ thuộc diện nghèo, 3.050 hộ đặc biệt nghèo. Vì vậy, thành phố chủ trương tiếp tục xây dựng và thực hiện Đề án “Hỗ trợ hộ đặc biệt nghèo”, dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động; công tác dạy nghề và tạo việc làm cho nông dân - nhất là nông dân lớn tuổi - là vấn đề cấp thiết.

Ngay sau khi có Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án các cấp đã chủ động rà soát nhu cầu lao động, các ngành, nghề cần đào tạo để xây dựng kế hoạch thực hiện hợp lý, sát với tình hình thực tế tại địa phương, ví dụ điển hình nhất là phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu). Chủ tịch HND phường Hòa Cường Bắc Nguyễn Thị Ngọc Phương cho biết, toàn phường có 244 hộ nông dân, 328 hội viên (60% hội viên lớn tuổi), trong đó có 105 lao động, 70 hội viên nông dân đang sản xuất hoa, rau màu và các ngành nghề, đa số chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định.

Vừa qua, HND phường đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng cho 77 hội viên học tập và trao đổi kinh nghiệm về trồng hoa để vận dụng vào sản xuất. Các lớp học nghề được mở ngay tại các khu dân cư, với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, dạy lý thuyết đi đôi với thực hành, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của nông dân. Sau học nghề, nông dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cao, nhiều mô hình đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, vụ hoa vừa rồi hoa phát triển tốt, số lượng hoa tiêu thụ không hết, bị dư thừa. Hầu hết các hộ trồng hoa có thu nhập bình quân trong thời điểm thuận lợi từ 30 - 50 triệu đồng/hộ. Có những hộ thu 150 triệu đồng... giải quyết cho hàng chục lao động có việc làm với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc, cho biết HND phường đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động lao động trong khu dân cư tham gia học nghề, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Nhiều hội viên nông dân đã được tiếp thu các kiến thức khoa học-kỹ thuật và áp dụng ngay thực tế nên hiệu quả của hoạt động dạy nghề mang lại rất cao. Phường đã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động sử dụng nguồn tiền đền bù hay nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Nâng cao vai trò của các cấp hội nông dân

Toàn thành phố Đà Nẵng có 7/8 quận, huyện; 42/56 phường, xã có tổ chức Hội; tổng số hội viên nông dân hơn 42.000 hội viên, tập trung nhiều nhất là ở huyện Hòa Vang với hơn 25.000 hội viên. Điều này đòi hỏi thành phố cần tập trung mạnh đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho nông dân. Các cấp HND thành phố đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm, giúp nông dân tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề.

Từ đầu năm đến nay, HND thành phố phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 96 lớp chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho 3.554 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm… Tổ chức 7 cuộc tập huấn IPM cho 247 lượt người, 4 cuộc hội thảo đầu bờ cho 73 lượt người; phối hợp tổ chức 17 lớp dạy nghề cho hơn 500 nông dân, giới thiệu gần 100 nông dân có việc làm; vận động hàng trăm nông dân tham gia hợp tác xã. Đồng thời, để giúp nông dân có vốn chuyển đổi ngành nghề phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh, các cấp Hội hướng dẫn làm thủ tục và bảo lãnh cho các hộ nông dân vay gần 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, 1.975 hộ vay gần 48 tỷ đồng vốn từ Ngân hàng NN&PTNT; hướng dẫn, thẩm định hai dự án nguồn vốn quốc gia giải quyết việc làm cho 28 hộ vay hơn 550 triệu đồng.

Ông Nguyễn Phú Ban, Chủ tịch HND thành phố cho biết, để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề tham gia đào tạo nghề nông dân phải xác định ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Cụ thể, các hoạt động dạy nghề cần tập trung nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để nông dân thích nghi và hòa nhập cơ chế thị trường, tăng hiệu quả lao động, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp Hội cần có kế hoạch khảo sát, nắm chắc đối tượng cần học nghề và tư vấn, định hướng kịp thời cho nông dân xác định đúng nghề để học hoặc tự tạo việc làm ổn định, nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng nông dân sau khi kết thúc khóa học không tự tạo được việc làm phù hợp, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước.

Bài và ảnh: THANH YÊN

;
.
.
.
.
.