.
Điều trẻ em cần

Alô, con muốn nói...

.

“Trẻ con mà, biết gì!”. Đó là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh khi có con mới học cấp 1, cấp 2. Thế nhưng, nhiều người đã “tá hỏa” khi đọc những dòng nhật ký của con…

Chơi đùa cùng người thân giúp trẻ ít bị bệnh tự kỷ. (Ảnh mang tính minh họa)
Chơi đùa cùng người thân giúp trẻ ít bị bệnh tự kỷ. (Ảnh mang tính minh họa)

Mẹ hãy là người bạn!

Thơm (ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) mới 12 tuổi nhưng trông phổng phao như thiếu nữ. Vì bận rộn với quầy tạp hóa nên chị Lê Thị Mai - mẹ em - ít chú ý đến sự thay đổi của con. Một lần tình cờ vào phòng con dọn dẹp, chị Mai phát hiện một cuốn sổ nhỏ xinh trên bàn. Mở ra đọc, chị mới phát hoảng khi thấy những dòng chữ: “Ngày… tháng… năm. Mình nhớ anh ấy đến không ngủ được. Anh ấy hình như cũng vậy. Hôm trước anh ấy ôm mình và… Mình bối rối quá…”. Khi tìm hiểu, chị mới biết, “anh ấy” mà con gái chị nhớ thầm chính là cậu bé học trên lớp ở cùng trường. Quá lo sợ nhưng không mắng hay đánh con, chị Mai chọn một giải pháp khôn ngoan hơn là tìm đến chuyên gia tâm lý. Sau đó, chị tâm sự với con nhiều hơn, dành thời gian để chuyện trò cùng con. Con gái chị lúc đầu thấy lạ, sau dần lại thích trò chuyện với mẹ. Và cô bé đã kể “chuyện tình” của mình và anh chàng lớp trên. Chị Mai hú hồn bảo, may mà hai đứa vẫn chưa đi quá giới hạn.

Chỉ tính trong 2 năm qua, thông qua đường dây nóng và trực tiếp tại Văn phòng, Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng (Trung tâm) đã tiếp nhận gần 480 thông tin của phụ huynh và trẻ em, trong đó có hơn 141 trường hợp được mở hồ sơ quản lý, chia sẻ và kết nối dịch vụ. Điều đó cho thấy, nhu cầu được chia sẻ của các em và cả các bậc cha mẹ là không hề nhỏ. Những bế tắc tâm lý dễ dẫn đến những hệ quả xấu nếu không được xử lý kịp thời. Một cán bộ ở Trung tâm cho biết, có những trường hợp đến Trung tâm khi đã bị sang chấn tâm lý nặng. Nhiều bé vì cha mẹ không quan tâm, suốt ngày phải ở nhà một mình với người giúp việc nên bị trầm cảm nặng rồi tự kỷ. Khi cha mẹ đưa các em đến Trung tâm thì cũng đã quá muộn.

Nghe trẻ nói!

Để trẻ có thể giải tỏa tâm tư, bức xúc, hiện nay, kênh tư vấn cho trẻ rất ít, chủ yếu chỉ có đường dây nóng (3818787) của Trung tâm làm nhiệm vụ này. Hằng ngày, các nhân viên tư vấn của Trung tâm trực điện thoại từ 7-21 giờ. Với những trường hợp cần, Trung tâm sẽ kết nối với các chuyên gia tư vấn và các cơ quan liên quan để tư vấn, giải đáp thắc mắc. Những em đến đây còn được chăm sóc sức khỏe, tư vấn về tâm lý để giải tỏa các vấn đề bức xúc. Đối với những trường hợp tư vấn đơn giản như tìm hiểu chính sách, xin con nuôi, gửi con vào chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, tư vấn nghề và việc làm…, Trung tâm tư vấn và kết nối đến các cơ sở dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, có 24 trường hợp trẻ bị bạo hành dẫn đến bị ảnh hưởng nặng về tâm lý, được cán bộ Trung tâm tiếp cận, làm việc với gia đình, và cùng UBND phường nơi trẻ sinh sống vào cuộc giải quyết.

“Có nhiều trẻ ham chơi, nghiện game và bỏ học, làm nhiều phụ huynh lo ngại và tìm đến Trung tâm. Chúng tôi đã tham vấn tâm lý cho các em học sinh và gia đình. Sau khi được sự hỗ trợ, cha mẹ đã hiểu hơn về con mình, có cách tác động phù hợp với các em và các em học sinh đều đã quay trở lại lớp học”, chị Trương Thị Như Hoa - Giám đốc Trung tâm cho biết. Chị Hoa kể, có những trường hợp trẻ không được đến trường vì gia đình có hoàn cảnh khá phức tạp. Chính quyền địa phương đã nhiều lần hỗ trợ và can thiệp nhưng không đạt kết quả. Khi tiếp nhận thông tin, với nghiệp vụ công tác xã hội, cán bộ Trung tâm đã tham vấn tâm lý gia đình, cùng cán bộ địa phương đánh giá, tìm nguồn lực hỗ trợ, lập kế hoạch can thiệp kịp thời, bảo vệ quyền được chăm sóc an toàn và quyền học tập của trẻ.

Bài và ảnh: P. TRÀ
 

;
.
.
.
.
.