Di dời giải tỏa để triển khai các dự án là hoạt động diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố, nhưng ít ở đâu giải tỏa “trắng” cả phường như ở Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Bên cạnh nỗ lực của người dân, địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động khá hiệu quả.
Nghề trồng cây cảnh đang phát triển mạnh ở phường Hòa Xuân. |
Trong cái khó ló cái khôn
Từ thôn Trung Lương (cũ), sau khi bàn giao mặt bằng cho dự án, gia đình chị Trần Thị Ngọc Vân, đến định cư tại tổ 69 thuộc khu E1. Không bó tay trước khó khăn, chính tại nơi ở mới này, vợ chồng chị cùng lúc sản xuất nấm ăn và nuôi bồ câu Pháp. Tận dụng lô đất bên cạnh của hộ khác chưa xây dựng, chị mượn tạm, dựng lên đó nhà làm nấm sò. Nhiều tháng nay, 4.000 bịch nấm treo lủng lẳng trong ngôi nhà ấy ngày nào cũng “đẻ” ra tiền. Chị Vân cho biết, mỗi ngày thu 8-9kg. Với giá 20.000 đồng/kg, mỗi tháng thu 4-5 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, tại sân thượng tầng 3 ngôi nhà đang ở, chị xây chuồng nuôi bồ câu. Thời điểm hiện tại, hơn 200 bồ câu mái đang kỳ đẻ trứng. Người phụ nữ mới ngoài 30 tuổi này ước tính, chừng vài ba tháng nữa, bán bồ câu giống, thịt, chí ít cũng thu 5-6 triệu đồng/tháng. Quả là nguồn thu hấp dẫn đối với hộ nông dân hậu giải tỏa đất canh tác.
Ở Hòa Xuân, hộ nhạy bén chuyển hướng làm ăn như chị Vân nêu trên không ít. Nhận thấy đồng ruộng đã thu hồi, dự án chưa triển khai, cỏ giã mọc đầy, 6 hộ mạnh dạn đầu tư mua hơn 200 con bò thả nuôi vỗ béo. Trong đó, đáng kể nhất là cha con ông Phan Đằng, ở tổ 19 (cũ), nuôi gần 80 con. 6 hộ khác khai thác tiềm năng mặt nước tại bến Trường Lưu bên sông Cẩm Lệ, thả nuôi cá lồng bè và họ đang thu nhập khá nhờ hoạt động này.
Có thể nói, trong quá trình đô thị hóa, người dân Hòa Xuân rất năng động tìm hướng mưu sinh. Mỗi hộ một cách làm nhưng ai nấy đều có điểm chung, đó là không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền và cơ quan chức năng mà tự tìm việc làm phù hợp cho mình. Ông Phạm Đức Cấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường, cho biết hiện tại 300 lao động ở độ tuổi từ 25 đến dưới 40 đã có tay nghề thợ xây khá vững, quanh năm không khi nào rỗi việc. 25 cơ sở sản xuất hàng mộc dân dụng đã đi vào hoạt động ổn định từ nhiều tháng nay, thường xuyên thu hút khoảng 80 lao động. 10 cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, với khoảng 20 nhân công đang ăn nên làm ra. 60 gia đình đã mở quầy kinh doanh buôn bán tại gia. 55 người có nơi buôn bán ổn định tại các chợ...
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Bên cạnh sự nỗ lực, nhạy bén tự tìm việc làm của chính người lao động, sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể ở Cẩm Lệ góp phần tích cực trong việc giải bài toán về việc làm hậu giải tỏa. Hội Phụ nữ quận vừa ra mắt Câu lạc bộ may giày ở phường Hòa Thọ Đông với 54 chị em tham gia. Hội Cựu chiến binh tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 96 hộ hội viên. Hội Nông dân quận phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm tổ chức 4 lớp đào tạo nghề trồng hoa cây cảnh cho 40 hội viên, hai lớp sản xuất nấm ăn cho 30 người. Riêng UBND phường Hòa Xuân cùng Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang đào tạo nghề trồng hoa, cây cảnh cho 30 người. Hiện tại, hàng chục người đã triển khai sản xuất thu nhập ổn định từ nghề đã học.
Ông Hồ Thanh Chúc, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, cho biết giải quyết việc làm cho lao động vùng giải tỏa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc rất tích cực. Với các hộ nghèo, cận nghèo, lãnh đạo quận trực tiếp đối thoại, cùng bàn tính cách làm ăn, hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế; con em họ được miễn giảm học phí, cấp học bổng… 6 tháng đầu năm nay, 926 lao động vùng giải tỏa đã tìm được việc làm mới. Trước đó, năm 2012, đã có 1.730 lao động trên địa bàn quận, chủ yếu là nữ thanh niên vùng giải tỏa Hòa Xuân được nhận vào làm tại các nhà máy thuộc Khu công nghiệp Hòa Cầm…
Nhờ giải quyết việc làm cho người lao động, công cuộc xóa nghèo ở quận Cẩm Lệ được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, 5 hộ thuộc diện đặc biệt nghèo và 674 hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững, đạt 96,3% kế hoạch năm. Hiện tại ở Cẩm Lệ còn 1.430 hộ nghèo, chiếm 5,7% số hộ toàn quận.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU