Mất mũ bảo hiểm, bể gương, bể bửng... đã là chuyện không hiếm gặp tại các bãi giữ xe trên địa bàn Đà Nẵng. Xung quanh những sự cố đó là bao chuyện bi hài...
Nếu không cẩn thận, gửi xe ở những nơi đông người rất dễ mất biển số xe. |
Lỗi tại ai?
Sáng sớm, anh T.Đ.Đ (giáo viên Trường THPT Trần Phú) gửi xe ở Ga Đà Nẵng để chờ đón người nhà. Khoảng nửa tiếng sau quay ra anh thấy chiếc xe máy không còn nguyên vẹn. Gương vỡ nát, hai yếm hai bên đều bị bể, nhiều chỗ trên thân xe trầy xước. Tức quá, anh Đ. liền chất vấn người giữ xe và chỉ nhận được câu trả lời “ai biết xe anh trước đó có bị thế không”. Vì có việc phải đi gấp nên anh Đ. đành nén cơn giận ra về. “Lần đó mất vài trăm nghìn đồng sửa xe. Bực mình nhất là nhà xe không chịu nhận lỗi mà cứ cố cãi. Họ bảo phải có bằng chứng mới chịu đền. Đúng là vừa mất tiền vừa bực mình”, anh Đ. kể. Anh Đ. cho biết, về nhà lại phải thanh minh với vợ “sự cố” tại nơi gửi xe chứ không phải do tai nạn hay nguyên nhân gì khác.
Chuyện mất mũ bảo hiểm khi để trên xe máy cũng không còn là chuyện hiếm gặp ở nhiều bãi gửi xe. Ghé chợ Đống Đa chọn mua ít thức ăn, chị N.T.H. (35 tuổi, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) đã “kêu trời” khi thấy chiếc mũ bảo hiểm tự dưng không cánh mà bay. Ức quá, chị “bắt đền” người giữ xe thì nhận được câu trả lời: “Ai biểu chị không gửi mũ cho tôi. Giờ sao tôi biết ai lấy mà đòi lại cho chị. Tôi trông xe chứ đâu có trông mũ”. Đuối lý, chị H. đành ngậm ngùi dắt xe và nổ máy ra về. “Cũng may nhà mình gần đây nên chạy liều về nhà chứ nhà xa thì không biết làm cách nào”, chị H. thổ lộ.
Chiếc mũ bảo hiểm của chị H. bị mất là chiếc chị vừa mới mua tháng trước. Từ đó về sau, rút kinh nghiệm, đi gửi xe ở đâu chị H. cũng bật cốp xe, cài mũ vào rồi khóa cốp lại. Còn chị N.T.M.H. (40 tuổi, ở quận Liên Chiểu) đi đến đâu cũng chọn cách “ôm” luôn chiếc mũ bảo hiểm vào nơi cần liên hệ . “Vẫn biết là bất tiện đấy nhưng để ngoài xe không yên tâm, thôi thì cầm vào cho rồi chứ đến lúc ra nếu mất thì biết tìm đâu. Gửi chỗ giữ xe thì không muốn vì đã mất phí giữ xe rồi chẳng lẽ nộp phí giữ mũ nữa, mà nhiều chỗ họ không nhận trông mũ”, chị H. phân trần.
Dạo quanh nhiều chỗ giữ xe tại các chợ, bệnh viện trên địa bàn thành phố, lại có thực tế nữa là không ít nơi giữ xe nhưng… không giao vé. “Khách ở đây toàn khách quen, vé làm gì cho mệt, tin nhau là chính”, anh Hùng - một người trông xe gần chợ Đống Đa thổ lộ. Tuy nhiên, anh Hùng cũng thừa nhận, vì “tin nhau là chính” ấy mà không ít lần anh gặp rắc rối, cãi nhau với khách hàng khi họ cứ nằng nặc bảo đã gửi xe chỗ anh nhưng thực tế lại gửi ở một địa điểm gần đó.
Nhà xe kêu... khó!
11 giờ, bãi giữ xe Bệnh viện Đà Nẵng chật kín xe. Xe để ken dày cả lối ra vào của bãi giữ xe miễn phí. Khi bảo vệ ra hiệu ngừng không nhận xe nữa, nhiều người dừng lại trong sự bực tức. Có vài tiếng la ó, bất bình vì phải dắt ra mấy chỗ giữ xe thu phí gần đó. Anh Nguyễn Văn Trắng (49 tuổi, ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), một trong số những nhân viên giữ xe tại Bệnh viện Đà Nẵng phân trần: “Bãi giữ xe lúc nào cũng quá tải vì số người gửi quá đông nhưng nhiều người không hiểu, tưởng chúng tôi không muốn cho vào”. Hơn 4 năm giữ xe tại Bệnh viện Đà Nẵng, anh Trắng đã nếm trải hết những buồn vui của nghề. “Chuyện bể gương, bể xe do xe va quẹt vào nhau thì nhiều lắm. Mình trông xe nhưng nhiều lúc cũng khó có thể kiểm soát được để không xảy ra sự cố trên. Họ làm dữ, đòi kiện cáo. Thôi mình báo với chủ bãi xe đền cho rồi”, anh Trắng cho biết. Sau khi anh báo tin, chủ bãi xe xuống xem lại tình trạng xe và bồi thường bằng tiền hoặc bảo anh đi mua phụ tùng đền.
Oái ăm hơn là chuyện tháo trộm biển số xe vào ban đêm. Bãi thì rộng, xe gửi đông, trời tối nên một số đối tượng lợi dụng tháo biển số xe của khách. Đã có lần anh Trắng phải mất cả ngày đi cùng với chủ nhân chiếc xe lên phường chứng thực để giúp họ làm lại biển số mới. “Không chỉ mất công mà còn bị nghe chửi. Khổ lắm nhưng biết làm sao. Mình cũng có phần trách nhiệm”, anh Trắng nói. Lại có trường hợp một anh nọ cứ đến đòi xe tại bãi vì khăng khăng mình đã để xe tại đây. Tìm không thấy anh này bù lu bù loa lên là mất xe khiến cả bãi xe nháo nhào. Cuối cùng anh này sực nhớ ra là mình đi xe của vợ nên điện thoại về hỏi biển số. Mặc dù cuối cùng chiếc xe cũng được tìm thấy nhưng cả người gửi và người giữ đều không khỏi khó chịu.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ