.
KỶ NIỆM 66 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7)

Tấm lòng mẹ Thọ

.

Các bệnh nhân nghèo gọi mẹ là Mẹ,  những cô gái lỡ lầm của một thời cũng xin được gọi mẹ là Mẹ. Tiếng gọi thân thương ấy được nhiều người dành cho mẹ Lê Thị Thọ (85 tuổi, ở 404/7 Hùng Vương) - mẹ của liệt sĩ Nguyễn Như Kiệm.

Mẹ Thọ bên di ảnh của con trai - liệt sĩ Nguyễn Như Kiệm.
Mẹ Thọ bên di ảnh của con trai - liệt sĩ Nguyễn Như Kiệm.

Cúi xuống những cuộc đời lầm lỡ

Nhớ lại ngày vừa giải phóng, về Đà Nẵng sinh sống, mẹ Thọ vẫn không sao quên được. Mẹ Thọ kể “Ngày ấy, được giao đảm trách công tác Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp Ninh 1, tôi lo lắm. Lo bởi mình mới về chưa có kinh nghiệm, hơn nữa tình hình lúc ấy hết sức phức tạp”. Mẹ Thọ ngày ấy không có “kinh nghiệm” nhưng lại có tấm lòng. Và bà đã dành tấm lòng để giúp đỡ 25 cô gái lỡ lầm.

Những cô gái đẹp thời đó là nạn nhân của chế độ cũ, sau khi làm cái nghề mạt hạng thì phải giấu mình trong những ngõ tối chật hẹp, ôm mặc cảm với đời. Mẹ Thọ đã đứng ra bảo lãnh, giúp đỡ các cô hoàn lương mặc cho sự phản đối của bà con xóm giềng. Nhiều người trong số đó đã được đưa vào trại phục hồi nhân phẩm nhưng vẫn không thể ngẩng mặt bởi sự dè bỉu của người đời. Tiếp cận họ cũng là việc không dễ dàng. Một lần, hai lần, rồi ba lần…, mẹ Thọ với bóng dáng gầy gò, nhỏ bé thường xuyên lui tới hỏi han, động viên và giúp đỡ những con người đó lúc ngặt nghèo nhất đã làm những ánh mắt nghi ngại chuyển thành sự hàm ơn. Có lần, để một cô gái lỡ lầm có chỗ ngồi bán chè tại một dãy phố chuyên bán món ăn này, mẹ Thọ đã phải thuyết phục những người bán ở đó và hứng chịu nhiều lời mắng mỏ. Và chính gánh chè ấy đã níu cô gái về với con đường lương thiện. Có cô gái khác dù đã được giúp vốn làm ăn buôn bán nhưng vẫn trở lại với nghề bán hoa, mẹ Thọ liền đến gặp trực tiếp chủ chứa, thậm chí nhờ sự giúp đỡ của Công an phường để đưa cô gái thoát khỏi tay những “tú bà”.

Với sự giúp đỡ của mẹ Thọ ngày ấy, nhiều cô gái đã có hộ khẩu, lấy chồng, sinh con, có cuộc sống ấm êm. Với những đứa bé không biết mặt cha, mẹ Thọ liên hệ với Công an để làm giấy khai sinh, đồng thời vận động mở lớp học tình thương để giúp các em làm quen con chữ. Và mẹ Thọ đã vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Những bát cháo nghĩa tình

Mẹ Thọ có 5 người con: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Dũng. Người con thứ hai của mẹ, anh Nguyễn Như Kiệm, đã ra đi mãi mãi khi tuổi chỉ vừa tròn đôi mươi. Nén nỗi đau, mẹ tiếp tục động viên 4 người con còn lại vào chiến trường chiến đấu. Có người bảo để lại bên cạnh mình người con út nhưng mẹ kiên quyết: “Con mình còn sống mà nước nhà mất thì còn có ý nghĩa gì”. Cho đến giờ, mẹ vẫn để Kiệm nằm ngoài Quảng Trị - nơi anh hy sinh, chỉ bởi một lẽ giản đơn “để nó được nằm gần đồng đội”.

Nếm trải đủ nỗi đau, mẹ Thọ hiểu hơn ai hết cái quý giá của sự sống. Trong nhiều lần đi thăm người ốm, chứng kiến cảnh những đứa trẻ khóc vì đói, những người cha, người mẹ vì nghèo phải quên đi bữa ăn để mua thuốc cho con ở bệnh viện, lòng mẹ lại nhói đau. Vậy là nồi cháo tình thương đã hình thành từ ý tưởng của mẹ vào năm 1992. Ngày ấy, ai cũng khó khăn, việc vận động không phải điều dễ dàng. Lặn lội đi khắp các chùa, rồi gõ cửa những gia đình khá giả để xin tiền hỗ trợ. Lúc đầu là 50 suất ở Khoa Nhi, sau thấy bệnh nhân đến xin cháo quá đông, mẹ tăng lên 130 suất cháo tại Khoa Lây, Khoa Lao… của Bệnh viện Đà Nẵng. Biết việc làm của mẹ, nhiều Việt kiều từ nhiều nước đã xin được góp tiền giúp các bệnh nhân.

Không chỉ vậy, mẹ Thọ còn đứng ra quyên góp hàng trăm triệu đồng tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn… Cho đi yêu thương mà không mong nhận lại, mẹ Thọ đã sống như thế, để cuộc đời của những cô gái lỡ lầm, những bệnh nhân nghèo không chỉ được đo bằng thời gian, năm tháng mà bằng tấm lòng ấm áp, nhân hậu của mẹ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.