.

Ngày hè với học sinh miền núi

.

Trong khi trẻ em thành thị gần như không có hè, bởi các em tiếp nối hành trình “học kỳ 3” với các tour du lịch cùng gia đình, sau đó là học hè, thì trẻ em miền núi chỉ quẩn quanh trong nhà vắng hoặc theo bố mẹ lên núi, xuống đồng.

Hai anh em Bỉ và Hiếu nghỉ hè ra đồng bóc ngọn mía phụ cha mẹ làm đồng.  					           Ảnh: TRỌNG HUY
Hai anh em Bỉ và Hiếu nghỉ hè ra đồng bóc ngọn mía phụ cha mẹ làm đồng. Ảnh: TRỌNG HUY

Thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) những ngày tháng 6 rộn ràng tiếng trẻ nô đùa. Ngày hè, học sinh trở về với gia đình, quẩn quanh trong sân nhà và lối xóm. Khuôn mặt nhem nhuốc, em Đinh Thị Sinh (học sinh Trường tiểu học Hòa Phú) đang quét rác trước sân nhà cho biết: “Nhà đi vắng cả, còn mình con ở nhà thôi. Cha mẹ, anh chị đều lên núi bóc keo thuê cho người ta. Năm nào cũng vậy, còn đi học thì gặp gỡ bạn bè, nghỉ hè chỉ ở nhà thôi. Nếu lớn hơn chút nữa con cũng theo mẹ lên núi hoặc xuống đồng làm ruộng. Ở nhà chẳng làm gì, rửa chén, quét sân, nhặt rau cũng chỉ làm một loáng là xong. Các bạn khác cũng vậy, nhà xa nhau nên con ít đến nhà bạn bè chơi được. Buồn lắm!”.

Toàn thôn Phú Túc có khoảng hơn 120 hộ, trên 90% là người dân tộc Cơtu, gần 100 học sinh các cấp từ THCS đến THPT, đa số nghỉ hè trở về với gia đình, các em lớn hơn vào núi hoặc ra đồng phụ giúp cha mẹ kiếm sống, các em nhỏ tuổi ở nhà quẩn quanh trong sân ngoài ngõ. “Mấy đứa lớn còn vào rừng bóc keo kiếm tiền. Mấy đứa nhỏ thì ở nhà, đến giờ thì ăn cơm. Chúng chơi ở ngoài đường, trong sân nhà suốt ngày, lem luốc bụi đất, chẳng học hành gì cả”, ông Trần Long - nguyên trưởng thôn cho biết.

Toàn thôn Giàn Bí có 106 hộ, có gần 100 học sinh các cấp đang đi học. Đời sống khó khăn, trẻ em nơi đây ít có điều kiện học thêm trong những ngày hè. “Một tháng 200.000 đồng học thêm với đứa lớn, không có tiền đi học, chúng ở nhà thôi. Với lại, nếu có điều kiện đi thì cũng không được học vì ít đứa đi học, cô giáo không tổ chức dạy thêm đâu”, ông Long nói thêm.

Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết toàn xã có khoảng 600 học sinh các cấp. Đa số các em nghỉ hè trở về với gia đình, HS lớn tuổi theo cha mẹ bóc keo, chặt mây để kiếm tiền. “Sau khi nghỉ học, nhà trường bàn giao cho địa phương quản lý số học sinh về hè. Trong thời gian hè, đối với học sinh tiểu học, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo cho các em, nhưng cũng chỉ khoảng một tháng. Một số cô giáo tổ chức dạy thêm, nhưng đa số các em có hoàn cảnh khó khăn nên rất ít em theo học. Đối với địa phương, giao cho các chi đoàn thường xuyên tổ chức những hoạt động Đoàn, hội để các em có điểm vui chơi lành mạnh trong thời gian hè. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về mặt tổ chức và tính đa dạng của loại hình này”, ông Phúc nói.

Dưới cái nắng chiều miền Trung gay gắt, trên cánh đồng mía in hình hai bóng trẻ thơ mồ hôi nhễ nhãi đang quần quanh ngọn mía. Đó là hai anh em Thái Văn Bỉ vừa thi hết lớp 9 và Thái Văn Hiếu, học sinh lớp 3, vào dịp nghỉ hè, ra đồng mía phụ giúp bố mẹ. Công việc của các em là bóc ngọn mía, bỏ vào lỗ đã được bố mẹ đào sẵn để ươm mầm vụ mía mới. Cuộc sống trẻ em vùng cao này còn nhiều khó khăn, vất vả, gần 3 tháng hè xa rời sách vở, con chữ cũng phần nào lem luốc ít nhiều.

TRỌNG HUY - CÔNG HỚN
 

;
.
.
.
.
.