.

Người trẻ phải có "máu" sáng tạo

.

(ĐNĐT) - Khác với những ý tưởng, sản phẩm ra đời từ “phòng lạnh”, xa rời thực tế thì đâu đó trong các cơ quan, đơn vị, có nhiều bạn trẻ vẫn ngày đêm miệt mài thâm nhập vào thực tế đời sống, công việc. Họ đau đáu tìm tòi, suy ngẫm để cho ra đời những sản phẩm khoa học, kỹ thuật hay một mô hình sinh hoạt có hiệu quả cao, làm lợi cho xã hội. 

Những sản phẩm ra đời từ thực tế

Với việc nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm “Nghiên cứu giao thứ ICE 608070-5-101 và ứng dụng xây dựng phần mềm xuất tín hiệu RTU tại các trạm 110kV”, nhóm tác giả Đỗ Minh Cường, Võ Hòa, Trần Khắc Tuấn, Đặng Quốc Việt đến từ Ban Công nghệ thông tin - Đoàn thanh niên Tổng công ty Điện lực miền Trung đã góp phần làm lợi hơn 22 tỷ đồng cho đơn vị. Con số biết nói này đã thật sự gây ấn tượng mạnh với ĐVTN tại buổi Lễ tuyên dương Sáng tạo trẻ diễn ra vào sáng 13-7 do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức.

“Máy cấp phôi, uốn, cắt đai kết cấu thép xây dựng điều khiển tự động” của Ngô Tấn Thống, Võ Như Tiến, Hoàng Dũng, Huỳnh Văn sanh (Đoàn trường Cao đẳng Công nghệ)
“Máy cấp phôi và uốn, cắt đai kết cấu thép xây dựng điều khiển tự động” của Ngô Tấn Thống, Võ Như Tiến, Hoàng Dũng, Huỳnh Văn sanh (Đoàn trường Cao đẳng Công nghệ). Ảnh: KHÁNH HÒA

Trong khi đó, mô hình “Học làm người có ích” của tác giả Lê Văn Huỳnh đến từ Đoàn Trường THPT Thanh Khê, quận Thanh Khê đã gây được tiếng vang lớn khi đã tạo ra một sân chơi hấp dẫn, bổ ích, góp phần giáo dục kỹ năng sống, làm việc nhóm cho đối tượng học sinh chưa ngoan, có nguy cơ bỏ học, vi phạm nội quy nhà trường. Sau một năm triển khai thực hiện, mô hình đã thu hút 21 em học sinh chưa ngoan tham gia. Kết quả, có 14 em tiến bộ, 17 em được đứng vào hàng ngũ của Đoàn, 9 học sinh được giáo viên chủ nhiệm đề nghị khen thưởng. Lê Văn Huỳnh chia sẻ rằng, ý tưởng để xây dựng mô hình của anh xuất phát từ việc cảm thông với những học sinh chưa ngoan. Dù trong mắt mọi người, các em là những học sinh “cá biệt” nhưng khi tìm hiểu kỹ, mới biết được nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất đáng thương, các em thiếu sự quan tâm, định hướng từ gia đình cũng như nhà trường. Mô hình “Học làm người có ích” ra đời đã trở thành ngôi nhà thứ hai cho những học sinh chưa ngoan khi đánh trúng tâm lý của các em là cần được cảm thông, chia sẻ.

Với đặc thù nghề nghiệp là thường xuyên đón tiếp, hỗ trợ tàu quân sự nước ngoài cập Cảng Đà Nẵng, nhóm tác giả Phạm Đình Ân, Nguyễn Trung Dũng (Đội Thủ tục - Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng - Đoàn thanh niên Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố) đã tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời công trình “Phần mềm quản lý thuyền viên, hành khách, thủy thủ tàu quân sự”. Phần mềm ra đời đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ giám sát khu vực neo đậu, quản lý thuyền viên, hành khách, thủy thủ tàu quân sự nước ngoài đi bờ được chặt chẽ và nhanh chóng hơn bằng hệ thống máy tính hiện đại.

Đây chỉ là 3 trong số 12 sản phẩm sáng tạo được vinh danh lần này, cũng là đại diện cho hàng trăm ý tưởng sáng tạo mà tuổi trẻ thành phố đã và đang thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công việc, góp phần tích cực vào sự phát triển của thành phố.

Khích lệ tinh thần sáng tạo của giới trẻ

Để khích lệ tinh thần sáng tạo trong giới trẻ, những năm qua, hưởng ứng phong trào Tuổi trẻ sáng tạo do Trung ương Đoàn phát động, tuổi trẻ thành phố Đà Nẵng đã tích cực triển khai trong toàn Đoàn, thu hút hàng trăm ĐVTN tham gia. Trong 5 năm (2007 - 2012), có 674 đề tài nghiên cứu khoa học, 115 chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do đoàn viên thanh niên thành phố chủ trì nghiên cứu và triển khai, 2.854 công trình thanh niên các cấp. Đà Nẵng cũng là đơn vị nhiều năm liền đoạt những giải cao trong các Hội thi Tin học trẻ, nghiên cứu khoa học trong thanh thiếu niên toàn quốc. Từ phong trào thi đua sáng tạo, nhiều mô hình, giải pháp, công trình, sáng kiến, sản phẩm… có tính ứng dụng cao, được đưa vào áp dụng trong thực tiễn, làm lợi hàng chục tỷ đồng cho đơn vị.

Sáng tạo không phải là đặc quyền của người trẻ nhưng nó là thế mạnh mà tạo hóa đã ban tặng cho họ. Dù vậy, hiện nay, còn rất nhiều người trẻ đang lãng phí thế mạnh này, họ hài lòng quá nhanh với những gì đang có. Vì vậy, việc vinh danh 12 sản phẩm Sáng tạo trẻ có một ý nghĩa to lớn. Đây không chỉ là nguồn động viên, ghi nhận kịp thời đối với thành quả lao động của một nhóm bạn trẻ mà còn góp phần cổ vũ, khích lệ phong trào sáng tạo trong ĐVTN thành phố, cũng như kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền các cấp cùng cộng đồng xã hội để phát huy năng lực sáng tạo, tri thức của giới trẻ Đà Nẵng hiện nay.

Chào mừng kỷ niệm 10 năm thành phố Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 1, sáng 13-7, Thành đoàn Đà Nẵng đã tổ chức lễ tuyên dương các Chi đoàn, thanh niên tiêu biểu của thành phố năm 2013.

Theo đó, Thành đoàn đã tuyên dương 20 Chi đoàn tiên tiến làm theo lời Bác, 12 sản phẩm Sáng tạo trẻ xuất sắc, 10 Công trình thanh niên tiêu biểu và 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu của thành phố năm 2013. Đây là những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc nhất trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố, đóng góp thiết thực vào đời sống xã hội, tạo được tiếng vang lớn trong toàn Đoàn.

Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.