.

Yên tâm vươn khơi

.

Như vậy là điều ngư dân mong mỏi bấy lâu: an ninh trên biển cải thiện để yên tâm sản xuất đã thành hiện thực. Nỗi lo tàu Trung Quốc xua đuổi, cản trở, gây khó dễ… đã giảm; ai nấy đều tự tin, yên tâm bám biển tại ngư trường xa bờ.

Cá về bến.
Cá về bến.

Không như các chuyến trước, việc chuẩn bị ra khơi của tàu ĐNa 90351 TS rất sôi động. Thuyền trưởng Lê Văn Chiến, ngụ tổ 10 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho biết: Chuyến này ra khơi ngư dân háo hức lắm! Hỏi nguyên do, ông cho biết: Điều ngư dân mong mỏi bấy lâu, đó là cải thiện tình hình an ninh trên biển đã thành hiện thực. Chuyến vừa qua đánh bắt rất thuận lợi. Cùng tại vùng biển đó (tọa độ 18,2 độ vĩ Bắc, 112,4 độ kinh Đông) các chuyến trước liên tục bị tàu Trung Quốc xua đuổi; chuyến vừa rồi, vẫn gặp tàu họ, song không có động tĩnh gì. Về bến, cập nhật tin tức thời sự biết chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Trung Quốc rất thành công. Trong các cuộc hội đàm và tuyên bố chung về việc bảo đảm an toàn cho ngư dân trên biển được lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm. Hơn nữa, chuyến vừa qua trúng đậm, thu nhập cao, ai nấy đều phấn khởi. Chỉ 10 ngày, tàu đưa về hơn 10 tấn hải sản, trị giá 280 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng 180 triệu. Riêng chủ tàu có trong tay gần 100 triệu, ngư dân 8-10 triệu đồng/người.

Cũng như tàu ông Chiến, hàng chục tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng cập Cảng cá Thọ Quang vào những ngày cuối tháng 6 đều có tâm trạng tương tự. Nỗi lo về việc tàu Trung Quốc xua đuổi, gây khó dễ ít nhiều được giải tỏa. An ninh trên biển cải thiện, tàu nào tàu nấy tranh thủ bám biển từng ngày. Bán cá xong là vội vã rời cảng cá đi nhận dầu nhớt, đá lạnh, nước ngọt, mua lương thực, thực phẩm… Ông Huỳnh Thư, thuyền trưởng tàu ĐNa 90142 TS tâm sự: Thời gian qua tuy tàu Trung Quốc chưa làm gì ảnh hưởng đến sự an toàn của tàu chúng tôi, song liên tục bị họ xua đuổi, uy hiếp, ai nấy đều cảm thấy bất an, nhiều lúc mất bình tĩnh. Đã có ngư dân không dám ra khơi tiếp, sau chuyến bị tàu Trung Quốc xua đuổi, gây khó dễ. Nay, an ninh trên biển không còn phức tạp, ai nấy đều yên tâm, tự tin vươn khơi. Hy vọng, những chuyến đi biển tới, đánh bắt sẽ thuận lợi và năng suất cao.

Không chỉ ngư dân mà các cơ quan chức năng và nhân dân cả nước rất phấn khởi khi an ninh trên biển được cải thiện. Với cơ quan chức năng, nhất là Bộ đội Biên phòng sẽ bớt đi sự căng thẳng trong từng phiên trực. Thượng tá Đỗ Văn Đông, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho rằng: Thời gian qua, tàu Trung Quốc có gây khó dễ đến hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Với ngư dân Đà Nẵng, không có tàu nào vì an ninh trên biển phức tạp mà nằm bờ. Trái lại, tỷ lệ tàu bám biển rất cao và đều trở về bình yên, thu nhập không đến nỗi nào. Có được điều này nhờ ngư dân chấp hành nghiêm Luật Biển Việt Nam và các quy định về khai thác hải sản. Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho ngư dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, Bộ đội Biên phòng thành phố luôn dõi theo hải trình của từng tàu, có sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, liên tục mở các lớp tập huấn tuyên truyền về Luật Biển cho ngư dân; đồng thời điều động tàu phối hợp với Hải quân, Cảnh sát biển tuần tra trên vùng biển chủ quyền.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 16 đợt tuyên truyền cho hàng trăm lượt ngư dân; điều động hàng chục lượt tàu tuần tra; phát hiện, xua đuổi hơn 400 lượt tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta. Theo Thượng tá Đông, tình hình an ninh trên biển cải thiện là tín hiệu vui và là cơ hội cho ngư dân đẩy mạnh sản xuất. Tuy vậy, ngư dân cần đặc biệt chú trọng “không được xâm phạm chủ quyền vùng biển nước khác; tuyệt đối không sử dụng xung điện, thuốc nổ đánh bắt hải sản; khi ra khơi nhất thiết phải đi theo đội hình tổ đội để hỗ trợ lẫn nhau và thường xuyên liên lạc với trạm bờ…”.

Với đội tàu 1.374 chiếc, trong đó 211 chiếc đánh bắt xa bờ, ngư dân Đà Nẵng đang có nhiều cơ hội nâng cao sản lượng hải sản khi tình hình an ninh trên biển được cải thiện.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.