.

Chông chênh đường lập nghiệp

.

Với những thanh niên bình thường, việc lập nghiệp không dễ dàng, và điều này càng khó khăn hơn đối với người khuyết tật.

Theo khảo sát năm 2011 của Sở LĐ-TB&XH, Đà Nẵng có 16.011 người khuyết tật có mức độ khuyết tật trung bình trở lên, trong đó thanh niên khuyết tật (TNKT) từ 16-30 tuổi là 2.231 người, chiếm 14% tổng số người khuyết tật và 0,8% tổng số thanh niên toàn thành phố.

Dù có trình độ chuyên môn nhưng anh Đỗ Hồng Quang vẫn khó tìm được việc làm phù hợp vì anh là người khuyết tật.
Dù có trình độ chuyên môn nhưng anh Đỗ Hồng Quang vẫn khó tìm được việc làm phù hợp vì anh là người khuyết tật.

Khó khăn lập nghiệp

Qua giới thiệu của anh Trần Đình Hải, Chi hội trưởng Chi hội TNKT thành phố Đà Nẵng, chúng tôi gặp lại anh Đỗ Hồng Quang (SN 1984, hội viên Chi hội TNKT thành phố Đà Nẵng) bị khuyết tật bẩm sinh, chân và tay trái bị teo cơ mà chúng tôi từng nhắc đến trong một bài viết cách đây 2 năm. Thời điểm đó, Quang “nổi tiếng” trong toàn Chi hội với thành tích tốt nghiệp loại khá khoa Công nghệ phần mềm, ĐH Duy Tân Đà Nẵng. Từ năm 2007-2009, Quang tiếp tục theo học khóa nâng cao về lập trình phần mềm tại Hà Nội. Với vốn kiến thức vững vàng và sự kiên trì, quyết tâm của bản thân, anh được nhận vào làm lập trình viên chính thức của Công ty CP KVN (trên đường Nguyễn Hoàng), thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Lần gặp lại này, Quang kể, anh nghỉ việc ở Công ty CP KVN và chuyển công tác 2 - 3 lần rồi. “Ban đầu mình rất háo hức với công việc mới, nhưng sau dần thấy những khiếm khuyết của bản thân không phù hợp với công việc nên xin nghỉ”, Quang nói. Hiện anh cùng một vài người bạn mở quán sửa chữa máy tính tại nhà với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này không đủ để anh nuôi sống gia đình nhỏ, nhất là khi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng với người vợ cũng bị bệnh teo cơ chân.

Đỗ Hồng Quang chỉ là một trong số nhiều TNKT đang gặp rất nhiều khó khăn trên bước đường lập nghiệp. Không tự tin để bảo đảm được thu nhập, nuôi sống bản thân nên có những TNKT chấp nhận sống độc thân. Với những người mạnh dạn lập gia đình thì việc duy trì cuộc sống chung càng vất vả hơn, nhất là khi người bạn đời cũng bị khuyết tật.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng thực hiện hỗ trợ đối với TNKT không có khả năng lao động 210.000 đồng/tháng; TNKT không có khả năng tự phục vụ 410.000 đồng đồng/tháng; thanh niên tâm thần phân liệt chữa trị nhiều lần không thuyên giảm 310.000 đồng/tháng; hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn cho TNKT; các doanh nghiệp có tiếp nhận lao động là người khuyết tật được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề…

Song, theo anh Trần Đình Hải, chi hội hiện có 50 thành viên, một số người được học công nghệ thông tin theo chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật của thành phố, rất hiếm người tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Có người may mắn được nhận vào làm nhưng vài tháng thì nghỉ việc vì tay nghề yếu và khiếm khuyết của bản thân. “Nếu các doanh nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị đã chấp nhận nhận người khuyết tật vào làm việc thì cần có những ưu đãi riêng như chỗ đi lại, giảm tải áp lực công việc…, chứ yêu cầu chúng tôi phải như những người bình thường thì khó quá”, anh Hải nói.

Cần sự hỗ trợ nhiều hơn

Thực tế, trong nhiều gia đình, thanh niên dù bị khuyết tật nhưng vẫn đảm nhiệm vai trò lao động chính nên việc làm đối với họ luôn là vấn đề cấp thiết. Anh Đỗ Hồng Quang bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn được giúp đỡ, trao cần câu cơm để làm việc, tự nuôi sống bản thân và gia đình, thay vì trở thành gánh nặng của xã hội”.   

Những năm qua, các chính sách hỗ trợ trên địa bàn thành phố đã góp phần rất lớn trong việc tạo điều kiện học tập, giải quyết việc làm, hòa nhập cộng đồng cho TNKT. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách, pháp luật đối với TNKT hiện vẫn còn một số hạn chế như công tác truyền thông về người khuyết tật chưa được chú trọng; việc triển khai các hoạt động, chương trình trợ giúp người khuyết tật nói chung và TNKT nói riêng chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật; các chính sách của Trung ương và địa phương đối với người khuyết tật mới chỉ tập trung giải quyết nhu cầu học tập, hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chưa đi sâu giải quyết các nhu cầu về văn hóa tinh thần; các thiết chế và sinh hoạt văn hóa, thể dục-thể thao dành cho các đối tượng này còn thiếu và yếu…

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.