.
Chuyện của ngư dân

Khi ngư dân thành đoàn viên Công đoàn

.

Những bàn tay chai sần đã quen với lưới, với lái thuyền nay lại nắm chặt với nhau, tin tưởng, yêu thương trong lễ kết nạp đoàn viên Công đoàn và thành lập Nghiệp đoàn nghề cá quận Thanh Khê. “Ngư dân mình được trở thành đoàn viên Công đoàn nữa hả?”, anh Nguyễn Đình Tuấn (42 tuổi, ở tổ 23, phường Thanh Khê Tây) như vẫn chưa tin mình vừa trở thành đoàn viên.

Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng giúp ngư dân kéo thuyền vào bờ mùa mưa bão.
Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng giúp ngư dân kéo thuyền vào bờ mùa mưa bão.

Làm nghề biển đã hàng chục năm từ cái thời còn mặc quần lửng theo cha ra biển, anh Tuấn đã coi thuyền là nhà, biển là quê hương. Dẫu có lúc khó khăn nhưng anh vẫn kiên quyết bám biển theo nghề giã đôi cho đến giờ. “Giờ thành đoàn viên Công đoàn được tham gia Nghiệp đoàn nghề cá mình càng thấy rõ hơn rằng phải đoàn kết mới mạnh được”, anh Tuấn thổ lộ. Hàng trăm đoàn viên ở 3 phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà nắm chặt tay nhau tự nguyện tham gia đoàn viên thành lập Nghiệp đoàn nghề cá quận. Có thể, những ngư dân lâu nay chỉ quen với sóng, với gió vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của chiếc thẻ đoàn viên Công đoàn mà họ cầm trong tay, nhưng trong họ cùng nung nấu quyết tâm đoàn kết không chỉ để mưu sinh mà còn để bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Luôn sát cánh cùng ngư dân Thanh Khê trong mọi hoạt động là các anh bộ đội Biên phòng Đồn 248. “Đây là một tổ chức hợp pháp đứng ra chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân khi tham gia khai thác hải sản xa bờ, cùng chúng tôi bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo quốc gia. Sức mạnh ở đây chính là sức mạnh của tập thể. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền Luật Biển Việt Nam, về vấn đề thông tin liên lạc, cứu hộ cứu nạn trên biển cho ngư dân nhiều hơn nữa”, Thiếu tá Hoàng Hữu Hà, Đồn phó Đồn Biên phòng 248 cho biết. Việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá góp phần cùng Bộ đội Biên phòng hỗ trợ tích cực hơn cho đoàn viên, ngư dân trong hoạt động đánh bắt trên biển cũng như cuộc sống hằng ngày ở địa phương. Ngư dân đã được Nhà nước hỗ trợ như bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, nhiên liệu (dầu) cho từng chuyến biển khai thác xa bờ. Nay trở thành những đoàn viên Công đoàn, họ càng được hưởng nhiều hơn những hỗ trợ thiết thực khác.

Đến nay, Đà Nẵng đã thành lập được 3 nghiệp đoàn nghề cá với 250 ngư dân đang đánh bắt trên 77 tàu cá tham gia. Những chuyến tàu đánh bắt xa bờ của thành phố tiếp tục vươn khơi, bám biển trong sự dõi theo, giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng thành phố, nay có thêm sự sát cánh, “cùng thuyền” của tổ chức Công đoàn để cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.