.

Đà Nẵng trong trái tim người Tokyo

.

1. Khi nói Đà Nẵng trong trái tim người Tokyo, tôi liên tưởng trước tiên đến một ông già Nhật Bản năm nay gần 80 tuổi: nhà Việt Nam học Kubota Teruyoshi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam có trụ sở tại tòa cao ốc Kasumigaseki Building ở Tokyo.

Mười năm nay, Viện trưởng Kubota Teruyoshi không chỉ đóng góp nhiều công trình nghiên cứu sắc sảo và thông thái về kinh tế Việt Nam - phần lớn đã được in thành sách - mà còn là người được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ủy quyền điều hành và trực tiếp tổ chức các hoạt động chung của Văn phòng Đại diện Đà Nẵng tại Tokyo Nhật Bản. Ngay từ khi Văn phòng Đại diện Đà Nẵng mới thành lập vào năm 2004 đến nay, với tư cách người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam - một cơ quan nghiên cứu khoa học tư nhân, Kubota Teruyoshi đã thuyết phục các cộng sự đồng ý cho Văn phòng Đại diện Đà Nẵng được thuê một số phòng của Viện này để tiện làm việc, đồng thời dùng thu nhập của Viện để thanh toán phần lớn chi phí thuê phòng làm việc và bồi dưỡng chuyên gia người Nhật thường xuyên làm đầu mối phối hợp trong các hoạt động quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư của người Nhật vào Đà Nẵng - tổng số tiền khoảng 36.000 USD/năm.

t
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến tặng quà lưu niệm Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam Kubo Mitsuo và Viện trưởng Kubota Teruyoshi

2. Giúp Đà Nẵng hào hiệp và hiệu quả như vậy đòi hỏi nguồn tài chính ổn định và không phải là nhỏ - do mặt bằng giá cả sinh hoạt vốn nổi tiếng đắt đỏ của một thủ đô như Tokyo, nhưng có lẽ đòi hỏi lớn nhất vẫn là tấm chân tình đối với Đà Nẵng trong trái tim những người bạn Nhật mà tiêu biểu là Viện trưởng Kubota Teruyoshi - nhà Việt Nam học tính nết rất thẳng thắn bộc trực giống hệt như dân Quảng Nam chúng ta. Lúc tiễn đoàn Đà Nẵng ra xe sau buổi làm việc sáng ngày 9 tháng 8, Viện trưởng Kubota Teruyoshi còn khoe với Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chiếc huy hiệu Đà Nẵng khắc hình cầu Sông Hàn và Ngũ Hành Sơn đang đeo trên ngực áo; lấy làm tiếc vì không thể nhận lời mời của Chủ tịch dùng cơm tối và hứa sẽ chuyển lời mời này đến một người cũng rất quý mến Đà Nẵng là Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đầu thập niên 90 của thế kỷ trước - ngài Hiroyuki Yushita. Đến bữa cơm tối, Cựu Đại sứ Hiroyuki Yushita có mặt từ rất sớm và trong bữa ăn đã trò chuyện rất sôi nổi về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, về thần thoại truyền thuyết Nhật Bản và Việt Nam và về thực tế đồng văn đồng chủng giữa hai dân tộc Nhật - Việt.  

3. Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroyuki Yushita từng đến Đà Nẵng trong thời gian làm Đại sứ ở nước ta. Tôi có nói với Cựu Đại sứ Hiroyuki Yushita rằng sau mười năm, diện mạo đô thị ở Đà Nẵng đã đổi khác rất nhiều so với lúc ông đến thăm Đà Nẵng. Nhìn vào đĩa nước mắm dằm ớt xanh mang từ Đà Nẵng sang đặt giữa bàn tiệc, Cựu Đại sứ có phần tò mò và tôi đã giải thích về sự khác nhau giữa văn hóa nước mắm của người Việt có nguồn gốc bản địa Đông Nam Á và là sản phẩm của quá trình tiếp biến văn hóa Đại Việt - Chămpa, với văn hóa nước tương có nguồn gốc Trung Quốc. Nghe vậy, Cựu Đại sứ liền tỏ ý muốn chấm thử một chút… nước mắm cay. Câu chuyện đến đây chuyển sang đề tài văn hóa Việt và Hiroyuki Yushita rất quan tâm đến cổ tích Việt Nam. Ông bảo ông không biết hư thực truyện Từ Thức lên tiên như thế nào và tôi đã thưa với ông rằng đây là một trong những truyện hay của văn chương dân gian người Việt.

4. Sau đó Hiroyuki Yushita chăm chú nghe tôi bình luận về câu chuyện xa xưa kể về mối tình giữa quan tri huyện Từ Thức và nàng tiên nữ Giáng Hương. Tôi bảo qua truyện Từ Thức lên tiên này, người Việt có hai thông điệp lớn. Một là hạnh phúc thực sự ở đời nằm ở chỗ buồn vui lẫn lộn, vừa cay đắng vừa ngọt ngào, do vậy sống cạnh cô vợ Giáng Hương trên tiên cảnh chỉ có vui và ngọt ngào thôi mà/nên Từ Thức vẫn muốn tìm về trần gian. Hai là sống trong xã hội, con người cần phải biết thượng tôn pháp luật để giữ vững giềng mối: người đẹp như Giáng Hương sơ ý làm gãy một cành mẫu đơn không có tiền bồi thường phải đành chịu cho nhà chùa trói vào gốc cây, quyền lực một tri huyện như Từ Thức cũng chỉ có thể cởi áo mình trao cho nhà chùa mới mong giải cứu được mỹ nhân - chứng tỏ bất cứ ai, ở bất kỳ cương vị nào cũng đều phải thượng tôn pháp luật - cho dù đó chỉ là lệ chùa làng…          

5. Khi nói Đà Nẵng trong trái tim người Tokyo, tôi không hiểu người Tokyo ở đây chỉ là những người Nhật như Cựu Đại sứ Hiroyuki Yushita, như Viện trưởng Kubota Teruyoshi, như Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam Kubo Mitsuo hay như Giáo sư Ishiyama Osamu của trường Đại học Waseda - người đang viết thư kêu gọi đóng góp đúc chuông đồng cho chùa Nhật Bản thuộc dự án Công viên văn hóa giao lưu hữu nghị Việt Nhật trong quần thể Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn và như nhiều người bạn Nhật khác nữa. Người Tokyo trong suy nghĩ của tôi còn là những người Việt đang sống và làm việc ở thủ đô của Nhật Bản. Trước hết có thể kể đến Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng. Trong bài phát biểu rất ấn tượng ở Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng tổ chức chiều ngày 6 tháng 8 vừa qua tại Yokohama, Đại sứ đã bày tỏ thiện cảm và những lời động viên có cánh đối với nỗ lực vươn lên của thành phố bên bờ sông Hàn: “Tôi mong có một thành phố ở Việt Nam, có thể là Đà Nẵng, trở thành một Yokohama của Việt Nam, thậm chí là Yokohama của Đông Nam Á”.

6. Những doanh nhân và trí thức người Việt xa quê hương đang sống và làm việc ở Tokyo cũng luôn dành cho Đà Nẵng nhiều tình cảm nồng ấm. Chẳng hạn như doanh nhân Nguyễn Vĩnh Trường là chủ nhà hàng Vietnam Garden - nơi đoàn Đà Nẵng đến ăn cơm vào trưa nay - đã góp phần tích cực trong việc thành lập Trường/Trung tâm Nhật ngữ Sakura ở Đà Nẵng cũng như trong việc đưa tàu Hòa Bình - một tổ chức phi chính phủ quốc tế của Nhật Bản - thường xuyên cập cảng Tiên Sa. Hay như Tiến sĩ Trần Văn Thọ - Giáo sư trường Đại học Waseda, một người Quảng xa quê luôn đau đáu nghĩ về đất nước, nhiều bài báo viết về kinh tế và giáo dục đầy tâm huyết của ông được bạn đọc trong nước nồng nhiệt đón nhận. Mới đây Giáo sư Trần Văn Thọ đã có sáng kiến tổ chức Đối thoại Waseda giữa trí thức hai nước Việt Nam và Trung Quốc với mong muốn qua các cuộc đối thoại trên tinh thần học thuật, trí thức hai nước sẽ hiểu biết tin tưởng nhau hơn và chính họ sẽ tác động tích cực đến các tầng lớp dân chúng khác để nhân dân hai nước giữ được hòa hiếu lâu dài với nhau.

7. Nhờ được người Tokyo trải lòng như vậy nên hình ảnh một Đà Nẵng năng động càng ngày càng được nhiều người ở Nhật nghe tên biết tiếng, quan hệ giữa Đà Nẵng với các thành phố lớn của Nhật như Kawasaki, Sakai, Mitsuke, Nagasaki và mới đây là Yokohama liên tục phát triển với tầm cao mới; nhiều tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp của Nhật đã quyết định đầu tư vào Đà Nẵng như Morito, Tokai Kogyo, Kamui tại các khu công nghiệp và sắp đến đây là Tokyo Keiki, Niwachuzo ở Khu Công nghệ cao… Trong đoàn Đà Nẵng sang Nhật lần này có một số doanh nhân Đà Nẵng và qua chuyến đi cũng đã tìm được nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nhân Nhật. Nhìn gương mặt hồ hởi của họ, tự dưng trong tôi bùng cháy một suy nghĩ thật lãng mạn rằng sẽ có một ngày chính quyền và doanh nhân các thành phố Nhật sang Đà Nẵng để tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào Kawasaki hay Yokohama…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.