.

Đổi thay trên quê hương Hòa Ninh

.

Về xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi chạy xe trên những con đường mới mở rộng thênh thang, sạch đẹp. Men theo triền núi là những ngôi nhà cao tầng mới xây ẩn hiện trong những khu vườn cây trái xum xuê, báo hiệu sự chuyển mình đi lên của một vùng quê nghèo heo hút trước đây.

“Phố mới” ở Hòa Ninh hôm nay.
“Phố mới” ở Hòa Ninh hôm nay.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòa Ninh là vùng căn cứ cách mạng, là một trong những địa phương đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những năm đầu tái lập (23-9-1981), Hòa Ninh thuộc một trong những xã nông thôn miền núi nghèo nàn, lạc hậu về kinh tế, văn hóa, xã hội. 100% đường giao thông chỉ là đường đất đỏ lầy lội, làng xóm chỉ là những mái nhà tranh tre lụp xụp, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, kham khổ, đói ăn, thiếu mặc triền miên... Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, Hòa Ninh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và đang chuyển mình trên bước đường đổi mới.

Trao đổi về những kinh nghiệm và kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ông Huỳnh Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh chia sẻ: Đảng ủy, UBND xã luôn coi trọng công tác xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong Đảng, lãnh đạo chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Vì thế, xã luôn duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tốc độ phát triển năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Nhờ đó, từ năm 2000 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Ninh đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Kinh tế, văn hóa-xã hội phát triển những bước đột phá như: điện, đường, trường, trạm hoàn thiện; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, thực sự ấm no và từng bước vươn lên khá giả.

Giai đoạn từ năm 2005 đến nay là bước ngoặt phát triển với nhiều đột phá và vững chắc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Hòa Ninh. Trong sản xuất nông nghiệp, hằng năm sản lượng lương thực quy thóc đạt 1.200 - 1.300 tấn, diện tích đất rừng sản xuất nâng lên hơn 2.000ha, giá trị kinh tế đạt từ 48 - 50 triệu đồng mỗi héc-ta trên một chu kỳ trồng rừng 5 năm; kinh tế trang trại phát triển mạnh mẽ với hàng chục mô hình, tạo thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng mỗi trang trại một năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Nằm ở phía Tây Bắc huyện Hòa Vang, xã Hòa Ninh có diện tích tự nhiên 10.205,66ha, trong đó 70% là đất lâm nghiệp, 205ha đất nông nghiệp, dân số 4.645 nhân khẩu, gồm 1.095 hộ, trong đó 305 hộ theo các tôn giáo, 21 hộ người Hoa, 1 hộ người Vân Kiều.

Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế Hòa Ninh chuyển dịch theo hướng nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nhiều cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: khai thác đá xây dựng, làm gạnh tuy-nen, mộc dân dụng... từng bước ổn định, mở rộng sản xuất, tạo ra sản phẩm khẳng định chỗ đứng trên thị trường; thương mại- dịch vụ ngày càng phát triển, tổng giá trị đạt trung bình mỗi năm hơn 10 tỷ đồng. Đến nay 90% đường giao thông liên thôn, 80% đường kiệt, xóm đã được thảm nhựa và bê-tông hóa; hệ thống trường học từ mầm non đến THCS đều được tầng hóa khang trang, mỗi thôn đều có trường mẫu giáo; hệ thống y tế xã được xây dựng khang trang; các thôn đều có nhà họp được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, thoáng mát.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Hòa Ninh không ngừng được cải thiện, hầu hết các hộ trong xã có đầy đủ các phương tiện phục vụ sinh hoạt gia đình như: xe máy, ti-vi, máy giặt, điện thoại... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố đã được triển khai sâu rộng đến từng hộ gia đình, đã tạo được phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực trong nhân dân. Qua bình xét có 7/8 thôn được công nhận thôn văn hóa cấp huyện; tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm đạt trên 90%. Các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao được tổ chức đều khắp các khu dân cư, nâng cao thể lực, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân... Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn xã Hòa Ninh không còn hộ nghèo ở nhà tạm, các gia đình chính sách có cuộc sống ổn định với mức sống bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của xã.

Với đà phát triển như hiện nay, hy vọng thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Ninh tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế... để thực sự cải thiện một cách vững chắc đời sống cho nhân dân.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.