Giải thưởng Lương Định Của là niềm tự hào của những “nhà nông trẻ” sáng tạo, dám vượt khó vươn lên để lập nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Những “nhà nông trẻ” này là những tấm gương sáng về ý chí lập thân, lập nghiệp.
Mô hình sản xuất nấm của anh Nguyễn Văn Sâm. |
Làm giàu từ lò bún, con cá
Cách đây 5 năm, anh Lê Cao Phong (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) vinh dự đại diện cho thanh niên nông thôn Đà Nẵng ra thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng Lương Định Của. Với chỉ 10 triệu đồng vốn ban đầu, anh Phong mạnh dạn đứng ra lập lò bún làm hoàn toàn bằng thủ công. Chỉ sau 2 năm sản xuất, không chỉ lấy lại vốn, anh còn thu được lãi gần 120 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động trên địa bàn xã Hòa Khương (thu nhập 1,2 triệu đồng/tháng/người). Cơ sở sản xuất bún thủ công của anh Phong giờ phát triển hơn, với thu nhập 200 triệu đồng/năm, lương trả cho công nhân tăng lên 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Tiếp nối thành công của đàn anh đi trước, với ý chí, quyết tâm và cả sự liều lĩnh của tuổi trẻ, Nguyễn Ngọc Hưng và Nguyễn Văn Sâm đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương Hòa Vang bằng việc lập trang trại nuôi gia cầm. Kinh doanh phát đạt, hai anh trở thành những ông chủ 8X nổi tiếng với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho hơn chục lao động trên địa bàn huyện. Với thành tích ấn tượng, Nguyễn Ngọc Hưng và Nguyễn Văn Sâm vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của vào năm 2011.
Lê Cao Phong, Nguyễn Ngọc Hưng hay Nguyễn Văn Sâm chỉ là ba trong số gần 20 thanh niên nông thôn Đà Nẵng vinh dự được chạm tay vào một trong những giải thưởng cao quý và đáng trân trọng nhất dành cho thanh niên nông thôn trên con đường lập nghiệp đầy gian nan. Họ trở thành những tấm gương tiêu biểu cho lớp thanh niên nông thôn dám đương đầu với khó khăn, thử thách, kiên trì bám trụ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Thành công của họ không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương mà còn giới thiệu đến người dân thành phố những mặt hàng nông sản chất lượng. Trong khi nhiều thanh niên bỏ quê đi tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, việc làm ở địa phương khác hay bế tắc, thiếu chí tiến thủ, họ chính là minh chứng sống cho phương châm “ly nông không ly hương”, “cần cù đâu chỉ có nông dân, làm giàu đâu chỉ nhờ học vấn” để thanh niên học hỏi.
Giá trị của giải thưởng
Giải thưởng Lương Định Của được tổ chức hằng năm nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Nói một cách chân thành và dân giả như anh Lê Cao Phong thì: “Được nhận giải thưởng Lương Định Của là bước ngoặt lớn trong cuộc đời người thanh niên ở nông thôn. Nó không chỉ giúp nhiều người biết đến lò bún, con gà, ao cá của chúng tôi mà quan trọng hơn cả, chúng tôi thấy tự tin để làm giàu bằng nghề nông, thấy thành quả của mình không thua kém so với bạn bè ở phố thị”.
Sau khi nhận thưởng, những thanh niên như anh Lê Cao Phong, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Văn Sâm lại thầm lặng quay về với công việc của những lão nông chân chất, ngày ngày miệt mài, chăm chút cho từng mặt hàng nông sản của mình với mong muốn góp phần vào sự phát triển chung của quê hương, tham gia xây dựng nông thôn Hòa Vang mới với lớp thanh niên năng động, tự tin và biết làm giàu.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA