Ngay sau khi Luật Công đoàn (CĐ) 2012 có hiệu lực, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn về vấn đề Tài chính Công đoàn để các cấp Công đoàn triển khai thực hiện theo luật định. Tại thành phố Đà Nẵng, LĐLĐ thành phố đã chủ động tham mưu Thành ủy và đề nghị UBND thành phố hỗ trợ để Luật CĐ 2012 nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ được trích từ nguồn kinh phí CĐ thu được. |
Thực tế thời gian qua, việc thu kinh phí ở những doanh nghiệp (DN) có tổ chức CĐ và chưa có tổ chức CĐ đều hết sức khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi và nhiều DN cố tình né tránh không chịu trích nộp. Ngày 2-7-2013, tại Công văn 1127-CV/TU, Thường trực Thành ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức, DN và cán bộ, viên chức, lao động nắm vững nội dung cơ bản của Luật CĐ 2012; đồng thời yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, DN trên địa bàn thực hiện việc đóng kinh phí Công đoàn theo Điều 26 Luật CĐ 2012 và Quyết định 170/QĐ-TLĐ ngày 9-1-2013 của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ban hành Quy định tạm thời về thu, phân cấp thu, sử dụng, quản lý nguồn thu kinh phí Công đoàn. Sau văn bản này, UBND thành phố cũng đã có Công văn 7301/UBND-VX ngày 20-8-2013 thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy. Tuy nhiên, tính đến ngày 30-6, phần thu kinh phí CĐ (3 cấp ngân sách) tại Đà Nẵng mới đạt 29% so với kế hoạch.
Chị Đoàn Thị Đào, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Sài Gòn Knitwear, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: “Công ty là đơn vị có 100% vốn nước ngoài. Năm 2009, khi có hướng dẫn việc trích nộp kinh phí Công đoàn 1%, BCH CĐCS gặp khó khăn trong việc vận động chủ DN thực hiện quy định. Ông chủ từ ngạc nhiên chuyển sang giận dữ và từ chối làm việc cũng như không hợp tác để bàn bạc. Thực hiện chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” theo phương châm “Mềm dẻo, khôn khéo và cương quyết”, Ban Chấp hành CĐCS mất gần nửa năm để tác động chủ DN ngồi vào bàn trao đổi. Lúc ấy ông chủ hỏi DN có thể trích vào tài khoản của Công đoàn cấp trên được không. Bởi lẽ họ không hình dung được, nếu có việc gì đó xảy ra thì họ không biết kêu ai. Đồng thời, họ cũng muốn biết nguồn kinh phí này chi vào những vấn đề gì”.
Sau quá trình giải thích thuyết phục của Ban Chấp hành CĐCS, chủ DN thống nhất trích 1% kinh phí lên Công đoàn cấp trên và Công đoàn cấp trên có trách nhiệm cấp lại cho CĐCS hoạt động. Có nguồn kinh phí này, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được nâng lên, đây chính là động lực để họ yên tâm lao động, sản xuất. Định kỳ 6 tháng, Ban Chấp hành CĐCS đều có báo cáo công khai tài chính và tiếp thu ý kiến của chủ DN về cách sử dụng nguồn kinh phí sao cho có hiệu quả nhất. Chị Đào cho biết thêm: “Đến nay, khi Luật CĐ 2012 có hiệu lực, chủ DN đã rất vui vẻ trích mức kinh phí 2% theo luật định, đồng thời mong muốn CĐCS phát huy nhiều hơn nữa để chăm lo đời sống NLĐ, cùng với DN vượt qua tình hình khó khăn chung”.
NGỌC YẾN