Khoảng 10 năm trước, các điểm “xe dù, bến cóc” hoạt động chủ yếu tại khu vực gần Bến xe Trung tâm, Ngã ba Huế và cầu vượt Hòa Cầm. Nay, các điểm “xe dù, bến cóc” đã lan rộng ra khắp thành phố với khoảng 9-10 điểm. Điều gì đã tạo nên nghịch lý này?
Trong thời kỳ cao điểm xử lý vi phạm an toàn giao thông, “bến xe dù” khu vực Ngã ba Huế vẫn hoạt động rất nhộn nhịp ( ảnh chụp lúc 16 giờ 30 ngày 19-8). |
Vì sao không lên bến xe?
Để trả lời câu hỏi này không gì chính xác hơn là hãy nghe lời giải thích từ chính những “thượng đế” chọn đi “xe dù” ở những “bến cóc” chứ không chịu vô bến xe mua vé để đi. Nhóm ba công nhân tên Linh, Ba và Hằng đang làm việc tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thọ Quang cho biết: Trước đây, khi mới ra Đà Nẵng làm việc, mỗi lần về quê, chúng tôi phải nhờ bạn bè chở từ khu nhà trọ gần công ty đến khu vực chợ Hàn, đi xe buýt lên Bến xe Trung tâm mua vé về quê. Gần đây, biết được gần khu vực chúng tôi ở lúc nào cũng có xe chở thẳng về quê, vì vậy chúng tôi không cần lên bến xe nữa. Còn chị Lê Thị Thanh Nga, công nhân thủy sản tính toán: Từ Khu Công nghiệp Thọ Quang đi xe ôm qua bến xe ít nhất cũng mất 30 ngàn đồng, sau đó mua vé tuyến Đà Nẵng-Quảng Ngãi thêm 80 ngàn đồng mới về đến Bến xe Quảng Ngãi, đi xe ôm về nhà hết 60 ngàn đồng nữa, tính ra tôi phải chi hết 150 ngàn đồng. Trong khi đó, nếu đi ô-tô từ khu công nghiệp về nhà chỉ cần 90 ngàn đồng, xe có máy lạnh, như vậy vừa rẻ, vừa khỏe, vừa nhanh nữa.
Cũng với cách tính tương tự, anh Lê Văn Trường về quê là huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định không cần lên Bến xe Trung tâm thành phố, mà đón xe tại cầu vượt Hòa Cầm. Anh Trường cho biết, từ nơi làm việc là nhà máy Foster, Khu Công nghiệp Hòa Cầm về quê, anh đi bộ đến chân cầu vượt Hòa Cầm chỉ mất mươi phút có xe đi ngay với giá bằng mua trong bến nhưng không mất 30 ngàn đồng xe ôm. Hàng trăm công nhân cùng quê anh đều về quê theo kiểu này.
Rõ ràng, những người chọn đi “xe dù” tại những “bến cóc” như vậy lợi cả đôi đường, là tiết kiệm tiền bạc và cả thời gian. Với những hành khách ở các tỉnh là bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tại Đà Nẵng việc đi “xe dù, bến cóc” kiểu này thuận lợi nhất vì xe chạy đúng giờ, được đón tận nơi chỉ sau một cú điện thoại.
Khó xử lý
Mới đây, khi kiểm tra một “xe hợp đồng” chạy tuyến Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng phát hiện trên xe này có cả tập hợp đồng khống. Tức là, ngoài hợp đồng vận chuyển có tên hành khách cụ thể, trên xe còn có rất nhiều hợp đồng được soạn sẵn, được chủ nhiệm một HTX vận tải tỉnh Quảng Ngãi ký và đóng dấu đỏ, nhưng tên hành khách, thời gian, địa điểm đi và đến lại để trống. Điều này cho thấy, HTX vận tải này chỉ làm “dịch vụ” là bán hợp đồng khống để kiếm tiền chứ không thực hiện hợp đồng chở hành khách. Với “lá bùa” này trên tay, các chủ phương tiện ở các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định rất thuận lợi trong việc chở hành khách dưới danh nghĩa “xe hợp đồng”, vì lực lượng chức năng không thể xử phạt được do xe chạy hợp đồng với đầy đủ tên hành khách.
Ông Bùi Thanh Thuận, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT thành phố cho rằng, đó chính là kẽ hở trong công tác quản lý hiện nay khiến cơ quan chức năng khó xử lý được tình trạng “xe dù, bến cóc”. Trước đây, khi chưa xóa bỏ các giấy phép “con” trong công tác vận tải hành khách thì không thể núp danh “xe hợp đồng”, vì ngoài hợp đồng này còn có một số thủ tục như giấy điều lệnh, giấy đi đường, lệnh xuất bến... mới được hoạt động. Còn hiện nay quá đơn giản nên mới nảy sinh tình trạng “xe hợp đồng” khiến cơ quan chức năng khó xử lý. Kẽ hở này tạo thuận lợi cho “xe dù, bến cóc” ngang nhiên hoạt động.
Thiếu xe buýt
Ngoài chuyện giá vé, sự bất tiện đối với hành khách đến Bến xe Trung tâm để mua vé là các tuyến xe buýt không lan tỏa khắp thành phố. Hiện nay, thành phố có 6 tuyến xe buýt, trong đó 1 tuyến chạy nội thị theo trục Đông - Tây, còn lại 5 tuyến nối các địa phương của tỉnh Quảng Nam mà điểm cuối là Bến xe Trung tâm. Các tuyến này chủ yếu đi qua trung tâm thành phố, các khu vực có nhiều công nhân, sinh viên sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp, trường học hoặc dọc theo tuyến đường Nguyễn Tất Thành qua cầu Thuận Phước nối vào đường Hoàng Sa, Trường Sa... chưa có tuyến xe buýt nào chạy qua. Chính điều này gây rất nhiều khó khăn cho hành khách khi đến Bến xe Trung tâm để mua vé đi về các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Hiện nay thành phố triển khai thực hiện “Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2013-2020” với mục tiêu phấn đấu mỗi ngày hệ thống xe buýt sẽ thu hút khoảng 1,15 triệu lượt khách đi cự ly trên 2km, và 610 ngàn lượt khách đi cự ly trên 4km. Tuy nhiên, đó là mục tiêu của tương lai, còn hiện tại ngành GTVT cần có giải pháp để xe buýt bao phủ khắp các khu đông dân cư nhằm xóa dần nạn “xe dù, bến cóc” ngang nhiên hoạt động.
Mỗi ngày chỉ có 3 xe vào Bến xe khách phía Nam Chính thức đi vào hoạt động ngày 24-9-2012, nhưng hiện nay mỗi ngày tại Bến xe khách phía Nam chỉ có 3 xe khách vào bến trả khách. Ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Công ty CP Đức Long Đà Nẵng, Giám đốc Bến xe phía Nam cho biết: Giai đoạn 1 của bến xe xây dựng với diện tích là 52.000m2 với đầy đủ các hạng mục để phục vụ cho 700 lượt xe ra vào bến/ngày đêm. Thế nhưng đến nay, mọi nỗ lực của chúng tôi đều bất thành; thậm chí đến gõ cửa từng doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền Trung để giới thiệu về Bến xe khách phía Nam, cùng những chế độ đãi ngộ, nhưng cũng chỉ có 3 xe đến trả khách hằng ngày. Với hơn 100 tỷ đồng đầu tư, mỗi tháng phải chịu lãi suất ngân hàng hơn 500 triệu đồng đã khiến chúng tôi vào tình thế quá khó khăn. Trong khi đó việc di dời mấy chục hộ trước bến xe đến nay vẫn chưa có đất bố trí tái định cư. T.S |
TRẦN LUÂN SƠN