Tiếp chúng tôi trong căn nhà lợp tôn cũ nát phải che tạm bợ bằng tấm nilon rách nhiều chỗ, ông Huỳnh Can (52 tuổi, ở phường An Khê, quận Thanh Khê) lúng túng vì nhà chật không biết mời khách ngồi đâu. Mong ước làm lại căn nhà của ông vẫn chưa thành hiện thực.
4 người trong gia đình ông Huỳnh Can phải nằm chen chúc trên chiếc giường hẹp. |
Nhiều nỗi niềm
Bố, mẹ và anh trai của ông Can đều là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy, bà nội và mẹ của ông đều được truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện ông Can chỉ còn người chị gái là bà Huỳnh Thị Việt Nga (ở tổ 12, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê). Khi chúng tôi đến, vợ ông - bà Đặng Thị Kim Vân (46 tuổi) bỗng cười ngặt nghẽo và bảo: “Vào nhà! Vào nhà!”. Ông Can thở dài nói: “Bà ấy bị bệnh tâm thần phân liệt nhiều năm nay nên không làm lụng được gì. Có nghề may nhưng chẳng ai đặt hàng vì lúc ưng thì làm, không ưng thì nghỉ nên chỉ ở nhà làm mấy việc lặt vặt”. Nhìn quanh, trong nhà ông chẳng có gì đáng giá ngoài một chiếc tủ lạnh và một máy may đã cũ.
Ông Can trước đây làm công nhân cơ khí, đến năm 2011, công ty nơi ông làm giải thể nên hiện ông làm thợ “đụng”, tức là đụng gì làm nấy. Ngày nắng có việc, ngày mưa thì cả nhà đành vay mượn đắp đổi qua ngày.
Căn nhà ông Can đang ở gọi là “nhà” chứ thực chất là hai căn phòng tạm bợ với diện tích 24m2 được xây từ năm 1997 bằng vật liệu tôn cũ và cành bạch đàn. Đến năm 2002, bà Nga viết giấy tay qua phường ký, nội dung cho ông Can một nửa lô đất để làm nhà ở và thờ cúng bà nội, cha mẹ. Vì xây dựng đã quá lâu nên hiện căn nhà xuống cấp trầm trọng, tôn thủng nhiều chỗ, phải che nilon. “Bốn người chỉ nằm chung một chiếc giường 1,4m nên nhiều lúc cũng bất tiện, nhất là khi các con đều đã lớn nhưng cũng đành vậy chứ biết sao!”, ông Can thổ lộ.
Hai con trai của ông Can đều đang đi học, cháu đầu học lớp 8, cháu sau học lớp 3, cả hai đều là học sinh tiên tiến và học sinh giỏi nhiều năm liền. “Sắp tới mùa mưa rồi, cháu sợ lắm. Mùa mưa năm nào nước cũng ngập đến mép bàn, kê đồ lên cao mà vẫn bị ướt”, em Huỳnh Nhật Khánh (13 tuổi, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu), con trai đầu của ông Can kể.
Hiện ngoài thu nhập bấp bênh của ông Can, gia đình ông được hưởng 500.000 đồng/năm tiền thờ cúng liệt sĩ và được tặng quà vào mỗi dịp lễ, Tết.
Mong được xây nhà
Vợ chồng bà Nga đã đồng ý cho vợ chồng ông Can 1/2 lô đất hiện có (khoảng hơn 83m2/160m2). Tuy nhiên hiện nay, việc tách thửa không thực hiện được do chiều ngang (mặt tiền) lô đất này chưa đủ 4m (chỉ 3,53m). Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Thái - Chủ tịch UBND phường An Khê cho biết: “Gia đình ông Can là gia đình chính sách nên địa phương rất quan tâm. Chúng tôi đã huy động từ nguồn quỹ của địa phương, các mạnh thường quân và bà con khu dân cư được hơn 70 triệu đồng. Một đơn vị bộ đội và cán bộ đoàn khu dân cư ủng hộ ngày công nếu căn nhà được tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, vì lý do chưa tách thửa nên chưa thể xây nhà cho ông Can”.
Ông Thái nói thêm, địa phương đã kiến nghị, đề xuất lên Phòng Tài nguyên-Môi trường quận và họ đã chuyển lên Sở Tài nguyên- Môi trường nhưng vẫn chưa giải quyết.
“Gia đình ông Can có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mong ước của ông chỉ là tách thửa để được làm nhà vì căn nhà quá xuống cấp. Tôi nghĩ cấp trên cũng nên linh động bởi mặt tiền đường trước mặt anh Can chỉ là đường hẻm chứ không phải lộ lớn”, ông Lê Thanh Nhàn, Bí thư kiêm tổ trưởng tổ dân phố 60, phường An Khê nói.
Ông Nhàn cho biết, việc huy động kinh phí hỗ trợ cho ông Can làm nhà đã nhiều năm nay, nên nếu để quá lâu thì nguồn kinh phí này có thể sẽ chuyển cho những trường hợp khác. “Bản thân tôi chẳng mong chi nhiều. Cũng chưa từng làm đơn xin đất hay chung cư. Tôi chỉ mong được cho tách thửa trên mảnh đất anh chị cho để làm nhà ổn định, có chỗ đàng hoàng để thờ cha mẹ, khỏi tình trạng ngập lụt nhất là trước mùa mưa năm nay”, ông Can mong mỏi.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ