Năm 2005, khu nhà hàng ven biển Phước Mỹ phía nam Công viên Biển Đông được quy hoạch và kêu gọi đầu tư kinh doanh dịch vụ. Thế nhưng, thực trạng kinh doanh tại đây đã phá vỡ kiến trúc cảnh quan, lấn chiếm đất công, biến bãi biển Phước Mỹ thành sân riêng của nhà hàng…
Lối đi xuống biển bị các nhà hàng chiếm dụng. |
Năm 2005, hàng loạt các quyết định phê duyệt quy hoạch mặt bằng và giao đất để kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ tại khu vực bãi biển Phước Mỹ. Tổng diện tích quy hoạch gần 80.000m2 với 62 lô đất dịch vụ được tổ chức bán đấu giá. Theo Sở Xây dựng, lúc bấy giờ, việc quy hoạch khu vực dịch vụ nhà hàng là điểm nhấn trong quy hoạch và thiết kế cảnh quan vệt ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc. Nơi đây sẽ là điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi trên vệt bờ biển dài 15km từ Sơn Trà đến giáp khách sạn Furama. Trong quá trình kinh doanh, các cơ sở nhà hàng phải tuân thủ các quy định về quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc và bảo vệ môi trường. Theo quy hoạch, khu vực kinh doanh nhà hàng có các tuyến đường rộng 12 mét, 6,3 mét và dài 40 mét để người dân và du khách tiếp cận bãi tắm.
Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, khu nhà hàng ven biển gây nhiều bức xúc trong nhân dân vì các chủ nhà hàng đã chiếm dụng đất công, phá vỡ cảnh quan khu vực biển. Ngày 13-8, chúng tôi đến đây để tìm lối đi xuống bãi tắm nhưng quá khó để tiếp cận. Tuyến đường xuống biển phía nam nhà hàng M. đã trở thành hàng hiên của nhà hàng này đưa các dụng cụ như bếp than, nguyên liệu thực phẩm để sơ chế, nơi để chén bát, bàn ghế, vật dụng kinh doanh, bịt kín đường xuống biển; nước rửa thực phẩm chảy tràn xuống bãi biển. Ở phía ngoài, nhà hàng dựng nhà giữ xe chắn ngang lối vào. Theo tiền sảnh các nhà hàng, ở lối đi xuống biển tại vị trí giữa nhà hàng S. và nhà hàng Y. thì nhà hàng Y. sử dụng phía trước dựng khung nhà giữ xe, bàn ghế, làm kho chứa vật dụng hư hỏng. Lối xuống biển nước thải chảy màu đen kịt. Ở vị trí giữa nhà hàng V. với nhà hàng C. có đường xuống biển nhưng bị hàng dừa chắn hết lối đi.
Bị bịt lối, chúng tôi vòng ngược lại khu vực công viên phía nam giáp nhà hàng M. tìm đường xuống biển. Nhưng ở đây lại bị một bờ bê-tông dựng đứng cao lút đầu người rất nguy hiểm. Khu nhà hàng nhìn từ biển vào là mảng bê-tông lởm chởm, nhếch nhác. Bờ kè của mỗi nhà hàng là mảng tường riêng, chỗ cao, chỗ thấp từ 2 - 2,5 mét. Một ngư dân đang sửa thuyền thúng cho biết, khu vực này quá bẩn nên du khách không dám đến tắm biển.
Theo quy định của Sở Xây dựng, giữa hai nhà hàng liền kề trong khu vực này phải có khoảng lùi công trình vào 2 – 3m, không được có bất cứ hạng mục công trình nào lấn chiếm nhằm tạo sự thông thoáng giữa các nhà hàng và không che khuất tầm nhìn ra biển. Vậy mà, lâu nay các nhà hàng ở đây đã cơi nới, lấn chiếm luôn phần diện tích này. Các tuyến đường xuống biển bị chiếm dụng.
Tại cuộc họp của Hội đồng Quy hoạch-Kiến trúc thành phố tháng 8-2013, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố xác nhận tình trạng vi phạm trật tự đô thị, vi phạm quy hoạch, phá vỡ kiến trúc cảnh quan bãi biển.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến: “Các nhà hàng đã hưởng lợi quá nhiều và bây giờ họ phải có trách nhiệm khắc phục”. Trước mắt, các đơn vị chức năng của thành phố tiến hành giải tỏa hành lang các tuyến đường xuống biển và tổ chức thi công, có biện pháp chống lấn chiếm đường giao thông nội bộ khu vực bãi biển tại khu vực nhà hàng.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG