Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của chất độc cam/dioxin do quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam để lại di chứng nặng nề cho các thế hệ người Việt Nam.
Ông Anythong Lake, Giám đốc Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) thăm nạn nhân da cam Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH VINH |
Năm 1966, tôi lên 12 tuổi, những kỷ niệm của tuổi thơ về quê hương, về chiến tranh đau thương và gian khổ vẫn theo mãi trong tâm trí tôi cho đến ngày nay. Những tháng năm ấy, tại phía Tây, tỉnh Quảng Nam quê tôi ngày đêm bị bom đạn Mỹ cày đi xới lại, giết hại đồng bào ta, nhất là hàng trăm tấn chất độc cam/dioxin được rải xuống nơi đây, hòng làm trơ trụi cây cỏ để lực lượng cách mạng không còn nơi ẩn nấp.
Thông thường từ 2 - 3 chiếc máy bay C130 của Mỹ triển khai thành hàng ngang và hạ độ cao cách mặt đất khoảng 500 mét, từ Hòn Kẽm - Đá Dừng bay dọc theo sông Thu Bồn đến sông Tiên thuộc địa phận Tiên Phước. Từ hai cánh của mỗi chiếc máy bay phun ra một loại hóa chất độc hại dày đặc như sương mù buổi sáng mùa đông. Những người dân ở đây vừa mới ra đồng, khi phát hiện máy bay rải chất độc, chưa kịp chạy về đến nhà để trú ẩn thì trên mình đã ướt đẫm như mưa phùn, bốc mùi nồng nặc, khét lẹt, phải thay áo quần và tắm rửa ngay.
Cứ như thế, hằng năm có từ 3 - 4 lần quân đội Mỹ đã dùng chất độc rải xuống nơi này. Sau mỗi lần như thế, toàn bộ cây cối đều trơ trụi và không có bất cứ loại cây gì còn sống sót. Những cánh đồng lúa, bắp xanh mơn mởn sau một tuần lễ chỉ còn lại một màu vàng khô cháy. Các loại chuối, như chuối sứ, chuối cau, chuối mốc, chuối lùn… ngấm chất độc buổi sáng thì đến buổi chiều thi nhau ngã la liệt, cho đến sáng hôm sau không còn sót lại một cây nào.
Theo kinh nghiệm của người dân, chỉ có cây chuối chóc mới chống lại được sức hủy diệt của loại chất độc này. Bên cạnh đó là cây sắn, người dân phải dùng rựa chặt ngang nửa thân cây ngay sau khi chất độc phun xuống để duy trì những chùm củ sắn trong lòng đất ấy đến khi được nhổ lên sử dụng cho cái ăn, thì chính trên mình nó mọc những chùm rễ hết sức lạ thường. Sau khi bóc sạch vỏ sắn, cắt đoạn, chẻ làm đôi, ngâm nước muối rồi mới đem luộc. Nhưng khi đổ ra khỏi nồi, từ trong những miếng sắn ấy vẫn bốc lên mùi tanh hôi của chất độc. Phải để cho chúng thật nguội lạnh, bớt đi mùi tanh hôi mới ăn được và sau đó là hậu quả khủng khiếp: hơi thở nghe mùi chất độc, mồ hôi nghe mùi chất độc, áo quần nghe mùi chất độc và… đánh rắm cũng nghe mùi chất độc, chỉ có chất độc và toàn là chất độc.
Bây giờ, có người hỏi rằng, nguy hiểm đến thế sao người dân vẫn sử dụng làm thức ăn cho mình? Bởi rằng lúc ấy, nguồn lương thực duy nhất chỉ là củ sắn, củ chuối chóc ấy mà thôi!
Trong 10 năm (từ 1961-1971), quân đội Mỹ đã rải hơn 18 triệu gallon chất độc cam với thành phần chứa dioxin xuống hơn 10% diện tích đất ở miền Nam Việt Nam, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu hecta rừng và đất nông nghiệp. Nhiều người cho rằng, ngoài tác hại đến môi trường, hóa chất này còn gây hậu quả trầm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người Việt, thậm chí tới các thế hệ sinh ra sau chiến tranh.
Hiện nay, ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc cam/dioxin đang truyền sang thế hệ thứ 4, hàng nghìn nạn nhân đã chết. Hàng triệu người và con cháu của họ đang phải sống cảnh bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam.
Chất cam/dioxin đã ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh. Tác động lâu dài của nó có thể hàng trăm năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dùng lại ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người trên đất nước Việt Nam.
Đà Nẵng có hơn 5.000 nạn nhân cam, trong đó có 1.900 trẻ em đang từng ngày, từng giờ chống chọi với nỗi đau da cam. Riêng trên địa bàn quận Sơn Trà có 683 nạn nhân, trong đó 365 nạn nhân chất độc cam đang được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước và 308 em nhỏ chịu di chứng của chất độc cam/dioxin. Nhiều em sinh ra với dị tật khủng khiếp như đầu to, mặt trợn, chân tay co quẹo, cả cuộc đời chỉ biết lăn lộn trên chiếc giường và hoàn toàn không làm chủ được cuộc sống của mình.
Vì vậy, mỗi chúng ta bằng nghĩa cử và thiện tâm của mình, hãy sẽ chia với những mảnh đời bất hạnh do hậu quả của chất độc cam/dioxin đang hiện hữu bên ta.
NGUYỄN VĂN SINH