.

Nối nhịp cầu nhân ái

.

Đằng sau bếp ăn tình thương của phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) gần 8 năm nay là sự góp công lặng lẽ của những tình nguyện viên bình dị.

Anh Ông Văn Bán (thứ 2, từ phải sang) trao cơm cho các bệnh nhân nghèo.
Anh Ông Văn Bán (thứ 2, từ phải sang) trao cơm cho các bệnh nhân nghèo.

“Anh Bán dễ thương”

Đó là cách gọi thân thương của những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa quận Cẩm Lệ dành cho anh Ông Văn Bán - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Thọ Đông, tình nguyện viên lâu năm nhất của bếp ăn tình thương tại đây.

Bén duyên với công việc từ thiện tại bếp ăn tình thương từ 8 năm nay, anh Bán vừa là thành viên tích cực trong công tác vận động các mạnh thường quân ủng hộ bếp ăn, vừa là người trao tận tay bệnh nhân các phần cơm, cháo. Với anh, mỗi phần cơm đem lại cảm giác hạnh phúc, ấm áp khó tả.

Bằng cái nhìn cảm thông, chia sẻ với người bệnh, anh Bán luôn cẩn trọng từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ khi trao đến bệnh nhân những phần cơm từ thiện. Thường trực nụ cười thân thiện, và những câu cửa miệng của anh bao giờ cũng là: “Kính gửi đến cụ, chúc cụ ngon miệng”, “Gửi anh, gửi chị”, “Em bé ăn nhiều vào nhé”… Tự nhận mình chỉ là cầu nối, “của cho không bằng cách cho”, anh Bán “dị ứng” với những từ xin - cho - ơn - nghĩa…, mà thay vào đó là những hỏi han ân cần, những lời động viên giản dị. Và không biết từ bao giờ, với những người bệnh từ già đến trẻ đang điều trị tại đây, anh Bán như con, cháu, chú, bác, anh, em thân thuộc.

Bà Nguyễn Thị Hý (71 tuổi, ở thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là bệnh nhân lâu năm của bệnh viện với đủ bệnh tai biến, tim mạch, gan nhiễm mỡ…, chia sẻ: “Anh Bán tội (tốt) lắm, bà con điều trị ở đây ai cũng thương, cũng quý. Bữa nào ra nhận cơm không gặp anh Bán thì thấy như thiếu thiếu cái gì, về đến phòng bệnh ai cũng thắc mắc, hôm nay Bán nó bận gì thế nhỉ?...”. Còn với anh Bán, tình hình bệnh tật của bà Loan bị đau dạ dày, cụ Hàn bị khớp, bé Đức bị phỏng... từng ngày như thế nào, anh thuộc nằm lòng. Anh vui khi được nghe tiến triển bệnh tốt và lo lắng sốt sắng khi các bệnh nhân xảy ra chuyện...

Một trong vạn tấm lòng

Trong câu chuyện với chúng tôi, ngoài các bệnh nhân nghèo, anh Bán thường kể một cách tự hào về đội ngũ nấu ăn của bếp ăn tình thương. Đó cũng là những tình nguyện viên góp phần không nhỏ để bếp ăn đầy tính nhân văn này tồn tại và ngày càng có sức lan tỏa như bây giờ. Anh Bán còn nhớ, cách đây gần 2 năm, do yêu cầu mới, bệnh viện quận không có không gian để duy trì bếp ăn. Khi đó, các phần cơm từ thiện có khi phải tiếp nhận từ nhà chùa, quán cơm để phục vụ bệnh nhân... Các chị, các cô buồn lắm vì không thể tự tay nấu những bữa cơm nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng phục vụ các bệnh nhân. Tháng 3-2012, UBND phường Hòa Thọ Đông tạo điều kiện, bếp ăn tình thương được phục hồi, đặt nấu tại trụ sở phường đã đem lại niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho 20 tình nguyện viên và những người tâm huyết với công trình nhân đạo này.

Với anh Bán và những tình nguyện viên, điều vui nhất là bếp ăn ngày càng nhận được sự ủng hộ, quyên góp của nhiều tấm lòng hảo tâm, khởi phát từ các chùa trên địa bàn quận như: Hòa Thọ, Thọ Quang, Quan Châu, Bàu Sen. Đến nay, trong những nơi nhận cấp cơm miễn phí đều đặn hằng tháng cho các bệnh nhân còn có quán cơm chay Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn), tiểu thương các chợ trên địa bàn Đà Nẵng và cả các mạnh thường quân từ thành phố Hồ Chí Minh... Vậy nên, từ chỗ chỉ phục vụ bệnh nhân nghèo 2-3 ngày trong tuần, nay bếp ăn tình thương phường Hòa Thọ Đông phục vụ 6-7 ngày trong tuần, mỗi ngày từ 60-250 suất, không chỉ cơm mà còn có cháo buổi sáng. Tính riêng năm 2012, bếp ăn đã cung cấp hơn 15.500 suất cơm và 600 phần cháo cho các bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện đa khoa quận Cẩm Lệ.

Tuy nhiên, anh Bán vẫn băn khoăn vì trừ một số ngày vận động được 200-250 suất, còn lại phần lớn, bếp ăn chỉ phục vụ được 60-100 phần cơm, đáp ứng chưa đến 1/2 nhu cầu của hơn 300 bệnh nhân tại bệnh viện.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.