Ngày hội sử học lần đầu tiên được tổ chức với hàng loạt hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 155 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp (1-9), 140 năm Ngày mất của danh tướng Nguyễn Tri Phương (28-9) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) đang được kỳ vọng tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ngày hội sử học do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng tổ chức được khởi động từ đầu tháng 8, kéo dài đến hết ngày 23-11 tới.
Ngày hội sử học được kỳ vọng sẽ góp phần giáo dục lòng yêu nước, yêu những giá trị truyền thống trong thế hệ trẻ. Trong ảnh: Một giờ học lịch sử tại Bảo tàng Đà Nẵng của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. |
Hoạt động phong phú, rộng khắp
Theo Ban tổ chức, Ngày hội sử học sẽ diễn ra rộng khắp với nhiều hoạt động phong phú trước và trong ngày hội. Sẽ có các cuộc thi hùng biện, thi tốp ca, hợp xướng; các hội thảo khoa học, tọa đàm; triển lãm biểu diễn nghệ thuật, xuất bản phim tài liệu… về những danh nhân, địa danh nổi tiếng, những sự kiện, bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của địa phương gắn với những giá trị văn hóa truyền thống cần được tôn vinh.
Để khởi động ngày hội, từ đầu tháng 8, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) đã khởi chiếu những phóng sự, phim tài liệu liên quan đến sự kiện kháng Pháp (1858-1860), về danh tướng Nguyễn Tri Phương. Sở GD-ĐT, Thành Đoàn Đà Nẵng đang tích cực chỉ đạo các trường, đơn vị tham gia ngày hội gấp rút chuẩn bị tốt các phần thi tại ngày hội.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho biết, một trong những hoạt động “đinh” của Ngày hội sử học năm nay là Hội thảo khoa học về danh tướng Nguyễn Tri Phương vào ngày 28-9. Các nhà nghiên cứu đang tích cực chuẩn bị các tham luận cho hội thảo. Ngoài các nhà nghiên cứu lịch sử Đà Nẵng, hội thảo còn có sự tham gia của Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên-Huế, các nhà nghiên cứu nổi tiếng như Dương Trung Quốc, Đỗ Bang… Theo những người có chuyên môn, ngoài cứ liệu lịch sử nền tảng, hội thảo về danh tướng Nguyễn Tri Phương được kỳ vọng có kiến giải mới về những câu chuyện liên quan đến danh nhân, có đóng góp về mặt học thuật.
Ngoài ra, tại Ngày hội sử học lần đầu tiên được tổ chức này, công chúng Đà Nẵng sẽ được thưởng thức trích đoạn vở tuồng mới Hoàng Diệu vừa đoạt Huy chương bạc tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013, do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.
Giáo dục thế hệ trẻ
Theo ông Bùi Văn Tiếng, ngoài các hoạt động kỷ niệm, Ngày hội sử học được tổ chức như sự mở đầu một sinh hoạt văn hóa thường niên, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường. Vì vậy, đối tượng hướng đến chủ yếu là học sinh phổ thông và sinh viên. Tại đây, trước hết, các em sẽ được tham gia phần thi hùng biện, ca hát về các danh nhân, địa danh trường mình mang tên. Những sinh viên giỏi, có khả năng nghiên cứu thì có thể viết tham luận, tham dự hội thảo khoa học.
Hà My, sinh viên khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Em rất vinh dự khi được cùng các bạn tham gia Ngày hội sử học của thành phố. Ngoài những kiến thức lịch sử trong nhà trường, việc chuẩn bị các phần thi vừa qua cho chúng em nhiều trải nghiệm bổ ích, để thêm yêu quê hương, đất nước mình”.
Trò chuyện với nhiều học sinh, sinh viên tham gia ngày hội khác mới thấy đây không phải là tâm sự riêng của cô sinh viên xinh xắn này. Quỳnh Anh - học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh - khẳng định: “Nếu có điều kiện, em sẽ tham gia tất cả các hoạt động của ngày hội, chứ không riêng các phần được phân công. Em nghĩ mình sẽ học hỏi được rất nhiều điều”.
Hy vọng rằng, ngọn lửa kết tinh các giá trị truyền thống không chỉ được thắp sáng trong Ngày hội sử học kéo dài trong mấy tháng, trong một bộ phận học sinh, sinh viên, mà sẽ được nuôi dưỡng, lan tỏa mãi mãi trong trái tim người Đà Nẵng, người Việt Nam mọi thế hệ.
Bài và ảnh: THANH TÂN