.

Trách nhiệm và lương tâm

Sau khi thành phố đưa ra quyết định chấm dứt tham gia Đề án Phát triển NNLCLC và bồi thường kinh phí đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng, Báo Đà Nẵng nhận được một số ý kiến phản hồi của các học viên đề án và lãnh đạo Trung tâm Phát triển NNLCLC liên quan đến vấn đề này.

* Anh Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, tốt nghiệp ngành Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Tổng hợp London (Anh) năm 2008 (Đề án 393 đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ):

Điều quan trọng là thực hiện đúng cam kết để giữ uy tín

Đề án Phát triển NNLCLC rất hữu ích, tạo định hướng phát triển về nguồn nhân lực cho thành phố và tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân, viên chức được đi học. Những cái hữu ích trước mắt là được cử đi học, tích lũy kiến thức và tạo cho mình có kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế, trang bị cho mình cái nhìn rộng hơn và nhìn vấn đề có tầm hơn. Đội ngũ này sẽ tham gia vào nguồn nhân lực phát triển của thành phố.

Với tôi, hợp đồng không phải là quan trọng mà chỉ là thủ tục, điều quan trọng là thực hiện đúng cam kết để giữ uy tín. Nó giống như một cái giấy hôn thú trước khi chúng ta lập gia đình và quan trọng là chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ với vợ, con. Tôi nghĩ, thành phố đã quan tâm tạo điều kiện cho chúng ta thì chúng ta phải suy nghĩ phải làm được gì cho thành phố. Ở nơi nào cũng vậy, để có được vật chất thì phải có sự đánh đổi. Nếu nghĩ về hợp đồng nhiều quá thì có sự tính toán, không có cái tâm.
Nghệ thuật sử dụng con người là khó nhất. Nhưng tôi thấy chủ trương của thành phố là hợp tình hợp lý. Trong 5 năm tới, chặng đường phát triển của thành phố còn dài, nhu cầu NNL sẽ còn rất lớn, do đó cần sự đóng góp của nhiều người và còn nhiều cơ hội để các bạn trẻ phát triển. Mong muốn của tôi là các bạn thành lập nhóm nghiên cứu để thực hiện các đề tài cấp thành phố và cấp cơ sở. Sau khi đóng góp, chúng ta có quyền tự hào và cảm thấy giống như một người thợ xây xong một ngôi nhà và giá trị của nó không có gì so sánh được.

* Chị Huỳnh Thị Bình An, tốt nghiệp ngành Báo chí, Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng năm 2013 (Đề án 922):

Xử lý nghiêm để tạo sự công bằng

Trong quá trình học, tôi thấy thành phố đã quan tâm và hỗ trợ học bổng rất nhiều cho chúng tôi. Đặc biệt sau khi ra trường, các học viên còn được bố trí công việc, chỗ ở và được hưởng tiền trợ cấp hằng tháng trong một thời gian để có điều kiện yên tâm công tác.

Trong quá trình học cũng có nhiều lý do khách quan xảy ra nhưng điều quan trọng là cái tâm của học viên. Với những gì các bạn đã được hưởng, tôi nghĩ các bạn cần có trách nhiệm với thành phố và đó cũng là sự thể hiện lương tâm của mình. Để tạo sự công bằng cho các học viên, theo tôi, thành phố nên xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

* Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển NNLCLC:

Đầu vào sẽ khắt khe hơn

Các trường hợp vi phạm hợp đồng chúng tôi đã thông báo nhiều lần. Trong quá trình thực hiện Đề án Phát triển NNLCLC, trung tâm đã giải quyết những phát sinh rất nguyên tắc nhưng có lý có tình. Tuy nhiên, để hạn chế các trường hợp vi phạm hợp đồng, trong thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình sao cho chặt chẽ, đặc biệt là công tác tuyển chọn ngay từ đầu vào. Người tham gia phải xác định làm việc cho thành phố, phải tìm hiểu kỹ đề án trước khi tham gia ký hợp đồng.

Ngoài những tiêu chí về trình độ học vấn, các học viên Đề án Phát triển NNLCLC còn phải có phẩm chất đạo đức. Đó là căn cứ trên các loại bằng khen, giấy khen cùng với nhận xét của đơn vị sử dụng lao động để chấm điểm. Các học viên là cán bộ, công nhân, viên chức phải nằm trong diện quy hoạch cán bộ hoặc chuyên gia. Đối với đầu ra, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo thành phố sử dụng và bố trí phù hợp chuyên môn đào tạo của các học viên sau khi hoàn thành khóa học.

GIA HUY ghi

;
.
.
.
.
.