.
Bài toán giảm tải bệnh viện

Bài 1: Quá sức giường lẫn sức người

.

Quá tải ở các bệnh viện là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng”, tình trạng này hiện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Bài toán nào cho việc giảm tải các bệnh viện trên địa bàn thành phố?

Dù Bệnh viện Đà Nẵng đã cải cách quy trình khám bệnh nhưng bệnh nhân cũng phải mất khá nhiều thời gian đợi đến lượt khám.  Ảnh: THU HOA
Dù Bệnh viện Đà Nẵng đã cải cách quy trình khám bệnh nhưng bệnh nhân cũng phải mất khá nhiều thời gian đợi đến lượt khám. Ảnh: THU HOA

Bệnh nhân mỏi mòn chờ, giường bệnh quá công suất, bác sĩ làm việc quá sức… Đó là “bộ mặt” của quá tải ở bệnh viện. Điều đáng nói là thực tế này không chỉ diễn ra ở tuyến trên (bệnh viện thành phố), mà còn ở tuyến dưới (bệnh viện quận).

Tốn thời gian… chờ

Từ 6 giờ 30, điểm lấy phiếu của Bệnh viện Đà Nẵng mới bắt đầu hoạt động, nhưng từ 5 giờ, rất đông bệnh nhân đã có mặt tại đây, phần lớn những người “lo xa” là bệnh nhân đến từ địa phương khác. Theo ghi nhận của chúng tôi, mới hơn 7 giờ nhưng bệnh nhân đã lấy số phiếu vượt mốc 200. Ông Nguyễn Hùng (ở tỉnh Quảng Nam) cầm số 134 nói: “Tôi tới từ 6 giờ mới “được” ri đây, đông phải lo đi sớm”.

Tại khu vực chờ gọi tên, câu chuyện của mọi người hầu hết chỉ xoay quanh vào việc lúc nào đến lượt khám. Một bệnh nhân đến từ Quảng Ngãi nói: “Ước chừng 2/3 dân tỉnh mình chạy ra Đà Nẵng khám bệnh. Mấy bệnh thường thường họ cũng ra đây”. Trong khi đó, một bệnh nhân ở Đà Nẵng cầm số phiếu 296 cho biết cũng vì đông quá nên không chỉ mất thời gian chờ gọi tên mà sau khi làm xét nghiệm cũng tiếp tục chờ kết quả. Hôm nào đi khám bệnh, xét nghiệm máu, người này phải xin nghỉ làm cả buổi sáng. “7 giờ có mặt, mất hàng giờ sau đó mới tới lượt khám, và nhanh thì phải khoảng gần trưa mới lấy được kết quả, không thì đầu giờ chiều quay lại bệnh viện”, bệnh nhân này cho biết.

Chị Trần Thị Kiều Oanh, nhân viên phụ trách bấm số tại Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, khu vực bấm số bắt đầu hoạt động lúc 6 giờ 30, nhưng nhiều bệnh nhân đến trước đó cả giờ đồng hồ. “Họ ngồi xếp hàng trước khu vực chờ gọi tên, lúc em đến thì chỉ việc phát số theo thứ tự. Thời gian lấy số kéo dài đến khoảng 10 giờ 30, số phiếu phát ra chừng 900 số vào các ngày thứ hai và thứ ba; từ ngày thứ tư đến thứ sáu thì khoảng 600 bệnh nhân đến lấy số khám bệnh”.

Theo bác sĩ Lê Hồng Hải, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân nào cũng muốn đến khám và điều trị ở cơ sở uy tín, nhất là các bệnh viện tuyến trên. Độ xử lý các ca bệnh nặng ở đây đạt hiệu quả cao nên dù mắc bệnh đơn giản thì mọi người cũng tìm tới bệnh viện lớn cho chắc. “Trong khi đó, về nguyên tắc, không nơi nào được từ chối bệnh nhân, người vượt tuyến, ngoại tỉnh, ngoại quốc gì chúng tôi cũng phải sẵn sàng tiếp nhận”, bác sĩ Hải nói.

Chuyện quá tải còn rơi vào cả bệnh viện hạng 2 như Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu. Hai ngày đầu tuần, nơi đây tiếp nhận từ 800-900 bệnh nhân đến khám, 3 ngày tiếp theo có từ 600-700 bệnh nhân.

Công suất giường bệnh: Nơi nào cũng vượt

Ngành Y tế quy định giường bệnh các cơ sở khám, điều trị chỉ được phép đạt khoảng 95%, 5% còn lại là số giường trống sẵn sàng thu nhận bệnh nhân bất cứ lúc nào, đồng thời quy định cứ 10.000 dân sẽ có từ 25-30 giường bệnh. Tuy nhiên, điều này có vẻ… không tưởng khi hầu hết các nơi đều vượt quá công suất.

Hiện nay, dù đã tách khoa Sản - Nhi, nhưng số bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Đà Nẵng không giảm so với trước đây. Điều này cho thấy số lượng bệnh nhân đã tăng lên đáng kể. Công suất giường hiện nay là 149%. Chỉ tiêu giường bệnh cho phép là 1.010, nhưng con số thực kê có thời điểm lên đến 1.751 giường. Mới qua 6 tháng đầu năm, số lượt khám và nội trú đều sắp hoàn thành mục tiêu cả năm với 177.788 lượt khám, 35.130 nội trú. Số bệnh nhân vượt tuyến ghi nhận tại đây đến 90%, ngoại tỉnh 30%.

Tưởng chuyện quá tải chỉ thường gặp ở tuyến bệnh viện thành phố, thực tế ghi nhận tại các bệnh viện cấp 2, cấp 3, nơi đâu cũng vượt công suất giường bệnh.

Tại Bệnh viện đa khoa quận Ngũ Hành Sơn, công suất giường trên 100%, chưa kể thời điểm có dịch bệnh. Nơi này không chỉ bảo đảm phục vụ nhân dân trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn mà còn một phần người dân khu vực huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Do vậy, dù chỉ tiêu của bệnh viện là 100 giường nhưng số thực kê thời điểm hiện tại là 120 giường. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quận Ngũ Hành Sơn, cần phải tăng lên 150 giường bệnh/tổng 62.000 dân trên địa bàn.

Trong khi đó, tại Bệnh viện đa khoa quận Cẩm Lệ, công suất sử dụng giường cũng luôn dao động ở mức 110-120%.

1 bác sĩ khám 100 bệnh nhân!

Câu chuyện quá tải giường bệnh xem ra cũng không căng thẳng bằng quá tải… sức người. Bác sĩ phải làm việc cật lực trong điều kiện thiếu trầm trọng đội ngũ bác sĩ trẻ.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, nơi quy tụ đông đảo bác sĩ với 275 bác sĩ/1.221 cán bộ, công nhân viên cũng xảy ra tình trạng trong một buổi một bác sĩ khoa Nội tim mạch phải khám cho khoảng 80 bệnh nhân.

Con số trên dù gì cũng chưa “xi nhê” so với cường độ làm việc của bác sĩ tuyến dưới. Điển hình như Bệnh viện đa khoa quận Cẩm Lệ, bác sĩ Trần Thiện Hùng - Phó Giám đốc cho biết: “Trung bình mỗi buổi sáng, cao điểm một bác sĩ khám cho 100 bệnh nhân”.

Để bảo đảm bệnh nhân nào đến đây cũng được khám, không phải hẹn quay lại vào buổi chiều, các bác sĩ phải làm việc sớm hơn 15-30 phút và kết thúc công việc muộn hơn thường lệ. Cũng theo bác sĩ Trần Thiện Hùng, đã 6 năm liên tiếp bệnh viện chưa thu hút được một bác sĩ nào mà chỉ có chuyện bác sĩ dứt áo ra đi. Đã thế, giữa năm nay, 16 cán bộ y tế, trong đó có 4 bác sĩ của Cẩm Lệ được điều chuyển lên Hòa Vang nhằm bảo đảm con người trong thời gian đầu bệnh viện này đi vào hoạt động.

Bác sĩ Phạm Văn Tài, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quận Ngũ Hành Sơn cũng cho biết: “Không có cách nào thu hút được bác sĩ trẻ về, đó gần như là điều đương nhiên và chúng tôi chỉ còn cách phải chấp nhận với thực trạng ấy”. Hiện Bệnh viện đa khoa quận Ngũ Hành Sơn chỉ có 19 bác sĩ/khoảng 120 giường bệnh. “Cần 25 bác sĩ mới đủ nhưng biết tuyển đâu ra được”, bác sĩ Phạm Văn Tài nói.

THU HOA - HOÀNG NHUNG


Bài 2: Mỗi nơi một kiểu “sống chung”
 

;
.
.
.
.
.