.

Câu chuyện nguồn thu của Đà Nẵng: Cần một cái nhìn lạc quan hơn

.

Trong hơn 10 năm qua Đà Nẵng đã làm một cuộc thay trời đổi đất khó hình dung hết tầm vóc, cả mặt được và không được của cuộc đổi thay này. Dân số Đà Nẵng chỉ 800.000 dân nhưng theo báo cáo chưa đầy đủ thì hơn 10 năm qua Đà Nẵng đã giải tỏa và tái định cư cho gần 100.000 hộ.

Cứ mỗi hộ trung bình 5 người coi như gần hết người dân Đà Nẵng từ miền biển đến miền núi đều đã thay đổi chỗ ở, mua bán đất, mua bán nhà rồi xây dựng nhà cửa. Bản thân cuộc dịch chuyển vô tiền khoáng hậu này có ích và tạo ra thêm của cải nào cho xã hội không? Có thể nói đây là toàn bộ câu hỏi không chỉ của riêng Đà Nẵng mà còn là của nước ta sau cơn say đầu tư vào bất động sản vừa qua.

Diện mạo đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Ảnh: VĂN NỞ
Diện mạo đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Ảnh: VĂN NỞ

Nói được hay không được, đều được!

Khi Đà Nẵng đang phơi phới trên đỉnh vinh quang của giấc mơ khai thác quỹ đất, các địa phương cả nước ùn ùn kéo về học tập và cũng mong muốn làm được như Đà Nẵng. Nhưng hầu như tất cả đều không nơi nào áp dụng được. Đoàn nào về Đà Nẵng cũng đón tiếp và Đà Nẵng như minh bạch cách làm, nào là đặt lợi ích người dân lên trên, giá đất tái định cư cho hộ giải tỏa thấp hơn thị trường nhiều lần, cho dân bị giải tỏa nợ tiền đất 10 năm; nào là thành lập các ban giải tỏa đền bù cho từng khu vực, đội ngũ cán bộ liêm chính, v.v... Năm 2009, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu khi về thăm Đà Nẵng rằng Đà Nẵng có nhiều kinh nghiệm hay để Hà Nội học; nhưng rồi về vẫn không áp dụng được gì. Quả thật cả nước chỉ mỗi mình Đà Nẵng chộp được cơ hội bong bóng bất động sản và đã kịp tận dụng nó để làm được nhiều điều mà nếu không, khi cơ hội qua không biết bao giờ mới có thể được lặp lại để làm cuộc thay trời đổi đất ấy.

Cũng sốt đất; đất vườn, đất ngoại ô sình lầy hay cát bãi bỏng chân; qua đêm đến sáng bỗng tăng lên chục lần, rồi hàng trăm lần. Người người lao vào mua bán kinh doanh bất động sản. Trong khi Hà Nội, hay thành phố Hồ Chí Minh đất sốt hơn nhiều lần nhưng Nhà nước không khai thác được bao nhiêu thì Đà Nẵng làm được khá nhiều việc từ tiền thu từ đất đai.

Nhờ chính sách khai thác quỹ đất theo vệt 25 mét hai bên của những con đường mới; và cũng nhờ vào cơn say bất động sản trên toàn quốc nên đất Đà Nẵng lên giá từng ngày, người dân trong diện giải tỏa bố trí 1-2 lô đến 5-10 lô tùy vào diện tích bị giải tỏa, tuy được đền thấp nhưng lô đất mới khi có đường chạy qua giá cao ngất ngưởng nên ai cũng thấy lợi. Nói cho chính xác, Đà Nẵng đã gặp may khi khai thác quỹ đất vào đúng lúc đất sốt hầm hập. Thành phố cũng lợi mà dân cũng lãi nên tất cả đều vui vẻ. Chứ như bây giờ thì có tài trời cũng chịu.

Hiệu quả hay không hiệu quả?

Nhiều người bảo Đà Nẵng đã không biết dùng số tiền khai thác quỹ đất một cách hiệu quả, như đưa vào sản xuất chẳng hạn thì sẽ có nguồn thu lâu dài hơn nhiều. Người nói thế hẳn lãng mạn bậc nhất, ai cũng biết những năm qua do lợi nhuận quá cao từ đất đai nên mọi hướng đầu tư sản xuất đều rơi vào thua lỗ do không đáp ứng nỗi lãi suất ngân hàng. Và như các tập đoàn Nhà nước lớn kia, được đầu tư chắc hẳn lớn hơn toàn bộ số tiền Đà Nẵng khai thác từ quỹ đất nhưng xem ai có thể làm được gì hiệu quả, nếu không nói ngược lại, như chúng ta đều biết.

Không chỉ những cây cầu, mặc dù chính nhờ những cây cầu diện tích đất đô thị Đà Nẵng mở rộng ra gấp nhiều lần so với đô thị cũ; Đà Nẵng còn có những bệnh viện mới, trường học mới và đặc biệt 7.000 căn hộ chung cư như phát không cho người dân vào ở. Lẽ ra Đà Nẵng nên tổ chức một buổi lễ thật hoành tráng trao chìa khóa cho người thứ 7.000 vào ở căn hộ từ chương trình “3 có”, người dân Đà Nẵng có nhà ở này. Theo chúng tôi, công trình to lớn và ý nghĩa nhất của Đà Nẵng chính là chỗ này, 7.000 căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp thuê giá rẻ, chỉ hơn 300.000đồng/tháng. Rồi Bệnh viện Ung thư đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhất nhì cả nước, miễn phí 100% cho dân nghèo, bệnh viện 600 giường, chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ Trường chuyên Lê Quý Đôn... đâu phải là chuyện dễ mà có được. Tất cả từ đất đai ra chứ đâu! Mặc dù ngân sách để nuôi các công trình này đang gánh nặng cho địa phương nhưng phải thừa nhận rằng đó là những đầu tư nền tảng, cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ lại chính những người dân đã hy sinh một phần đất đai của mình cho sự phát triển.

Đà Nẵng đã trả giá cho sự phát triển thiếu bền vững chưa?

Chúng ta còn nhớ những năm sau năm 2000, khi du khách đổ về Hội An, Huế ngày càng nhiều thì Đà Nẵng chỉ có dưới 1.000 phòng khách sạn nhưng không khai thác hết. Nhiều người nói Đà Nẵng như cái cửa ngõ, nhờ có sân bay, để du khách đến Hội An và Huế. Không ai ngủ lại Đà Nẵng và cũng không biết chơi gì ở Đà Nẵng. Nay thì đã khác, Đà Nẵng trở thành điểm đến, và trở lại, của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Theo thống kê của ngành du lịch Đà Nẵng, tổng số phòng khách sạn của Đà Nẵng đã lên trên con số 11.500 phòng (trong đó 50% phòng thuộc khách sạn 3-5 sao). Hạ tầng du lịch tốt nên lượng du khách đổ về thành phố này cũng tăng cao, nhờ vậy tổng thu nhập từ các hoạt động du lịch của địa phương này trong sáu tháng đầu năm đạt trên 3.600 tỷ đồng. Điều đó nhờ đâu nếu không nói nhờ chính vào những cơ sở hạ tầng cảnh quan đô thị thoáng mát sạch đẹp do khai thác từ quỹ đất? Hãy hình dung một Đà Nẵng mà không có những chiếc cầu, vẫn những làng chài nhà chồ cắm chân trên sông chiếm hết nguyên một bờ sông Hàn; không có khu du lịch, Bà Nà, Sơn Trà vẫn là những bãi biển hoang vu thì du khách đến Đà Nẵng làm gì ngoài chuyện tắm biển. Mà biển thì Việt Nam đâu không có?

Và nữa, đâu phải chỉ Đà Nẵng là thiếu phát triển bền vững. Hãy nhìn đến báo cáo số liệu xuất nhập khẩu của Tổng cục Thống kê 8 tháng đầu năm, không kể số liệu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, thì 8 tháng qua cả nước xuất khẩu được 28,7 tỷ USD. Nếu trừ đi hàng nông nghiệp như lúa gạo, cà-phê, thủy-hải sản... và hàng gia công như may mặc, giày da... thì e hàng công nghiệp xuất khẩu được chỉ còn một vài tỷ USD, ta sẽ hiểu được nền kinh tế cả nước ta đã phát triển bền vững hay chưa? Yêu cầu Đà Nẵng đạt sự bền vững trong một nền kinh tế như thế e sẽ không công bằng và rõ ràng là không thuyết phục.

Tóm lại, để Đà Nẵng phát triển bền vững, cũng là câu hỏi làm sao để cả nước phát triển bền vững, là câu hỏi không chỉ của Đà Nẵng, nó đòi hỏi những chính sách vĩ mô, những quyết định có tầm chiến lược của Chính phủ. Đà Nẵng chỉ hơn các địa phương khác là họ đã làm xong hạ tầng, thứ mà các địa phương khác dầu muốn hay không trước sau cũng phải làm; hay nói cách khác ổ đã lót xong, nhà đã dựng để an cư, chỉ còn chờ để lập nghiệp khi cơ hội đến một lần nữa.

HỒ TRUNG TÚ

;
.
.
.
.
.