Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà lãnh đạo, quản lý, các sở, ban, ngành và nhà khoa học tại Hội thảo góp ý xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) ở thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 12-9 một lần nữa khẳng định: Đà Nẵng đang phát triển trở thành đô thị hiện đại và mục đích cao nhất của xây dựng chính quyền đô thị là phải phục vụ dân ngày càng tốt hơn.
Đô thị Đà Nẵng ngày càng hoàn thiện và hiện đại. |
Tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Phó ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình CQĐT thành phố Đà Nẵng, khẳng định về mặt thực tiễn, trong quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, phát triển nhanh nên phải đối mặt với những thách thức. Với mô hình chính quyền 3 cấp như hiện nay gồm: cấp thành phố, quận, huyện và xã, phường, đôi lúc bộc lộ sự cồng kềnh, trùng lắp về chức năng, phân định trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Do vậy, việc xây dựng đề án thí điểm mô hình CQĐT là một yêu cầu cấp thiết của thực tiễn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của CQĐT hiện đại, văn minh; phát huy tính tự chủ, sáng tạo của CQĐT, nâng cao mức sống của dân cư đô thị; hình thành bộ máy quản lý chính quyền chuyên nghiệp, đội ngũ công chức mẫn cán… Việc phân công lại một cách hợp lý các nhiệm vụ thực hiện giữa UBND các cấp sẽ khắc phục tình trạng một công việc phải qua nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau như hiện nay. Số lượng nhiệm vụ của UBND quận, huyện, phường, xã được tinh gọn hợp lý, bảo đảm yêu cầu về mặt hành chính lãnh thổ. Đây chính là cơ sở quan trọng để thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước các cấp.
Trong mô hình tổ chức HĐND thành phố giai đoạn đầu của dự thảo đề án, theo Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ, việc thành lập thêm Ban Đô thị nhằm xác định rõ hơn bộ máy và thẩm quyền cơ quan giúp HĐND thành phố thực hiện các chức năng quyết định và giám sát các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị; bảo đảm sự thống nhất và hài hòa, hiệu quả bền vững trong việc ban hành và thực thi chính sách tự quản, tự chủ về quản lý đô thị của chính quyền thành phố. Tác động tích cực lớn nhất của mô hình HĐND mới này là việc tiếp nhận ý kiến cử tri trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền thay vì phải qua khâu trung gian. Bên cạnh đó, phương thức giám sát được đổi mới thông qua nhiều kênh khác nhau. Tiếng nói của cử tri thành phố nhanh chóng được giải quyết với chất lượng cao hơn.
Thị trưởng lãnh đạo, chịu trách nhiệm cá nhân
Dự thảo xây dựng hai phương thức hoạt động của UBND thành phố. Trong đó, mô hình 1 gồm: Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và Ủy viên thư ký; mô hình 2 gồm: Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, các Ủy viên là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của UBND quận, huyện, phường, xã trong mô hình chính quyền đô thị cũng được điều chỉnh. Riêng nhiệm vụ của UBND quận, huyện giảm từ 47 xuống 29 nhiệm vụ. Đối với UBND cấp phường, xã giảm từ 32 xuống 20 nhiệm vụ. Những nhiệm vụ được giảm sẽ do các cơ quan chuyên môn thành phố quản lý bảo đảm tính xuyên suốt, thống nhất và ngành, lĩnh vực trên toàn địa bàn thành phố. UBND quận, huyện, xã, phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. Đứng đầu là Chủ tịch do Chủ tịch cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.
"Nếu xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị mà quá vướng víu với các quy định hiện hành thì sản phẩm của chúng ta chỉ có thể là “bình mới rượu cũ”. Và việc thực hiện hai mục đích chính là chính quyền phục vụ dân và thuận tiện hơn trong quản lý, điều hành xã hội thống nhất, tập trung hơn cũng sẽ không khả quan hơn so với hiện nay." Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng |
Trong giai đoạn 2 của đề án, bộ máy cơ quan hành chính sẽ giảm bớt UBND cấp quận, huyện và chỉ còn lại UBND phường, xã là cơ quan đại diện trực tiếp cho UBND thành phố. Khi đó, Chủ tịch UBND phường sẽ do Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp bổ nhiệm. Ở giai đoạn 3, cơ quan hành chính sẽ không tổ chức thành UBND như hai giai đoạn trước mà chuyển sang cơ chế Thị trưởng. Tức là chuyển từ lãnh đạo tập thể của UBND sang chế độ lãnh đạo và chịu trách nhiệm cá nhân của Thị trưởng (cơ chế thủ trưởng hành chính). Theo đó, Thị trưởng hoặc do cử tri thành phố trực tiếp bầu và trực tiếp chịu trách nhiệm cá nhân trước nhân dân thành phố và cơ quan hành chính cấp trên; hoặc Thị trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm trực tiếp, chịu trách nhiện cá nhân trước người dân thành phố và Thủ tướng Chính phủ.
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng, việc hình thành mô hình CQĐT phải nhằm vào hai mục đích chính. Đó là phục vụ dân tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương thông suốt, tập trung hơn. Ông Tiếng cho biết, trước năm 1997, xét trên phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà; các phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), hai phường Khuê Mỹ và Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), chính quyền thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thực chất là chính quyền hai cấp. Vậy vấn đề chỉ còn hai cấp giờ đây tùy thuộc vào khả năng quản lý trực tiếp các xã của huyện Hòa Vang, các phường của quận Liên Chiểu và các phường còn lại của hai quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ.
“Với trình độ quản lý đô thị của đội ngũ cán bộ, công chức cấp thành phố hiện nay và hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, khả năng sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong công vụ như hiện nay, tôi tin Đà Nẵng có đủ điều kiện bước vào mô hình CQĐT chỉ có hai cấp ngay ở giai đoạn bắt đầu thí điểm”, ông Tiếng cho biết.
Cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, khi đã thí điểm một mô hình chính quyền mới thì điều tiên quyết phải có tính pháp lý. Bộ Chính trị và Chính phủ đã có chủ trương và trực tiếp chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện mô hình và chắc chắn không chỉ quyết định sửa đổi Hiến pháp để mở đường cho mô hình chính quyền đô thị.
Không tổ chức HĐND 11 xã
Nhiều ý kiến thảo luận đồng tình với quan điểm của ông Bùi Văn Tiếng và cho rằng vì hiện nay, thành phố đang có nhiều đột phá trong các ngành, lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực như cấp giấy chủ quyền sử dụng đất, đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư, đầu tư các công trình lớn do thành phố đảm nhiệm và thực hiện có hiệu quả. Hơn nữa, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở Đà Nẵng từ năm 2009 đến nay khá thành công. Trong đó, 84% người dân đồng ý không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Hoạt động giám sát được tăng cường; các chính sách được công khai, minh bạch hơn. 68,8% ý kiến cho rằng việc thực hiện không tổ chức HĐND không ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của người dân vì đã có các kênh giám sát khác.
Theo ông Ngô Xuân Thắng, Ủy viên Thường trực HĐND thành phố, khi tiến hành mô hình CQĐT tại Đà Nẵng thì nên bỏ HĐND 11 xã của huyện Hòa Vang. Ông Thắng đồng ý phương án thành lập Ban Đô thị trực thuộc HĐND thành phố và đề xuất thành lập thêm Ban Dân nguyện và Công tác đại biểu HĐND để có điều kiện giải quyết các kiến nghị của người dân. Riêng về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố hiện nay nên tách thành hai văn phòng để thuận lợi và hoạt động hiệu quả hơn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, cần tiếp nhận và giải quyết các dịch vụ hành chính công theo phương pháp trực tuyến. Bên cạnh đó, khi đưa tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố vào hoạt động là một điều kiện thuận lợi để thành phố giảm bớt các khâu trung gian. Khi đó, có thể nghiên cứu ứng dụng giai đoạn 2 của đề án. Theo kế hoạch, trong tháng 9-2013, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo nhằm huy động trí tuệ, sự đóng góp của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và và khoa học để xây dựng và hoàn thiện Đề án trình Ban Thường vụ Thành ủy, BCH Đảng bộ thành phố, HĐND thành phố trong tháng 10-2013.
Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho biết, theo dự thảo đề án, lộ trình xây dựng CQĐT ở Đà Nẵng tiến hành qua 3 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 từ khi đồng ý thí điểm đến năm 2016, giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2021 (nhiệm kỳ HĐND thành phố khóa IX), giai đoạn 3 từ năm 2021 trở đi. Theo đó, đối với mô hình HĐND thành phố giai đoạn 1 gồm có: Thường trực HĐND thành phố; 4 ban: Kinh tế và Ngân sách, Văn hóa và Xã hội, Pháp chế và Ban Đô thị, 7 tổ đại biểu. Có khoảng 70- 80 đại biểu HĐND; có 23-26 đại biểu chuyên trách. |
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG