Hàng trăm tỷ đồng được các tỉnh, thành phố trên cả nước giải ngân cho người mù vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã giúp nhiều người mù thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, do Hội Người mù Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 19-9, có vốn thôi vẫn chưa đủ để giúp người mù vượt khó...
Còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến nay, Trung ương Hội người mù Việt Nam đã được Nhà nước giao quản lý hơn 45 tỷ đồng vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, qua đó đã cho hơn 36.000 lượt hộ vay, thu hút hơn 43.000 lao động ở 47 tỉnh, thành phố. Trung ương Hội đặc biệt quan tâm mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm thu hút lao động, vì đa số hội viên sống ở nông thôn, ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, thủ công, buôn bán nhỏ. Trong khi đó, kiến thức, kỹ thuật, tay nghề của người mù thấp, lại không có vốn làm ăn, Hội đã dành hơn 90% vốn của Nhà nước cho hội viên vùng nông thôn vay. Nhờ biện pháp cụ thể, chặt chẽ nên nhiều lượt người mù được vay vốn sử dụng đúng mục đích có hiệu quả, bảo tồn được vốn vay.
Tuy nhiên, theo bà Đào Thị Lý, chuyên viên Ban Lao động sản xuất của Hội Người mù Việt Nam: “Một số cán bộ hội cơ sở chưa nắm vững chính sách của Nhà nước và của Hội về quản lý vốn vay. Một số nơi còn ngại chưa muốn cho hội viên nghèo vay vì sợ không thu hồi được vốn, cho vay chưa sát thực tế nhu cầu vay của hội viên, mức vay còn bình quân, dàn trải. Lại có trường hợp cho vay chưa đúng đối tượng, chưa đúng mục đích, dẫn đến nợ khó đòi, không thu hồi được như Hội Người mù huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng trước đây, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng hiện nay”.
Một thực tế được nhiều đại biểu nhìn nhận là các cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành hội trên cả nước hiện nay thiếu thốn phương tiện và công cụ sản xuất, chủ yếu là thủ công, đơn giản, chậm đổi mới, chất lượng sản phẩm chưa bảo đảm. Nhiều nơi chưa có đề án, kế hoạch cụ thể về chương trình hành động việc làm - xóa đói giảm nghèo, nên việc triển khai còn chung chung, chiếu lệ, chưa có biện pháp thực hiện của từng năm, còn hiện tượng trông chờ vào Nhà nước và hội cấp trên.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Ly, cán bộ Hội Người mù huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi), hiện việc sử dụng vốn vay ở một số hộ gia đình hiệu quả thấp, người mù chưa thật sự tự giác vay vốn, phải có sự vận động thuyết phục của Hội. Ngoài ra, tổ chức lao động việc làm với quy mô nhỏ và cũng chỉ những nghề truyền thống, không có được mô hình mới, tổ chức lao động tại nhà là chính nên thu nhập của người lao động thấp.
Cần nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch Hội Người mù huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: “Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các Bộ luật liên quan đến người khuyết tật một cách đồng bộ, xuyên suốt về các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước, liên quan đến dạy nghề, việc làm cho người khuyết tật. Nên tăng kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung ương Hội cũng cần quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề của Hội một cách tập trung”.
Còn theo ông Trần Viết Linh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Đà Nẵng, cần tạo điều kiện hơn nữa cho người mù trong việc vay vốn. Nhiều đại biểu cũng đề nghị tăng mức vốn mà người mù được vay. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Ly, nên tăng mức vay bình quân từ 7 triệu đồng lên 10 triệu đồng, giúp người mù có vốn đề đầu tư mua con giống. “Theo quy định của Trung ương hội, hội viên không vay quá 10 năm, nhưng hầu như cuộc sống của người mù vẫn chưa thoát nghèo hoặc nằm trong hộ cận nghèo, nên chăng cho người mù vay thời gian lâu hơn hoặc cho vay đến khi họ thoát khỏi nghèo”, bà Ly nói.
P.V