Việc bị quịt tiền, sa thải bất cứ lúc nào… luôn là nỗi lo của những người làm nghề giúp việc gia đình. Trong khi đó, theo ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, chính nghề này được xem là xu hướng giải quyết việc làm trong 5-10 năm tới.
Người làm nghề giúp việc nhà vẫn chưa được bảo đảm quyền lợi như quy định. (Ảnh mang tính minh họa) |
Vui - buồn nghề giúp việc
Chị Nguyễn Thị Lý (47 tuổi, quê ở Quảng Nam) giúp việc cho một gia đình trên đường Thanh Thủy được mấy tháng thì nghỉ. “Lúc đầu theo giao kèo, tôi chỉ trông em bé với lương 2,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi vào làm thì tôi được giao cả nhiệm vụ nấu ăn, thậm chí giặt giũ cho cả gia đình. Công việc vất vả từ sáng đến tối vẫn không hết, tôi đề nghị chủ nhà tăng thêm tiền nhưng họ không chịu. Bức quá nên nghỉ việc”, chị Lý kể và cho biết thêm, làm nghề này luôn phải chịu sự khinh miệt, coi thường của không ít người. Gặp gia đình nhà chủ hiểu biết, cảm thông thì không sao, chứ gặp phải gia đình ỷ có tiền hống hách thì phải nghe những lời nói… không lọt tai. Đó là chưa kể khi lỡ tay làm bể hoặc hư hỏng đồ dùng trong nhà thì lương tháng đó bị trừ tùy theo giá trị của đồ vật. Chỉ cần chủ nhà không vừa ý thì lập tức mất việc. “Mình chủ yếu hợp đồng miệng chứ đâu có ràng buộc gì. Vì vậy, nếu nghỉ việc thì mình phải chịu thiệt thòi, thậm chí còn bị trừ lương vì nhiều lý do rất… trời ơi”, chị Lý nói.
Còn với em L.T.L (17 tuổi, quê ở Nghệ An) lại là trường hợp khác. Nhà nghèo, đông anh chị em nên từ nhỏ, L. phải vào Đà Nẵng để giúp việc nhà, kiếm tiền tự nuôi sống bản thân. Ban đầu, L. trông cháu giúp người chị họ. Nhưng khi bé đi mẫu giáo, L. đành xin giúp việc ở nơi khác. Hai vợ chồng nhà chủ còn khá trẻ, người vợ bán quán cháo vịt, còn người chồng chạy xe thuê mỗi khi có việc. Nhiệm vụ của L. là phải trông con trai của chủ nhà mới 9 tháng tuổi. “Một buổi chiều tối, bà chủ đi vắng, chỉ có em và ông chủ ở nhà. Ông ấy mở phim xem rồi cố tình có thái độ “khác lạ” với em, dù em lảng tránh”, L. kể. Sau lần đó, những “va chạm” với ông chủ cứ dần dần tăng lên khiến L. sợ quá đành xin nghỉ việc dù đang được trả thù lao khá.
Nhiều người giúp việc chưa qua đào tạo
Hiện chưa có số liệu thống kê về số người làm nghề giúp việc gia đình tại Đà Nẵng, nhưng ước tính con số này không nhỏ. Hầu hết trong số họ đều là phụ nữ đến từ nhiều vùng quê nghèo ở Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An..., làm các nghề như trông trẻ, nội trợ, chăm sóc người ốm, người già… Đa số họ đều chưa qua các lớp đào tạo, hướng dẫn về các kỹ năng như giao tiếp, sử dụng đồ gia dụng, chăm sóc trẻ em… Vừa qua, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng mở lớp về giúp việc gia đình cho khoảng 30 học viên/lớp, nhằm đào tạo một số kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá ít so với rất nhiều người giúp việc chưa qua đào tạo.
Bộ luật Lao động 2012 (đã có hiệu lực) nhấn mạnh lao động giúp việc gia đình phải được coi là một nghề và xác định là đối tượng mới được điều chỉnh theo Bộ luật Lao động mới. Cụ thể, giúp việc gia đình được pháp luật bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, lạm dụng, bóc lột…
Còn theo Nghị định 103 của Chính phủ, từ ngày 1-1-2013, người giúp việc gia đình sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng, đồng nghĩa với việc họ cũng được bảo đảm các quyền lợi như được tham gia BHXH, BHYT... Nhưng hiện nay, thực tế hầu hết họ không được bảo đảm các quyền lợi này.
Theo ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, đây là xu hướng giải quyết việc làm trong 5, 10 năm tới, đặc biệt là trong nền kinh tế phát triển nên nhiều người sử dụng loại hình dịch vụ này, nhất là ở thành phố, khu công nghiệp. “Khi người lao động tham gia loại hình dịch vụ này, phải có chính sách bảo vệ quyền lợi cho họ cả về vấn đề tiền lương, an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc - nghỉ ngơi, lẫn vấn đề đối xử với họ. Phải có chính sách đào tạo, chính sách dạy nghề đối với người lao động khi họ làm nghề này, để họ thành thạo trong công việc và hiểu quyền lợi của họ. Người chủ sử dụng lao động cũng phải được nâng cao nhận thức, đặc biệt là trong văn hóa đối xử đối với người lao động”, ông San nói.
Bài và ảnh: KIM NGÂN