Bước vào năm học mới, dịch vụ đưa đón trẻ đi học lại bắt đầu “nóng” với nhiều hình thức, để đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh.
Việc đón con đúng giờ luôn là nỗi lo của các bậc phụ huynh. (Ảnh chụp trước cổng Trường tiểu học Trần Thị Lý, quận Hải Châu). |
Đau đầu chuyện đưa đón con
Ngày nào cũng vậy, chị Phạm Thị Tuyết Nhung (40 tuổi, ở quận Hải Châu) phải dậy thật sớm chuẩn bị đồ cho bé Na và cu Lì để đưa hai con đến trường. 6 giờ 15, chị Nhung tất tả đưa cu Lì đến trường cho kịp giờ học tại Trường tiểu học Hòa Cường rồi “chạy đua” đưa bé Na đến Trường tiểu học Nguyễn Du trước 7 giờ. “Mệt bở hơi tai. Đến cơ quan, mình phải ngồi nghỉ một lúc mới bắt tay vào công việc được, người lúc nào cũng vội vội vàng vàng”, chị Nhung thở dài nói.
Làm kế toán cho một công ty tư nhân ở quận Liên Chiểu nên chị Nhung đưa hai bé đi học xong, rồi đến chỗ làm khá xa. Chồng chị công tác trong một đơn vị bộ đội nên mọi việc nhà đều do chị đảm đương. “Lúc đón các cháu về mới nan giải, đón cu Lì lúc 11 giờ thì còn đỡ nhưng để đón bé Na, mình toàn phải “ăn cắp” giờ của công ty, trốn về lúc 16 giờ thì mới kịp đến nơi đón bé”, chị Nhung nói.
Chị Nhung cho biết đã không ít lần bị khiển trách vì “tội” đi trễ về sớm này. Chị bảo, chắc phải tìm đến dịch vụ đưa đón trẻ.
Nỗi niềm của chị Nhung cũng là nỗi niềm của nhiều phụ huynh hiện nay. Anh Nguyễn Nam và chị Đặng Ngọc Anh (ở đường Thanh Thủy, quận Hải Châu) đều làm việc trong cơ quan Nhà nước. Cứ tầm 16 giờ, điện thoại của anh và chị lại “nóng” lên vì phân ca chuyện ai đón con. “Việc đưa đón hai cháu luôn làm chúng tôi lo lắng, vì hết giờ hành chính ít nhất cũng là 17 giờ, trong khi hai bé nhà mình học tiểu học tan học tầm lúc 16 giờ 30”.
Anh Nam kể, có lần đến đón bé thì thấy con ngồi trước cổng trường, mặt buồn thiu vì các bạn đã về hết, chỉ còn bé và người bảo vệ đứng trước cổng trường. Cuối cùng, anh Nam chọn giải pháp thuê một bác xe ôm quen biết đưa đón hai bé với mức giá 1,2 triệu đồng/tháng. “Giải pháp tình thế vậy thôi, chứ thuê xe ôm mình cũng không yên tâm lắm. Nhưng giờ các cháu còn nhỏ chứ ít bữa đi học thêm nữa thì chắc cũng phải nhờ bác xe ôm. Đành chịu tốn thêm một khoản tiền trong khi thu nhập của hai vợ chồng không nhiều”, anh Nam than thở.
Có cầu ắt có cung
Hiện nay, vào năm học mới, nhiều người hành nghề xe ôm kiêm thêm nghề đưa đón trẻ mỗi ngày. Anh Nguyễn Văn (46 tuổi, ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), có “thâm niên” 5 năm trong nghề đưa đón trẻ thổ lộ: “Cứ đầu năm học mới, mình nhận một mối quen với nhiệm vụ đưa đón bé đi học. Dù tiền thù lao ổn định mỗi tháng khoảng hơn triệu đồng, nhưng đón bé thì giờ giấc phải chính xác. Lỡ có gặp cuốc xe “ngon” (chở đi xa, giá cao - PV) cũng đành từ chối”, anh Văn thổ lộ. Để “giao” bé cho bác xe ôm, các ông bố bà mẹ hầu hết đều chọn những người thân quen hoặc biết rõ.
Nắm bắt nhanh nhu cầu của các bậc phụ huynh, Công ty CP Dịch vụ vận tải thân thiện Đà Nẵng vừa cho ra đời đội xe ôm thân thiện, tính cước tự động như taxi, có dịch vụ đưa đón học sinh đi học. Mỗi xe gắn máy được trang bị đồng hồ tính cước tự động, có bảng niêm yết giá, số điện thoại đường dây nóng. Nhiều phụ huynh cho biết, chi phí phải trả cho dịch vụ này “mềm” hơn so với thuê riêng một bác xe ôm để đưa đón bé. Giá cước theo km: km đầu tiên giá 6.000 đồng, từ km thứ 2 đến km thứ 6: 5.000 đồng/km, từ km thứ 7 đến km thứ 12: 4.000 đồng/km, từ km thứ 13 trở đi: 3.000 đồng/km; khứ hồi lượt về tính 50% giá cước.
Nhiều trường trên địa bàn thành phố cũng chủ động tổ chức dịch vụ đón, đưa học sinh. Điển hình như Trường Phổ thông chất lượng cao Sky-Line có phương tiện xe trung chuyển học sinh tại Trung tâm thông tin - điểm trung chuyển với mức phí khoảng hơn 800.000 đồng/học sinh/tháng và đón tại nhà với mức phí khoảng hơn 1,3 triệu đồng - 2 triệu đồng (từ 3-5km) và xa hơn thì cứ mỗi km cộng thêm 275.000 đồng/tháng. Trường mầm non Đức Trí (ở quận Hải Châu) cũng tổ chức dịch vụ ô-tô đưa đón học sinh tại nhà nhưng chỉ với các bé từ 4 tuổi trở lên, với mức giá khoảng hơn 1,1 triệu đồng/tháng (3km trở xuống). Nếu nhà xa hơn 3km thì mỗi km cộng thêm 250.000 đồng/tháng…
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ