.

Tình "làng" giữa phố

.

Đến khu phố ở tổ 7, phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), người ta không thấy cảnh kín cổng cao tường mà thay vào đó là cảnh hàng xóm í ới gọi nhau, cùng giúp nhau những việc tưởng chỉ của riêng mỗi nhà.

Anh Nguyễn A (phải) với niềm vui trong căn nhà do hàng xóm hỗ trợ xây dựng.
Anh Nguyễn A (phải) với niềm vui trong căn nhà do hàng xóm hỗ trợ xây dựng.

Căn nhà “đặc biệt”

Vừa đến đầu dãy phố, chúng tôi bị chủ căn nhà đầu tiên “nhận mặt”. “Các bạn tìm ai? Viết bài hả? Vào đây là không thể không đến căn nhà “đặc biệt” này”, một chị đứng tuổi vồn vã nói rồi đưa chúng tôi đến trước nhà anh Nguyễn A (49 tuổi). “Nhà hộ nghèo đó”, chị nói trong sự ngạc nhiên của chúng tôi. Căn nhà đúc gác lửng trông khá chắc chắn. Vừa lúc anh A về, dựng xe trước cửa, anh cười thật tươi, bảo: “Nhà này là công sức của cả xóm”. Cắt nghĩa cho câu nói đó, anh xòe bàn tay tính nhẩm: anh Tuấn cho mấy tấn xi-măng; chị Dung, chị Vững lo ăn cho thợ, phụ quét dọn nhà…

Cách đây mấy tháng, tin anh A làm nhà khiến cả xóm ngạc nhiên, bởi ai cũng biết anh là hộ nghèo. Anh ngày ngày chạy xe ôm. Vợ anh thì ai kêu gì làm nấy, phụ việc nhà cho người ta, bữa có bữa không. Thu nhập không ổn định, vợ chồng anh còn phải nuôi một mẹ già và cô con gái đang học Trường ĐH Kinh tế Huế. Nhìn vào căn nhà cũ của anh mới thấy cái sự “liều” đó không phải là không có lý. Cứ mỗi khi mưa xuống, nhà anh lại thành… hồ chứa nước của cả xóm vì quá thấp. Nước mưa cứ theo lỗ thủng trên mái tôn mà chảy tong tỏng xuống nền nhà. Mùa nắng, nhà nóng như lò hấp. Hơn chục năm tích lũy được 40 triệu đồng, thêm vay Ngân hàng Chính sách xã hội được 20 triệu đồng, anh A quyết tâm bắt tay vào làm nhà.

Biết chuyện, cả xóm rục rịch bàn nhau xắn tay giúp anh A. Vợ chồng chị Ánh cho mượn 25 triệu đồng, bảo “khi nào có thì trả”; vợ chồng anh Tuấn góp gần chục tấn xi-măng… Người có thì góp của, kẻ khó hơn thì góp công. “Căn nhà của tôi phải gọi là “nhà tình thương” mới đúng bởi nó là tấm lòng của bà con lối xóm. Nếu không có họ thì tôi không có căn nhà vững chãi như hiện nay”, anh A xúc động nói. Chỉ vào chiếc giường mẹ đang nằm, anh cho biết, chiếc giường này cũng là của vợ chồng cô Sợi hàng xóm tặng.

Ăn trộm cũng... bó tay

Ở giữa phố người ta thường thấy những cánh cổng khóa im ỉm hai ba lớp vì đề phòng mất trộm, nhưng ở khu phố tại tổ 7, phường Hòa Thuận Đông thì tuyệt nhiên không. “Ở đây, các nhà thường mở cửa, xe để trước nhà không cần khóa vì không sợ mất đồ”, chị Đỗ Thị Kim Anh (46 tuổi), người trong xóm cho biết.

Tổ 7 có gần 40 hộ, trong đó một nửa là cán bộ hưu. Hàng xóm hầu hết quen mặt nhau nên hễ có người lạ vào xóm thì mọi người đều biết ngay và cảnh giác. Mới năm ngoái, bà con trong xóm tự tay xử lý 3 vụ trộm khiến kẻ gian cũng “chờn” vì thấy khó hoạt động. “Có lần, mình đang ngồi chơi bên nhà chú Tùng, thấy hai thanh niên lạ mặt vào nhà chị Hương dắt xe đạp đi ra, mình liền phóng theo. Thấy động, chúng ném xe vào người mình và bỏ chạy”, anh A kể lại “chiến tích” một lần tham gia bắt trộm trong năm vừa qua. “Ở đây, mọi người đều có ý thức bảo vệ tài sản chung nên nhiều năm qua chưa có khi nào xóm bị mất đồ”, ông Dương Tả, tổ trưởng tổ 7 cho biết.

Không chỉ hăng hái bắt trộm, mỗi khi nhà nào có chuyện gì thì mọi người trong xóm đều xem như đó là chuyện nhà mình và cùng nhau giúp. Đó có khi chỉ là mấy chục tã lót cho bé, lon sữa, cân đường... dành tặng chị Anh khi sinh em bé mà thiếu sữa. Đó có khi chỉ là một ít tiền hỗ trợ lúc có người ốm đau, nằm viện... Người khá giả góp đã đành, nhà bà Nguyễn Thị Tuyết (60 tuổi), cuộc sống khá chật vật vì phải nuôi con trai chưa xin được việc làm nhưng cũng ủng hộ ngay mỗi khi tổ trưởng kêu gọi.

Không chỉ giúp đỡ người trong xóm, những người nơi khác đến thuê trọ cũng được cả xóm đùm bọc, cưu mang. Chẳng hạn, ông Lê Văn Uất (71 tuổi) qua đời trong nghèo khó được bà con góp tiền lo mai táng... Rất nhiều những khó khăn, những lo toan được bà con trong xóm hóa giải chỉ bằng tình yêu thương như thế.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.