.

Tình trạng lãng phí vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực

Chiều 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trường Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản nhà nước.

Theo báo cáo, tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau. Qua thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2013, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đặc biệt lưu ý, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương. Chi ngân sách nhà nước còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Trong 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị, từ chối thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền khoảng 663 tỷ đồng.

Lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài…, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để. Tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hoá còn chậm, chưa đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, nhất là việc sử dụng hệ thống cảng biển ở một số địa phương hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra. Tình trạng đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa của một số địa phương vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi ngân sách nhà nước đang rất khó khăn.

Đáng lưu ý, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, tiêu dùng của một bộ phận người dân vẫn còn biểu hiện lãng phí, còn phô trương, hình thức; thể hiện rõ trong ma chay, cưới xin, mê tín dị đoan thái quá, nhất là việc đốt vàng mã quá nhiều gây ô nhiễm và lãng phí. Cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn tâm lý sính hàng ngoại; không ít lễ hội được tổ chức tại các địa phương không được dư luận đồng tình và gây lãng phí cho xã hội.

SGGP

;
.
.
.
.
.