.

Tự nguyện cai nghiện: Còn nhiều khó khăn!

.

Tỷ lệ người đi cai nghiện tự nguyện từ đầu năm đến nay so với tổng số người được tiếp nhận tập trung cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 còn thấp (2%). Đó là một thực tế cần quan tâm.

Các học viên tham gia chơi thể thao tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06.  					                 Ảnh: KIM NGÂN
Các học viên tham gia chơi thể thao tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06. Ảnh: KIM NGÂN

Phụ thuộc vào quyết tâm của người cần cai nghiện

Ông Hồ Duy Phương, cán bộ theo dõi công tác phòng chống tệ nạn xã hội của phường Mân Thái (quận Sơn Trà) - địa phương có người tham gia cai nghiện tự nguyện cho biết: “Việc vận động người đi cai nghiện tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn, bởi hầu hết người sử dụng ma túy ở lứa tuổi còn khá trẻ, chưa ý thức được trách nhiệm với gia đình và xã hội, chưa nhận thức được tác hại, hậu quả của việc sử dụng ma túy nên mặc dù chính quyền địa phương, các ngành đã vận động, hỗ trợ, nhưng tỷ lệ cai nghiện tự nguyện vẫn còn thấp”.

Ngoài ra, theo ông Phương, đa số các đối tượng hứa suông, thậm chí có trường hợp đối tượng không muốn tiếp chuyện cán bộ đi vận động. Bên cạnh đó, một số gia đình e ngại, sợ làm ảnh hưởng, mất uy tín của gia đình nên không phối hợp với chính quyền địa phương động viên con em đi cai nghiện.

Cũng đồng ý kiến của ông Phương, ông Phan Văn Thuần - cán bộ theo dõi công tác phòng chống tệ nạn xã hội phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) - cho rằng các tổ trưởng tổ dân phố, công an địa phương cần quan tâm phối hợp, thông tin kịp thời cho cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội để vận động gia đình tham gia phối hợp. Mặc dù vậy, theo ông Thuần, việc đi cai nghiện tự nguyện phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm, tự giác của người sử dụng ma túy. Bởi lẽ, chính họ sẽ biết rõ hậu quả, tác hại của việc sử dụng ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội và cũng chính người sử dụng ma túy quyết định thành công hay thất bại trong việc cai nghiện.

Nhìn nhận về công tác vận động người đi cai nghiện tự nguyện, ông Đặng Công Tâm, Phó Phòng LĐ-TB&XH quận Hải Châu chia sẻ: “Mặc dù từ trước đến nay, công tác vận động người đi cai nghiện tự nguyện được các địa phương quan tâm nhưng hiệu quả vẫn chưa cao”. Thực tế, có gia đình không bao giờ chấp nhận đưa con em đi cai nghiện tự nguyện tại trung tâm. Họ sẵn sàng bỏ tiền để đưa con em đi cai nghiện ở các cơ sở khác, thậm chí ở các tỉnh, thành phố khác để gia đình không bị tai tiếng, mất danh dự.

Cần sự phối hợp

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: “Công tác vận động người đi cai nghiện tự nguyện đã được thành phố khuyến khích. Ngoài việc quy định thời gian cai nghiện ngắn hơn, các chế độ hỗ trợ khác, người cai nghiện tự nguyện còn được Trung tâm bố trí khu vực riêng nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người cai nghiện tự nguyện với người cai nghiện bắt buộc”. Ngoài ra, bệnh nhân cai nghiện tự nguyện được hưởng các chế độ hỗ trợ: tiền ăn với mức 700.000 đồng/người/tháng, tối đa không quá 12 tháng cho tất cả bệnh nhân tham gia cai nghiện có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, sau 12 tháng sẽ miễn tiếp cho người thuộc hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Ngân sách thành phố còn hỗ trợ các khoản như tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn, cấp cứu, chi phí xét nghiệm và thuốc điều trị các bệnh cơ hội, tiền mua sắm vật dụng cá nhân hằng năm…

Theo ông Lê Minh Hùng, để vận động tham gia cai nghiện tự nguyện nhiều hơn, mỗi địa phương, mỗi đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, khi phát hiện người nghiện thì tổ chức vận động, thuyết phục bản thân và gia đình người nghiện tự nguyện đi cai nghiện. Nhà nước cũng cần có chính sách lâu dài trong việc miễn giảm tiền ăn, tiền thuốc cắt cơn, chữa bệnh, tiền sinh hoạt phí, có khu vực dành riêng cho người cai nghiện tự nguyện tại các Trung tâm cai nghiện. Đồng thời, có chính sách thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, gia công với trung tâm và ưu tiên bố trí việc làm tại trung tâm cho người cai nghiện tự nguyện để họ có thêm thu nhập.

THỦY NGÀ

;
.
.
.
.
.