Huy động đủ lực lượng cần thiết đối phó bão với bão số 10 được dự báo là rất nguy hiểm, có cường độ mạnh và diễn biến trái với quy luật thông thường
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 10 trưa ngày 29-9 |
Trưa nay (29-9), tại cuộc họp ứng phó với bão số 10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý cơn bão này rất nguy hiểm, có cường độ mạnh và diễn biến trái với quy luật thông thường. Miền Trung vừa là nơi chịu ảnh hưởng mưa bão, nhiều nơi lại vừa bị ngập úng, kết hợp triều cường sẽ gây nguy hiểm lớn cho khu vực.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng liên quan huy động đủ lực lượng cần thiết để chủ động đối phó với cơn bão, xác định cấm biển khu vực miền Trung, tổ chức neo đậu, chằng chống kỹ tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.
Kiểm tra an toàn hồ đập, công trình đang thi công, đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả cắt lũ. Những hồ yếu cần có biện pháp cụ thể để kiểm soát, xử lý đặc biệt.
Các địa phương trong khu vực ảnh hưởng của bão đến 9h sáng mai (30-9) phải hoàn thành việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, xung yếu, đặc biệt là vùng ven biển và phía Tây các tỉnh miền Trung vốn có địa hình dốc, và nguy hiểm, có nhiều khả năng lũ tràn, lũ quét, lở đất; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men đầy đủ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh lực lượng chức năng phải đặc biệt chú ý các trường hợp chủ quan, cố tình di chuyển, không thực hiện các lệnh cấm giao thông ở các vùng nguy hiểm, khe suối, đập tràn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng như những vụ việc đau lòng ở Hà Tĩnh, Nghệ An mới đây.
Về diễn biến của bão số 10, theo báo cáo mới nhất của Trung tâm DBKTTV Trung ương, bão số 10 sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 14, 15 đang ở ngay trên quần đảo Hoàng Sa và có khả năng tiếp tục mạnh lên, hướng vào phía bờ biển miền Trung.
Bão di chuyển nhanh từ 15-20 km/h, dự báo sáng mai sẽ cách bờ biển Đà Nẵng-Huế 100 km, và khi đó có thể di chuyển theo hướng Tây-Tây Bắc nên khả năng tâm bão sẽ vào vùng Quảng Trị, Quảng Bình. Đến cuối giờ chiều, hoặc chậm nhất tối mai (30-9), bão sẽ vào bờ. Khi áp sát bờ có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 14, 15. Ở vùng rìa bão (Thanh Hóa, Quảng Nam) sẽ có gió cấp 7-8, giật cấp 10-11.
Mưa đêm nay sẽ bắt đầu, lượng mưa trên diện rộng, không đều và trên dưới 100mm đến 200-300, vùng tâm bão có nơi 400-500 mm. Lũ các con sông từ Nghệ An đến Huế sẽ lên nhanh, nhiều sông sẽ lên mức báo động 3, trên báo động 3 từ Hà Tĩnh đến Huế. Nước dâng kết hợp với triều cường cuối tháng ÂL sẽ có khả năng gây ngập úng
Tình hình thông báo, kêu gọi tàu thuyền đã cơ bản hoàn thành, vùng nguy hiểm trên Biển Đông đã không còn tàu, thuyền, hiện chỉ còn 14 chiếc của Bình Định, Quảng Ngãi đang di chuyển lên phía Bắc, ra khỏi vùng nguy hiểm. Báo cáo về tình hình hồ chứa, Tập đoàn EVN cho biết cơ bản đang chủ động xả đón mưa lũ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ vào miền Trung để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão này.
Do ảnh hưởng mưa của bão số 10, từ ngày mai (30-9), mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3; hạ lưu sông La, các sông ở Nghệ An và Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.
Vùng 3 Hải quân sẵn sàng đối phó bão số 10 Trước những diễn biến phức tạp của bão số 10, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã tập trung lực lượng, phương tiện và triển khai các phương án đối phó. Các tàu đang làm nhiệm vụ trên biển kịp thời bắn tín hiệu thông báo cho tàu thuyền ngư dân không đi vào khu vực có bão. Bộ Tư lệnh Vùng đã chỉ đạo cho Lữ đoàn 161 và Lữ đoàn 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các khu vực cửa biển Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Vùng còn chuẩn bị 2 tàu đầu kéo, 10 xuồng cao tốc, 12 xuồng cao su, 6 xe tải, 4 xe cẩu, 3 xe cứu thương, 5 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sỹ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y sẵn sàng ứng cứu nhân dân trên các vùng rốn lũ Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng. Đến 14 giờ ngày 29-9, Vùng đã sơ tán hơn 50 hộ dân là gia đình quân nhân và nhân dân địa phương vào doanh trại đơn vị tránh bão; đồng thời, các lực lượng của Vùng hướng dẫn cho 178 tàu cá với gần 2.000 ngư dân vào các vị trí tránh bão an toàn. Mai Xuân Hưởng |
Theo VGP/PV