Nhiều chủ trương, chính sách trong việc phát triển cây xanh đô thị được UBND thành phố ban hành, chỉ đạo thực hiện, như “Đề án phát triển cây xanh đô thị”, “Đề án xã hội hóa phát triển cây xanh”... Thế nhưng, qua cơn bão số 11, ngoài yếu tố thiên tai, đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của thành phố, đặc biệt là những sai phạm từ yếu tố kỹ thuật.
Trồng cây hời hợt sai quy trình kỹ thuật là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngã đổ nhiều sau bão. Trong ảnh: Cây xanh ngã đổ trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Cây đổ, lộ cách trồng dối
Ngày 15-5-2012, UBND thành phố ban hành Quyết định số 23/QĐ-UBND quy định quản lý cây xanh công cộng. Theo đó, tại mục 6, Điều 23 của quy định giao Sở Xây dựng có trách nhiệm “nhận bàn giao các công trình trồng mới, cải tạo, chỉnh trang cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố từ các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án và giao nhiệm vụ cho đơn vị chức năng trực thuộc là công ty Công viên-cây xanh Đà Nẵng trực tiếp quản lý và duy trì”.
Công ty Công viên-cây xanh và Sở Xây dựng nắm rõ hơn ai hết về quy định tiêu chuẩn cây trồng và cách thức trồng cây xanh, bởi tại Điều 16 quy định quản lý cây xanh được Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố ban hành nêu rõ: Tiêu chuẩn cây xanh đưa ra trồng phải là cây xanh tốt, thân thẳng, tán cân đối, không cụt ngọn chính, còn nguyên rễ cọc (rễ cái, rễ trụ), không sâu bệnh, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cây bóng mát có chiều cao tối thiểu 2m và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 4cm (đối với cây tiểu mộc); cây bóng mát có chiều cao tối thiểu 3m và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 5cm (đối với cây trung mộc và đại mộc). Bầu rễ không bị vỡ, kích thước bầu rễ tối thiểu 40cm x 40cm x 40cm. Công tác trồng cây phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; khi trồng cây phải cắt dây buộc bầu rễ; phải loại bỏ tất cả xà bần, rác bẩn, phế liệu xây dựng, bê-tông, nhựa đường, cát, đá ra khỏi hố trồng cây trước khi trồng. Cây mới trồng phải được chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng.
Điểm quan trọng về kỹ thuật được xác định kích thước hố trồng cây hình vuông tối thiểu 1m x 1m hoặc hình tròn đường kính tối thiểu 1m, kích thước tương ứng tối đa không quá 1,5m. Cây trồng trên vỉa hè phải được lắp đặt bo viền hố trồng cây. Bo viền hố trồng cây có kích thước, kiểu dáng, kết cấu được sử dụng thống nhất trên cùng một tuyến phố, trên từng cung hay đoạn đường và bảo đảm mỹ quan đô thị. Trong điều kiện cho phép, hố trồng cây có thể đúc bằng bê-tông xi-măng với kích thước tối thiểu 1m x 1m x 1m, tối đa không quá 1,5m x 1,5m x 1,5m để hạn chế rễ cây phát triển trên mặt đất và sang ngang làm hư hỏng các công trình trong khu vực.
Thạc sĩ, kỹ sư Phan Quỳnh Anh (đường Lê Lai ): Cần chọn cây xanh đô thị Thành phố Đà Nẵng hay xảy ra gió bão thì phải chọn cây để trồng, chứ không phải bạ cây nào trồng cây đó. Chọn cây để chống được bão dựa vào hai yếu tố, cành lá và rễ. Rễ chùm chỉ nơi đất chắc cứng mới trụ được với gió bão, còn đất yếu phải là rễ cọc... Cành lá phải là thứ cây không quá sum suê, không tạo sức cản lớn, thân dẻo dai... Sự tổn thất một số lượng cây xanh lớn trong cơn bão số 11 vừa qua đặt ra vấn đề về việc chọn giống cây cũng như việc quản lý khi trồng đã đúng quy trình chưa hay chỉ làm với hình thức qua loa, đại khái; cần đầu tư, nghiên cứu khoa học hệ thống cây xanh, cây bóng mát đô thị. |
Sau khi cơn bão số 11 quét qua đêm 14-10 và đến gần trưa 15-10, thiệt hại lớn nhất có thể nhìn thấy ngay là hàng loạt cây xanh đường phố bị ngã đổ, bật gốc. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, qua kiểm đếm, thành phố đã có 40.000 cây xanh đô thị bị ngã đổ, mức thiệt hại 30 tỷ đồng.
Nhìn cây xanh ngã, đổ, người dân thấy rằng cần phải mổ xẻ trách nhiệm cụ thể của cơ quan, đơn vị. Ông Hồ Hoàng (ngụ đường An Thượng 6, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, gia đình đã đầu tư trên 10 triệu đồng để trồng trước nhà hai cây sưa trắng, bão số 11 đi qua vẫn đứng vững. Ngược lên góc đường Châu Thị Vĩnh Tế - Hoàng Kế Viêm (phường Mỹ An), những hàng cây xanh do người dân tự trồng vẫn hiên ngang trong bão.
Trái ngược với bao cây xanh người dân tự trồng thì những hàng cây được đầu tư từ vốn ngân sách thành phố đã bật gốc. Ở thời điểm sau bão, kiểm tra dọc đường Võ Văn Kiệt, hai hàng cây ven đường bật gốc lộ ra những chùm rễ nhỏ xíu. Nhiều tuyến đường khác cây xanh bật gốc lộ ra những bộ rễ còn bọc nguyên trong bao ni-lông.
Từ cách trồng cây gian dối đã cho thấy sự buông lỏng quản lý, giám sát kỹ thuật trong việc đầu tư trồng và chăm sóc cây xanh. Do phải gom nhặt cây xanh từ nhiều nguồn, các đơn vị thi công trồng cây đã chặt tỉa hết bộ rễ, giâm tạm trên nền đất để kích thích cây ra rễ và đem trồng sơ sài. Cách trồng này làm hạn chế sự phát triển của rễ cây, khiến cây dễ dàng bị ngã, đổ.
Ngốn tiền vì chạy theo số lượng
Để tạo được mảng xanh cho đô thị, thành phố đã tốn khá nhiều tiền. Tiền chi ra, cây mọc lên chóng vánh! Cụ thể, từ năm 2012 đến tháng 6-2013, thành phố đã phát triển thêm 15.000 cây xanh bóng mát các loại tại 57 dự án hạ tầng khu dân cư và đã thanh toán 15 tỷ đồng/45 tỷ đồng theo dự toán. Riêng kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng cây xanh, công viên giai đoạn 2011-2013 được dự trù 220 tỷ đồng và đã duyệt chi 195 tỷ đồng.
Kinh phí chỉnh trang cây xanh đường phố hết 26,9 tỷ đồng. Thế nhưng, kết quả thực hiện đến nay vẫn loay hoay cải tạo cây xanh tại các tuyến phố chính mà cây tạp, cây mục rỗng vẫn chưa được thay thế nhiều. Ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc công ty Công viên - cây xanh, lại cho rằng “kinh phí còn hạn hẹp nên việc chỉnh trang, thay thế các loại cây tạp chưa được thực hiện triệt để”.
Hàng cây xanh được người dân tự trồng đã đứng vững trong gió bão số 11 tại đường Châu Thị Vĩnh Tế - Hoàng Kế Viêm, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn |
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nguồn chi cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở thành phố phải tiết giảm, nhưng Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch 3 năm phát triển cây xanh đô thị với kế hoạch kinh phí 1.049,5 tỷ đồng và đã duyệt chi trên 347 tỷ đồng.
Hiện công ty Công viên-cây xanh nắm thế độc quyền trong đầu tư phát triển cây xanh, bất chấp quy định của Luật Đấu thầu và sai phạm quy trình vì đơn vị thi công vừa là đơn vị trực tiếp quản lý. Những dự án phát triển cây xanh trước đó, Sở Xây dựng và công ty Công viên- cây xanh là đơn vị trực tiếp nghiệm thu đưa vào quản lý, chăm sóc cây xanh do các đơn vị khác thi công. Trách nhiệm của những đơn vị này như thế nào khi để xảy ra tình trạng trồng cây không đúng các quy trình kỹ thuật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống cây xanh sau bão số 11 vẫn là dấu hỏi lớn.
Chống bão qua loa Trước bão số 11 xảy ra, ngày 12-10-2013, Sở Xây dựng ban hành Công văn số 4130/SXD-QLCL triển khai phương án ứng phó cơn bão số 11 với việc giao nhiệm vụ yêu cầu công ty Công viên-cây xanh Đà Nẵng, các đơn vị điều hành dự án tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý các cây có tán lớn, cây có độ nghiêng lớn, cây mục rỗng có nguy cơ ngã đổ trên đường trục chính trung tâm thành phố, ven sông, ven biển, khu vực đầu cầu... Từ tháng 6-2013, Sở Xây dựng đã có đề nghị cắt 30-40 diện tích tán lá cây xanh. Theo quy định, cọc chống cây xanh tuân thủ theo 2 phương án. Phương án 1: sử dụng 3 cọc chống phi lao (chiều cao 2,5m, đường kính 60mm); 3 thanh giằng ngang bằng gỗ (30mm -50mm), dài 0,5m; liên kết giữa thanh giằng ngang và cọc chống bằng đinh hoặc dây ni-lông đối với mẫu cọc cây xanh trong công viên, vườn hoa, dải phân cách (không có bo viền hố trồng cây). Phương án 2: sử dụng 4 cọc chống phi lao (chiều cao 2,5m, đường kính 60mm); 4 thanh giằng ngang bằng gỗ (30mm - 50mm), dài 0,5m; liên kết giữa thanh giằng ngang và cọc chống bằng đinh hoặc dây ni-lông đối với mẫu cọc cây xanh bóng mát vỉa hè. Quan sát các vị trí cây ngã, đổ tại tuyến đường Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến, Võ Văn Kiệt…, việc chống đều không tuân thủ các quy định trên. Các đội quản lý cây xanh Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà triển khai chằng chống cây xanh không đúng quy trình kỹ thuật. Đội ngũ cán bộ quản lý của Sở Xây dựng, công ty Công viên-cây xanh tham gia nhiều đoàn công tác của thành phố ra nước ngoài để tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý và đầu tư phát triển cây xanh. Ngay tại thành phố, lực lượng cán bộ công ty Công viên-cây xanh cũng được giảng viên Trường Đại học Tây Anh (West of England - Vương quốc Anh) trực tiếp đào tạo. Hiện Sở Xây dựng, công ty Công viên-cây xanh có những đề xuất “táo bạo” khi đề nghị UBND thành phố cấp 1,5 tỷ đồng để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, công nhân lành nghề. Đề xuất đầu tư trang bị máy xay cây xanh hoạt động trên đường phố để... tận dụng lá cành cây cắt tỉa làm phân bón. Đặc biệt, đề nghị UBND thành phố thành lập “Quỹ phát triển cây xanh đường phố” để kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG