* Đón 1.500 du khách quốc tế
Đến cuối giờ chiều 17-10, mọi hoạt động và nhịp sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã trở lại bình thường, chỉ sau 2 ngày siêu bão Nari tàn phá thành phố. Tiếp sau hệ thống giao thông, cấp nước, Điện lực Đà Nẵng đã khôi phục cấp điện trở lại cho toàn bộ 100% phụ tải trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, toàn bộ cây xanh bị ngã đổ, rác thải trên địa bàn cơ bản được dọn sạch.
Mặc dù mưa và nước đọng bì bõm nhưng sinh viên Trường ĐH Duy Tân vẫn tích cực dọn sạch rác bão trên tuyến đường Phan Bội Châu.Ảnh: THANH TÌNH |
Sở Xây dựng cho biết, toàn ngành đang nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 11. Theo báo cáo nhanh và kiểm đếm trên địa bàn thành phố có 40.000 cây xanh bị ngã đổ, thiệt hại ước 30 tỷ đồng. Hạ tầng điện chiếu sáng bị hư hỏng với 329 bộ đèn trang trí trên trụ điện chiếu sáng; 1.504 đèn, trụ đèn, cần đèn, chụp nghiêng ngã, gãy; 228 bộ đèn chiếu sáng bị bể nát; trên 5km dây cáp điện treo bị đứt, mất… Nhiều vật tư thiết bị đèn chiếu sáng và trang trí trên đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo bị hư hỏng, thiệt hại 8,3 tỷ đồng. Công trình Trung tâm Hành chính thành phố rơi kính, tốc mái thiệt hại 3,6 tỷ đồng. Thiệt hại tài sản thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng 2,5 tỷ đồng; thiệt hại tại các công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu tái định cư khoảng 1,95 tỷ đồng.
Ngoài việc tổ chức khắc phục hậu quả bão số 11, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn các chủ đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện khắc phục hậu quả cơn bão như che chắn công trình trước khi tiếp tục thi công. Đối với tình trạng hư hỏng nhà ở tại các nhà chung cư, nhà tập thể cho cá nhân thuê bị hư hỏng, nếu các hộ tự bỏ kinh phí ra sửa chữa thì đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí. Đối với các nhà cho cá nhân thuê bị hư hỏng nặng, các hộ không thể tự bỏ kinh phí ra sửa chữa, đề nghị thành phố bố trí kinh phí khắc phục, sửa chữa, ổn định sinh hoạt cho người dân. Trường hợp nhà tập thể số 57 Hùng Vương bị tốc mái tầng 5 và hiện có 3 hộ đang sử dụng nên Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố bố trí di chuyển vào nhà chung cư.
Ngày 16-10, Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng đã huy động phương tiện cơ giới, nhân công tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường thành phố sau bão số 11. Theo đó, đơn vị đã huy động 30 lao động và 13 xe tải, xe xúc để thu dọn vệ sinh 2 tuyến phố chính Trưng Nữ Vương và Lê Đình Thám.
Trong lúc đi giám sát công việc thu gom rác tại hiện trường chiều 17-10 trên tuyến đường Phan Bội Châu, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng, cho biết sẽ hoàn tất thu dọn rác các tuyến đường chính trong ngày 18-10.
Từ sáng 17-10, thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu chuyển mưa, nhưng trên các tuyến đường chính của thành phố… lực lượng sinh viên, quân đội, cán bộ, công nhân viên của các đơn vị vẫn tập trung thu dọn rác. Cô Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Duy Tân đang cùng hơn 100 sinh viên dọn dẹp rác, cho biết: “Trời mưa quá, rác lá cây hòa lẫn nước mưa vừa nặng vừa có mùi khó chịu nhưng các em trong khoa ai cũng hăng hái làm việc. Dọn được một điểm rác trên đường chúng tôi cảm thấy rất vui”…
Từ đường Phan Bội Châu rẽ qua đường Lý Tự Trọng, các chiến sĩ của Kho J258 thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) đang khẩn trương thu dọn rác thải và lá cây. Ở đây, phương tiện máy móc thiếu thốn nên các chiến sĩ dường như vất vả hơn. Đại tá Nguyễn Văn Trọng, Chủ nhiệm Kho J258 nói: “Cơn bão đi qua, đơn vị cũng bị thiệt hại nhiều, nhà kho tốc mái, cây cối ngã đổ ngổn ngang nhưng trên hết vẫn vì công việc chung của thành phố. Vì vậy Kho đã cử một nửa số quân khắc phục tại đơn vị, nửa còn lại ra dọn rác trên các tuyến đường”.
Đi qua các tuyến đường Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh... mới hôm qua thôi còn ngổn ngang rác, vậy mà hôm nay đã trông sạch đẹp hơn. “Dự kiến Chi cục sẽ phân công các đơn vị làm khoảng 5 ngày mới hết rác. Nhưng nhờ sự hỗ trợ đồng loạt của các đơn vị như Công ty CP Trung Nam, Sư đoàn 375, Sư đoàn 372, Kho J258, Đoàn 74, Vùng 3 Hải quân cùng sinh viên các Trường ĐH Duy Tân, ĐH Bách khoa…, các đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường phấn đấu hoàn tất thu gom rác do bão trên các tuyến đường chính trong ngày 18-10”, ông Đặng Quang Vinh cho biết thêm.
Tính đến hết ngày 17-10, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đã thu gom trên 2.000 tấn rác.
Cùng với các lực lượng giúp địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả bão số 11, ngày 16 và 17-10, Bộ Tư lệnh Vùng 3 cử 3 đội công tác gồm 294 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện xe cẩu, máy xúc... tham gia giúp các gia đình chính sách và các trường học trên địa bàn phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh trên tuyến đường Hoàng Sa. Thượng tá Hồ Văn Sáu, Trưởng ban Dân vận Phòng Chính trị Vùng 3 cho biết, trước sự tàn phá nặng nề của bão số 11, mặc dù các cơ quan, đơn vị và một số gia đình quân nhân của Vùng 3 cũng bị thiệt hại nặng phải tập trung khắc phục nhưng trong những ngày tới, Vùng 3 Hải quân sẽ điều động thêm lực lượng, phương tiện cùng với địa phương và nhân dân tiếp tục khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Sáng 17-10, dù trời mưa khá to nhưng hơn 1.500 đoàn viên thanh niên, học sinh và sinh viên Đà Nẵng vẫn miệt mài quét, xúc dọn cát, thu gom rác tại khu vực công viên Biển Đông và dọc biển Phạm Văn Đồng. Đây là ngày thứ ba, Đoàn Thanh niên thành phố ra quân dọn vệ sinh sau bão số 11. Hoạt động này sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tiếp theo. Đồng thời, Đoàn Thanh niên thành phố cũng tiến hành vận động, quyên góp để ủng hộ người dân bị thiệt hại nặng sau bão.
1.500 du khách tàu biển cập cảng Tiên Sa Ngày 17-10, tàu du lịch biển Costa Victoria (Ý) mang theo 1.500 khách du lịch quốc tế và 743 thuyền viên của 25 quốc tịch, chủ yếu là khách châu Âu và Mỹ đã cập cảng Tiên Sa. Theo chương trình, trong 1 ngày, du khách tham quan một vòng thành phố Đà Nẵng (city tour), danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng; phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà; thánh địa Mỹ Sơn… Đây là chuyến tàu du lịch biển đầu tiên mở màn cho mùa du lịch tàu biển của Đà Nẵng trong năm nay (bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4-2014) do Chi nhánh Công ty lữ hành Saigontourist tại Đà Nẵng khai thác. Saigontourist cho biết, năm nay mảng du lịch tàu biển rất nhộn nhịp, chỉ trong tháng 10, công ty đón 3 tàu du lịch biển quốc tế với khoảng 4.500 du khách và thuyền viên từ châu Á, châu Âu và Mỹ. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm, thành phố đã đón 54 chuyến tàu biển cập cảng Tiên Sa với hơn 61.000 lượt khách, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, trong 2 tháng cuối năm 2013, Đà Nẵng sẽ đón thêm 8 chuyến tàu biển với gần 6.900 khách du lịch. HOÀNG HÂN |
Bộ Công an ủng hộ 400 triệu đồng
Cũng trong ngày 17-10, Đoàn công tác của Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Quang Chữ, Cục trưởng Cục Chính sách dẫn đầu đã đến thăm hỏi động viên, chia sẻ cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng bị ảnh hưởng bão số 11. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương tiếp đoàn.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Quang Chữ gửi lời thăm hỏi tới nhân dân thành phố Đà Nẵng bị nhiều thiệt hại do bão số 11 gây ra. Với tinh thần “tương thân tương ái”, góp phần giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, Bộ Công an trao 400 triệu đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai và Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để giúp đỡ nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của lãnh đạo, cán bộ, công nhân, viên chức Bộ Công an đã có hành động kịp thời, dành tình cảm quý báu cho nhân dân thành phố. Đồng chí cho rằng đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cùng chung tay chia sẻ những mất mát mà người dân Đà Nẵng đang phải gánh chịu của Bộ Công an.
Sáng 17-10, trong khuôn khổ các hoạt động giúp dân khắc phục hậu quả bão số 11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cùng lãnh đạo quận Liên Chiểu đến thăm và tặng 75 suất quà, mỗi suất trị giá gần 500.000 đồng (200.000 đồng tiền mặt, 15kg gạo và một thùng mì tôm) cho 75 hộ bà con làng Vân (thôn Hòa Vân cũ) tái định cư tại khu nhà liền kề tổ 13 và 14 phường Hòa Hiệp Nam. Tuy nhà cửa bà con không hề hấn gì, nhưng đây là phần quà giúp bà con trong những ngày mưa bão.
Ông Ông Văn Dũng, Chánh Văn phòng UBND quận Liên Chiểu cho biết, từ sau bão số 11 đến nay, quận đã hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do bão 2.000 thùng mì tôm và 2 tấn gạo.
Cùng ngày 17-10, đoàn công tác xã hội của Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng đến thăm, tặng quà, chia sẻ khó khăn với các hộ dân ở thành phố Hội An và huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) bị thiệt hại trong bão số 11 vừa qua.
Tại huyện Điện Bàn, đoàn trao tặng 26 suất quà cho các hộ dân ở xã Điện Ngọc và 7 suất quà cho các hộ dân xã Điện Dương, mỗi hộ 2 triệu đồng tiền mặt. Ngoài ra, Công ty Nutrifood tặng thêm cho mỗi hộ dân một thùng quà gồm bột ngũ cốc, sữa... trị giá 400.000 đồng. Riêng tại xã Tân Hiệp (Cù lao Chàm), thành phố Hội An, có 7 hộ dân được nhận 3 triệu đồng, cùng phần quà là một thùng mì tôm. Toàn bộ số tiền này do bạn đọc Báo Tuổi Trẻ ủng hộ.
Văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng cho biết, cuối tuần này sẽ tiếp tục trao quà, tôn… cho các hộ dân bị thiệt hại nặng trong bão số 11 tại địa bàn Đà Nẵng.
Miền Trung: Bão, lũ làm 10 người thiệt mạng Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến ngày 17-10, bão số 11 và mưa lũ đã làm 10 người chết (Quảng Nam 3 người, Quảng Bình 6 người, Nghệ An 1 người); mất tích 5 người (Hà Tĩnh 3 người, Thừa Thiên-Huế 1 người, Bình Định 1 người); 76 người bị thương (Quảng Bình 27 người, Quảng Trị 11 người, Thừa Thiên-Huế 11 người, Đà Nẵng 11 người, Quảng Nam 7 người, Quảng Ngãi 9 người). Có 548 nhà bị sập, trôi và 34.220 nhà bị ngập, 12.515 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 20 trường học và 452 phòng học bị tốc mái, hư hỏng; 37 trụ sở cơ quan, bệnh viện bị hư hại vì bão lũ. Do mưa lớn tập trung trong một thời gian ngắn, các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình đã bị ngập ở nhiều nơi, đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh và phía Bắc Quảng Bình (thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch) đã bị ngập nghiêm trọng, nhiều nơi ngập sâu từ 1,5m đến 2,0m. Tính đến ngày 17-10, các tỉnh miền Trung đã sơ tán, di dời tổng cộng 2.110 hộ/8.580 người từ các vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động các lực lượng an ninh, quân sự cùng các cấp chính quyền tổ chức di dời 1.450 hộ dân với gần 6.000 người ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn đến nơi an toàn, đồng thời huy động các lực lượng cùng phương tiện đến các huyện này hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Đến sáng 17-10, tuyến đường sắt Bắc-Nam bị tắc tại tỉnh Quảng Bình đã chính thức thông tuyến trở lại. Sau khi thông tuyến, các tàu SE6, SE4, SE2, TN2, SE8 với hàng ngàn hành khách do bị tắc đường phải đỗ lại ga Đồng Hới đã tiếp tục hành trình của mình. TTXVN |
Nhóm P.V - CTV