.

Lao động nữ ở nước ngoài dễ bị lạm dụng

.

Đó là vấn đề được đưa ra tại Hội thảo khu vực về bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài và ứng xử của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bên liên quan tổ chức tại Đà Nẵng ngày 24 và 25-10.

Lao động nữ Việt Nam làm việc ở Đài Loan. Ảnh: KIM HÂN
Lao động nữ Việt Nam làm việc ở Đài Loan. Ảnh: KIM HÂN

Lao động nữ di cư ngày càng nhiều

Theo báo cáo tại hội thảo, hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Từ năm 2006, hằng năm có khoảng 70.000-80.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Những năm gần đây, theo thống kê chính thức, phụ nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư. “Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có lao động nữ, luôn được Việt Nam coi trọng. Chúng tôi nhận thấy phụ nữ là đối tượng rất cần được bảo vệ khi đưa họ đi làm việc ở nước ngoài, do đặc điểm khác biệt về giới. Chính vì những khác biệt này mà phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương hơn nam giới, dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn, đặc biệt là những người làm các công việc có tính đặc thù như người giúp việc trong các gia đình”, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói.

Bảo vệ lao động nữ như thế nào?

Với Việt Nam, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vấn đề bảo vệ quyền lợi cho họ luôn là ưu tiên của Chính phủ. Điều này thể hiện ở việc xây dựng, ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn luật. Chính phủ Việt Nam cũng tích cực hợp tác với chính phủ các nước nhận lao động để bảo vệ quyền lợi của lao động làm việc tại nước đó. “Chúng tôi đã thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức nghiên cứu tình hình lao động nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, rà soát các chính sách, pháp luật để xây dựng và sửa đổi chính sách nhằm bảo đảm tốt hơn nữa bình đẳng giới và bảo vệ quyền cho phụ nữ đi lao động ở nước ngoài”, ông Hòa cho biết.

Theo bà Siriporn Laosang, cán bộ chương trình UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương: “Doanh nghiệp tuyển dụng cần phải cung cấp cho người lao động thông tin về việc làm và làm thế nào để tự bảo vệ, đào tạo kỹ năng cho lao động nữ di cư, thực hiện những nghĩa vụ pháp lý cho người lao động và cung cấp các biện pháp phúc lợi, đồng thời duy trì liên lạc với các đại diện ngoại giao và đại sứ quán để bảo vệ lao động”.

Bà Siriporn Laosang cho rằng, các nước cần tiếp nhận ký các thỏa thuận quốc tế và song phương, bao gồm các Hiệp hội các doanh nghiệp tuyển dụng để chấm dứt việc phân biệt đối xử, bảo vệ có tính nhạy cảm giới, phúc lợi cho lao động nữ di cư, đồng thời thiết lập các trung tâm bảo vệ, hỗ trợ ở nước tiếp nhận. “Phải làm sao để lao động nữ di cư được cung cấp thông tin đầy đủ hơn thông qua các chương trình đào tạo và giáo dục định hướng, được bảo đảm sức khỏe, được tham gia các chương trình bảo hiểm xã hội, có thể thích nghi với văn hóa, xã hội của nước tiếp nhận. Việc bảo vệ lao động di cư tốt nhất là giúp họ sở hữu các kỹ năng”, bà Siriporn Laosang nhận định.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.