.

Ngân sách eo hẹp, Quốc hội "lặng tờ" chuyện tăng lương

.

Khác với phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp tầm này năm ngoái, khi Chính phủ đề nghị không tăng lương thì đại biểu Quốc hội vẫn muốn tăng, kết quả Quốc hội đã ra Nghị quyết tăng lương, áp dụng từ tháng 7 vừa rồi. Năm nay, mọi việc đã khác, chuyện tăng lương “lặng tờ” ở nghị trường Quốc hội.

Sáng nay, 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2013, kế hoạch, nhiệm vụ năm 2014. Tại các tổ thảo luận, đại biểu đều nhìn nhận nền kinh tế đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, ngân sách eo hẹp, thu không đủ chi, do đó không ai đả động chuyện tăng lương như phiên họp tầm này năm ngoái. Trong báo cáo của Chính phủ trình bày tại Quốc hội cũng không nhắc gì việc này. Điều đó có nghĩa, năm 2014 sẽ không có việc tăng lương tối thiểu và vấn đề thất thu ngân sách đang trở thành gánh nặng tài chính hiện nay.

Quang cảnh buổi thảo luận.
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ của ĐBQH

Theo báo cáo về thu, chi ngân sách do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, dự kiến thu ngân sách năm 2013 đạt 790.800 tỷ đồng, giảm 25.200 tỷ đồng so với dự toán. Nếu loại trừ các khoản ghi thu ngân sách (khoảng 38.400 tỷ đồng) thì thu cân đối ngân sách nhà nước hơn 752.300 tỷ đồng, giảm tới 63.600 tỷ đồng (-7,8%) so với dự toán. Việc giảm tới hơn 63.000 tỷ là con số rất đáng lo ngại bởi như việc tăng lương tối thiểu thêm 100.000 đồng từ tháng 7 vừa rồi thì tổng chi tăng lương cho cả năm cũng chỉ hơn 20.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 8.300 tỷ đồng, tương đương 0,8% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 ở mức 5,3% GDP. Chênh lệch thu - chi khoảng 195.000 tỷ đồng. Về kế hoạch năm 2014, theo dự kiến của cơ quan tài chính, thu cân đối ngân sách khoảng 782.700 tỷ đồng, chi khoảng 1.006.700 tỷ đồng, bội chi dự kiến 5,3%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại nói rằng, trong bối cảnh khó khăn như vậy, cần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao...

Ông Hiển nói, về dự toán thu ngân sách năm 2014, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần rà soát thêm số dự toán thu trên cơ sở dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,8%, các khoản thuế đã được gia hạn trong năm 2013 chuyển sang năm 2014. Thêm nữa, để tăng nguồn thu phải đẩy mạnh các biện pháp chống gian lận thương mại, trốn thuế, chống nợ đọng thuế, quản lý chặt chẽ và khai thác nguồn thu vào ngân sách...

Về kế hoạch chi năm 2014, ông Hiển lo lắng: Trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi ngân sách đã cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của ngân sách chưa được xử lý nhưng dự toán chi theo đề nghị của Chính phủ mà vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay... 

Rõ ràng, việc phục hồi kinh tế trong năm tới là vấn đề nan giải, việc tăng lương không thể đặt ra. Không những vậy, vừa rồi Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ năm tới không những không tăng mà còn giảm lương về mốc 2012 để bù lỗ hổng ngân sách. Tất nhiên, kiến nghị này không được Chính phủ chấp thuận.

Kiến nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) bày tỏ sự đồng tình với nhận định trong báo cáo Chính phủ về bất lợi của kinh tế thế giới. Theo ông, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay còn nặng nề hơn cuộc đại khủng hoảng trước đây. Nhưng bên cạnh đó, diễn biến kinh tế thế giới cũng mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Biểu hiện là thời gian qua thu hút vốn FDI vẫn ổn định và có lúc còn tăng, kiều hối ngày càng nhiều lên, năm 2013 dự kiến đạt trên 11 tỷ USD. “Kinh tế thế giới khủng hoảng thì tổng cầu suy giảm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 15-16%/năm - đó là những biểu hiện rất đáng mừng” - ông Ngân nói.

Nhìn lại năm 2013, Việt Nam đã đạt được một số thành công như bảo đảm được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai là tỷ giá trong 2 năm 2012-2013 rất ổn định, giữ được niềm tin vào đồng nội tệ; dự trữ ngoại hối cũng tăng lên, đến nay đã bảo đảm trên 12 tuần nhập khẩu. Trong giai đoạn 2006-2010 nhập siêu lớn, nhưng từ năm 2011 đã bắt đầu giảm, năm 2013 dự kiến nhập siêu không quá 1 tỷ USD, cán cân thương mại được cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ lo lắng do ngân sách khó khăn, bội chi tăng cao, nợ công đã tới mức phải cảnh báo (năm 2013 nợ công lên mức 2,074 triệu tỷ đồng).

Số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn lớn, đi kèm với đó là tình trạng mất việc làm của người lao động. Giải quyết nợ xấu chưa triệt để, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, hiệu quả đầu tư công chưa cải thiện rõ nét. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị bên cạnh việc tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực đã xác định (đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước), cần quan tâm hơn tới tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh. Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 sẽ phải huy động 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp dân doanh là 500.000 tỷ đồng.

Theo ông Ngân, với doanh nghiệp dân doanh quan trọng là phải tạo được niềm tin. Vì thế, Chính phủ cần có cam kết ổn định lạm phát, lãi suất trong thời gian dài thì doanh nghiệp mới dám vay vốn sản xuất kinh koanh. Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng hiện đang tắc vì thiếu nguồn cung, nên cần mở rộng cho vay sang cả đối tượng thu nhập trung bình có nhu cầu mua nhà lần đầu. Như vậy mới thực sự kích hoạt thị trường bất động sản.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị trong năm 2014 phải có một Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, có sự tham gia của Quốc hội, của các định chế tư vấn, chuyên gia độc lập. “Ví dụ như tái cơ cấu về điện lực thì một mình Tập đoàn điện lực EVN làm sao tự tái cơ cấu được, vì động chạm lợi ích, nên phải có “bàn tay” bên ngoài. Nếu không làm như vậy, cứ ngồi với nhau thế này thì câu chuyện tái cơ cấu sẽ còn phải nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm nữa”, ông Nghĩa nói.

Cũng với quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) kiên trì đề nghị không nên tách riêng năm 2014 để lập kế hoạch mà phải tính tới trung hạn, cho cả giai đoạn 2014-2015. Theo ông, nên đặt chỉ tiêu mức tăng trưởng bình quân trong 2 năm khoảng 6%, không nên nóng vội thúc đẩy tổng cầu thị trường bằng mọi cách. Nếu tái lạm phát cao lại thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. CPI 2 năm tới cần phấn đấu kiềm chế ở mức khoảng 7%.

“Chính phủ đã đề nghị tăng bội chi ngân sách trong hai năm 2014-2015 lên 5,3%. Điều này nhất thời thì được nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tháo gỡ khó khăn trong tăng tín dụng. Nếu tín dụng không tăng lên được khoảng 15% thì nền kinh tế khó thoát khỏi trì trệ” – đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh. Đối với kế hoạch cả giai đoạn 5 năm 2011-2015, chuyên gia kinh tế này nhận định thời gian còn lại những chỉ tiêu lớn là khó đạt, vì đó là thực tế hiện nay. Vì thế, không nên nôn nóng vì chỉ tiêu định lượng mà đẩy tăng trưởng nóng trong thời gian tới. Cần xác định ổn định vĩ mô vẫn phải là nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến năm 2015 để tập trung tái cơ cấu kinh tế. 

Chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội.

SGGP/CAND

;
.
.
.
.
.