.

Nghĩ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám

.

Cái còn thì sẽ còn nguyên
Cái tan dù tưởng vững bền vẫn tan

(Trần Đăng Khoa)

1. Văn Miếu và Quốc Tử Giám là hai thiết chế văn hóa khác nhau nhưng do nằm chung khuôn viên và quan trọng hơn là đều mang tính chất, tầm cỡ quốc gia nên thường được nhắc đến như một thực thể duy nhất: Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam.

Trước hết nói về Văn Miếu. Nếu do nhà nước đầu tư xây dựng ở kinh đô và các tỉnh lỵ thì được gọi là Văn Miếu; còn nếu được nho sinh, thân sĩ lập nên - nói theo ngôn ngữ thời thượng ngày nay là được xã hội hóa - ở các phủ/huyện/tổng thì gọi là Văn Từ, Văn Chỉ, Văn Thánh… Như vậy, xưa nay ở Việt Nam chỉ có hai Văn Miếu cấp quốc gia: Văn Miếu Thăng Long được lập thời vua Lý Thánh Tông năm 1070 và Văn Miếu Huế được lập thời vua Gia Long năm 1808 - chưa tính Văn Miếu Huế được lập thời vua Quang Trung trước đó ít lâu, nhằm tôn vinh sự học, tôn vinh các bậc thánh hiền Nho học và các trí thức khoa bảng của đất nước.

2. Tiếp theo nói về Quốc Tử Giám. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu Thăng Long. Có thể xem đây là đại học quốc gia đầu tiên ở Việt Nam khởi thủy chỉ dành cho con em hoàng gia và quý tộc - nên mới gọi là quốc tử, cho đến năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện, đồng thời mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc. Tiếp nối ý tưởng của vua Quang Trung về việc lập Học Viện trong khuôn viên Văn Miếu Huế như một cách chuyển Quốc Tử Giám Thăng Long vào Phú Xuân, sau khi thống nhất đất nước trên thực tế và lập nên triều đại mới, vua Gia Long cho xây dựng Đốc Học Đường nằm cạnh Văn Miếu Huế. Tháng 3-1820, vua Minh Mạng cho đổi tên Đốc Học Đường thành Quốc Tử Giám với tư cách là đại học quốc gia thứ hai mà cũng là duy nhất đương thời - đi đôi với việc xác định Quốc Tử Giám Thăng Long chỉ còn là trường học của phủ Hoài Đức.

3. Đương nhiên ở Quốc Tử Giám Thăng Long cũng như Quốc Tử Giám Huế, vai trò người thầy rất được coi trọng. Các triều vua đều tuyển chọn cán bộ quản lý Quốc Tử Giám rất công phu, xem đây là khâu quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bản thân họ là không chỉ là những người học giỏi, đỗ đạt cao mà còn là những người thực học, có sự nghiệp trước tác tầm cỡ, đặc biệt có nhân cách đáng tôn kính. Chẳng hạn, có thể kể một số vị từng giữ chức Tế tửu - Giám đốc đại học quốc gia hoặc Tư nghiệp - Phó Giám đốc đại học quốc gia của Quốc Tử Giám Thăng Long như Tư nghiệp Chu Văn An - người nổi tiếng với bản Thất trảm sớ và từ năm 1370 được vua Trần Nghệ Tông cho thờ trong Văn Miếu Thăng Long, như Tư nghiệp Nguyễn Phi Khanh - thân sinh của người anh hùng Nguyễn Trãi, như Tế tửu Ngô Sĩ Liên - tác giả Đại Việt sử ký toàn thư, như Tế tửu Thân Nhân Trung - tác giả bài văn bia đề tên tiến sĩ khoa thi Nhâm Tuất trong đó có câu nói trứ danh: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”; hay như Tư nghiệp rồi Thự Tế tửu Lê Quý Đôn - nhà bác học uyên thâm, tác giả Kiến văn tiểu lục, Phủ  biên tạp lục, Đại Việt thông sử...

Đối với Quốc Tử Giám Huế, có thể kể một số vị như Tư nghiệp Nguyễn Công Trứ văn võ song toàn - người có công lớn trong việc khai khẩn những vùng đất mới như Kim Sơn Ninh Bình và Tiền Hải Thái Bình, như Tế tửu Nguyễn Quang Bích - người được vua Tự Đức giao duyệt bộ sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục… Các vị tế tửu và tư nghiệp của hai Quốc Tử Giám không chỉ làm nhiệm vụ quản lý mà còn là và chủ yếu là trực tiếp giảng dạy cho giám sinh - cùng với nhiều thầy giỏi khác cũng được triều đình tuyển chọn công phu không kém.

4. Nhà quản lý và người thầy quan trọng như thế nhưng nhân vật trung tâm của Quốc Tử Giám vẫn là các giám sinh. Thật ra vào học Quốc Tử Giám không chỉ có các giám sinh, chẳng hạn như ở Quốc Tử Giám Huế, ngoài giám sinh còn có các tôn sinh, các ấm sinh và các học sinh, dẫn đến Quốc Tử Giám Huế thực chất là một cơ sở quốc lập đào tạo đa cấp chứ không đơn thuần là cơ sở đào tạo đại học. Và không phải ai đỗ tiến sĩ cũng là giám sinh Quốc Tử Giám nhưng có thể nói phần lớn tiến sĩ đều xuất thân từ chiếc nôi Quốc Tử Giám và một số người xuất sắc đã trở thành thầy giáo thậm chí còn được bổ nhiệm giữ chức tế tửu và tư nghiệp của Quốc Tử Giám. Và đương nhiên không ít giám sinh Quốc Tử Giám được vinh danh trên các “tiến sĩ đề danh bi” - bia đề tên tiến sĩ dựng trong các Văn Miếu cấp quốc gia.  

5. Bia đề tên tiến sĩ là điểm độc đáo của Văn Miếu Thăng Long và Văn Miếu Huế. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi, mỗi khoa một tấm bia đặt trên lưng rùa - cho nên mới có câu ca dao “Thương thay thân phận con rùa / Xuống đình đội hạc lên chùa đội bia”. Khi Văn Miếu Huế được thành lập, bia đề tên tiến sĩ không được triều Nguyễn cho dựng ở Văn Miếu Thăng Long nữa - vì nơi đây chỉ còn được xác định là Văn Miếu Bắc Thành rồi Văn Miếu Hà Nội - mà cho dựng ở Văn Miếu Huế đề tên các tiến sĩ từ khoa thi hội năm 1822. Suốt thời vua Gia Long trị vì, triều đình nhà Nguyễn chỉ mở các khoa thi hương nên không có tấm bia tiến sĩ nào được dựng ở Văn Miếu; đến thời vua Minh Mạng mới mở các khoa thi hội, nên bia đề tên tiến sĩ cũng bắt đầu được dựng lần lượt ở sân Văn Miếu Huế từ năm 1831-1919 - năm có khoa thi hội cuối cùng dưới thời vua Khải Ðịnh.

6. Bia đề tên tiến sĩ là hình thức tôn vinh những người đạt được học vị cao và nhiều người trong số họ thực sự xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của hậu thế, kể cả những người mà danh tính trên bia đá đang bị thời gian và tay người mài mòn đến nỗi đọc không rõ chữ, thậm chí từ lâu đã bị triều đình cho đục bỏ khỏi bia, như trường hợp Tiến sĩ Phan Thanh Giản, hoặc chịu chung số phận với những tấm bia thất truyền vô tăm tích... Đáng nói hơn là có không ít người tuy danh tính vẫn còn nguyên vẹn trên bia nhưng hầu như không hề được người đời sau hình dung bất cứ điều gì về công đức hay sự nghiệp học thuật.

Cho nên cái chính không phải là bản thân các tấm bia mà là ký ức về các tấm bia. Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vào chiều 9-3-2010 tại Macau Trung Quốc, đã công nhận 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Hậu Lê và Mạc ở Văn Miếu Thăng Long là Di sản tư liệu thế giới lại nằm trong tổng thể Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Và cũng chỉ trong ký ức con người mới có khả năng như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng hình dung: Cái còn thì sẽ còn nguyên/ Cái tan dù tưởng vững bền vẫn tan (Trần Đăng Khoa: Khúc hát người anh hùng)…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.