.

Nhọc nhằn sau bão

.

(ĐNĐT) - Cơn bão số 11 quét qua địa bàn Đà Nẵng đã làm hàng nghìn căn nhà bị sập và tốc mái. Trong đó, nhiều trường hợp các hộ dân bị thiệt hại nặng nhưng lại nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa, đi chưa được, ở chẳng xong, cuộc sống thêm phần vất vả.

“Mất cả rồi…”

Tiếp chúng tôi bên căn nhà đã sập hoàn toàn sau bão, ông Thái Liêu (75 tuổi, khu dân cư Mân Quang 1, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) loay hoay cầm chiếc ghế mà không biết mời khách ngồi chỗ nào để tránh mưa. “Mất hết cả rồi! Khổ lắm mấy cô chú ơi, nhà sập tan hoang, đồ đạc trong nhà cũng bị bão cuốn hết. Mấy bữa ni, tôi phải ngủ tạm ở góc bếp, nhờ bà con làng xóm dùng những mảnh tôn che tạm, còn ăn uống thì chụm củi nấu ở phía ngoài”,  ông Liêu buồn rầu nói.

Nhìn ngôi nhà giờ chỉ còn là đống đổ nát, xung quanh không có hàng xóm láng giềng, chỉ có mình ông sinh sống, chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương xót. Ông Liêu kể, ông sống trên mảnh đất do mẹ để lại, có đầy đủ giấy tờ, sổ đỏ. Năm 2008, Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng triển khai dự án Khu tái định cư Bá Tùng, đất của ông nằm trong diện giải tỏa, công ty đã áp giá 66 triệu đồng nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa giải quyết bố trí tái định cư cho ông. “Bão quét sạch căn nhà nhưng giờ tôi cũng không thể dựng lại, vì không có tiền và nhà lại đang chờ giải tỏa nên không thể xây lại, đành sống trong cảnh “đi chưa được, ở chẳng xong”, ông Thái Liêu than thở.

Liên hệ với Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng, chúng tôi được ông Huỳnh Quốc Thăng - Trưởng phòng Kế hoạch và Kinh doanh, cho biết đất của ông Thái Liêu thuộc Dự án của công ty, dự án bắt đầu từ năm 2008, đến năm 2009 thì triển khai. Phía công ty tập trung san lấp mặt bằng đất nông nghiệp trước, rồi mới tính đến đất ở. "Sau bão, chúng tôi phối hợp cùng UBND phường Hòa Quý đến kiểm tra, khảo sát các hộ dân nằm trong dự án. Khi biết nhà ông Thái Liêu sập hoàn toàn, công ty đã tiến hành làm thủ tục giải quyết dứt điểm số tiền hơn 66 triệu đồng cho ông, đồng thời, bố trí lô đất ở khu vực Mân Quang, đường 7,5m. Trong tuần này, chúng tôi sẽ liên hệ ông ấy đến để làm thủ tục nhận".

Cùng hoàn cảnh như ông Liêu, nhà ông Trần Quảng (trú khu dân cư Mân Quang 2) cũng nằm trong diện giải tỏa nhưng đã 3 năm nay, vẫn chưa được bố trí đất tái định cư. Ông Quảng đã 87 tuổi, bị mù và điếc đã mấy năm nay. Vậy mà mặc cho sự can ngăn của con cháu, ông vẫn mò mẫm leo lên mái nhà, lò dò sửa lại mấy chỗ bị thủng, dù trước đó, bà con chòm xóm cũng đã giúp gia đình ông lợp lại mái nhà bị bão thổi bay.

Ông Trần Quảng đã 87 tuổi nhưng vẫn leo lên mái nhà sửa lại sau bão.
Ông Trần Quảng đã 87 tuổi nhưng vẫn leo lên mái nhà sửa lại sau bão.

Được biết, nhà ông Trần Quảng thuộc Dự án chỉnh trị sông Quá Giáng, Ban Giải tỏa đền bù số 2. Liên hệ với Ban này, chúng tôi được ông Huỳnh Ngọc Học - Phó Ban trả lời rằng, trước đây, khu vực Mân Quang do Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng triển khai giải tỏa. Đến năm 2012, bàn giao lại cho Ban Giải tỏa đến bù số 2, nhưng hiện nay, theo chủ trương của UBND thành phố thì giải quyết phần đất nông nghiệp trước (đã giải quyết gần xong), đất nhà ở sau. "Chúng tôi cũng đã trình phương án lên UBND thành phố nhưng chưa được phê duyệt, do đó, dự án bố trí tái định cư hiện nay đang tạm dừng. Bây giờ, chỉ biết chờ chủ trương, sau khi có mới tiến hành xin kinh phí chi trả", ông Học nói.

Như vậy, gia đình ông Trần Quảng không biết phải chờ đến khi nào mới được bố trí nhà. Theo thông tin từ Ban Giải tỏa đền bù số 2, ngoài hộ ông Trần Quảng, nằm trong Dự án chỉnh trị sông Quá Giáng còn 9 hộ nữa đang chờ bố trí tái định cư. Và, đáng buồn là, sau cơn bão số 11 vừa qua, có đến 4 hộ trong diện giải tỏa ở phường Hòa Quý có nhà bị sập hoàn toàn.

Rời nhà ông Liêu, ông Quảng, chúng tôi đến địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu - nơi còn nhiều người dân vẫn phải đi ở nhờ vì chưa có tiền cất lại nhà do bão số 11 đánh tan hoang. Dẫn chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Lan (ở tổ 1, phường Hòa Khánh Nam) - một cán bộ của phường Hòa Khánh Nam cho biết: “Sau bão, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi các gia đình có nhà bị sập, tốc mái để lên danh sách hỗ trợ người dân theo quy định chung của thành phố. Nhưng có lẽ, nhà chị Lan là thảm thương nhất vì bão đánh sập hoàn toàn”.

Vợ chồng chị Lan lượm lại những mảnh tôn rách dựng lại vách ngăn để thay bức tường nhà đã bị bão đánh sập
Vợ chồng chị Lan lượm những mảnh tôn cũ dựng lại vách ngăn để thay bức tường nhà bị bão đánh sập

Nhà chị Lan nằm lọt thỏm giữa dự án KCN Hòa Khánh mở rộng đang trong giai đoạn triển khai san lấp mặt bằng. Theo chồng chị Lan, anh Đoàn Văn Cường, năm 2002, hai vợ chồng tích góp được hơn 100 triệu đồng dựng được căn nhà cấp 4, thế nhưng năm 2006 đã bị bão đánh tan hoang. Năm nay, bão lại tiếp tục tàn phá kinh khủng, đánh sập căn nhà. Năm 2008, thành phố có chủ trương triển khai dự án KCN Hòa Khánh mở rộng, đất của gia đình chị Lan nằm trong diện giải tỏa, thành phố áp giá đền bù 68 triệu đồng và bố trí một lô đất tái định cư cho gia đình. “Khi nhận tiền đền bù, vợ chồng tôi mừng lắm vì nghĩ chẳng bao lâu nữa sẽ có đất để xây nhà, không còn cảnh sống tạm bợ, ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, tiền đền bù đã nhận và lo cho con cái ăn học gần hết mà đến chừ vẫn chưa biết được bố trí đất ở đâu để xây nhà”, chị Lan lo lắng.  

Mong có nơi ở ổn định

Đa phần người dân có nhà nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa bị bão đánh sập đều mong muốn sớm được giải quyết đất tái định cư để ổn định cuộc sống. Vợ của ông Trần Quảng, bà Lê Thị Xí nói: “Bây giờ Nhà nước bố trí tái định cư ở đâu tôi ở đó, được chừng nào hay chừng nấy. Chỉ mong sao giải quyết nhanh để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống, có nơi thờ phụng ông bà. Chứ cứ ở khu này mỗi mùa bão đến là cả nhà lại trắng tay”.

Ông Võ Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết, bão số 11 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho nhân dân. Bão đã làm hư hỏng gần 250 căn nhà trên địa bàn phường; trong đó có 6 căn nhà bị bão đánh sập hoàn toàn. Thương xót hơn là các hộ dân có nhà bị bão đánh sập và tốc mái đều là những hộ nghèo và khó khăn. Cũng theo ông Tâm, trong số 6 căn nhà bị bão đánh sập thì có 4 hộ nằm trong diện giải tỏa di dời. Và các hộ này cũng đã nhận khoảng 80% tiền đền bù giải tỏa của Nhà nước, tuy nhiên hiện các hộ này vẫn chưa được nhận đất tái định cư. Để hỗ trợ các hộ dân có nhà bị sập nằm trong diện giải tỏa, phường đã đề nghị với quận, thành phố xem xét hỗ trợ người dân được nhận mức hỗ trợ theo quy định chung của thành phố.

Cùng quan điểm như ông Ngọc, ông Huỳnh Kim, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, cho biết phường cũng rất quan tâm đến các hộ thuộc diện giải tỏa này và đã có tờ trình gửi lên cấp trên để xem xét, sớm giải quyết. “Tôi cho rằng, các cấp chính quyền, cơ quan liên quan nên nhanh chóng giải quyết chế độ cho người dân để họ sớm ổn định cuộc sống”.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang - Trọng Hùng

 

;
.
.
.
.
.