.

Phải siết chặt kỷ cương điều hành ngân sách

Sáng nay (25-10), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về tình hình ngân sách 2013 và phương án phân bổ năm 2014.

Đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết phải phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016. Các ý kiến cũng đồng tình với nhận định của Chính phủ rằng nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP). Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép nhưng trên thực tế, khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý.

Đi sâu phân tích từng nội dung cụ thể, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng, cần phân định rõ giữa chi đầu tư và chi tiêu dùng. Vì thực tế, sử dụng ngân sách để xây dựng, sửa chữa trụ sở; mua sắm tài sản là chi tiêu dùng chứ không phải là chi đầu tư. Hiện nay, chúng ta đang lẫn lộn giữa hai khái niệm này nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, nhiều hạng mục cần cắt giảm lại không cắt giảm được.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM), việc phân bổ ngân sách phải tuân thủ nguyên tắc đầu tiên là chống bình quân và dàn đều. Thực tế, bình quân và dàn đều là vấn đề nhức nhối trong phân bổ ngân sách nhiều năm qua, không tạo điểm nhấn trong đầu tư phát triển. Việc bình quân sẽ không đưa nguồn tiền vào những nơi có lợi thế cạnh tranh, sinh lời, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đại biểu Quyết Tâm cũng cho rằng, phải rà soát lại xem từng dự án, công trình nhằm huy động các nguồn lực xã hội khác để giải quyết vấn đề vốn chứ không dựa hẳn vào ngân sách.

Đồng tình với việc phát hành 170 nghìn tỷ TPCP lúc này là cần thiết, bởi trong lúc cả nền kinh tế khó khăn cần có vai trò Nhà nước để kích cầu, tuy nhiên đại biểu Trần Ngọc Hòa bày tỏ băn khoăn về phương án sử dụng nguồn vốn này. Đại biểu phân tích: Nếu theo phương án mà Bộ KH-ĐT trình, riêng 2 dự án nâng cấp Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 đã chiếm hơn 61.000 tỷ. Ngoài ra, còn vốn mồi FDI là trên 20.000 tỷ. Hiện nay, ta nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 90.000 tỷ. Nếu dùng chi cho các khoản này thì đã hết 170.000 tỷ trái phiếu phát hành. Trong khi đó, Bộ KH-ĐT lại nêu kế hoạch dùng số tiền này cho danh sách các dự án 2 năm trước đây đã đưa ra. Theo nguyên tắc thì phải sử dụng nguồn trái phiếu này cho 3 việc trên.

“Bộ KH-ĐT nên đưa ra tiêu chí, bộ lọc cụ thể để đưa ra những phương án thực sự cần thiết. Cách làm như hiện nay là không ổn. Trước đây, danh mục dự án này do các Bộ, ngành địa phương đưa lên và không được phê duyệt nhưng giờ thấy có nguồn lại đưa vào là không phù hợp”, đại biểu Trần Ngọc Hòa nói.

Cùng bày tỏ lo lắng về cách phân bổ hơn 70.000 tỷ TPCP còn lại, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng: Tất cả các khoản đầu tư bây giờ chúng ta đi vay với tần suất trả nợ và lãi rất cao. Chính vì thế, khi duyệt dự án thì ưu tiên theo tiêu chí hiệu quả kinh tế - xã hội chứ không theo thời gian hoàn thành. Điểm quan trọng là cần chú ý nuôi dưỡng nguồn thu, có khả năng đóng góp vào GDP. Có những công trình hiện nay đã hoàn thành, thắp điện sáng trưng, có bảo vệ nhưng không hoạt động.

Theo tính toán của Ủy ban Tài chính Ngân sách, khối lượng huy động vốn TPCP để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm rất lớn, mức huy động vốn TPCP trong 3 năm tới bình quân khoảng trên 400.000 tỷ đồng/năm, bằng khoảng 8-9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ, phát hành trái phiếu để đầu tư. Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, theo đó, tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao. Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất.

Theo các đại biểu Quốc hội, trong tình hình kinh tế khó khăn, đầu tư dàn trải, lãng phí, không hiệu quả thì khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá khả năng trả nợ đến năm 2015 - 2016 có vượt các quy định về các tỷ lệ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 04-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ” và theo thông lệ quốc tế thì số nợ phải trả mỗi năm không nên vượt quá 30% so với số thu ngân sách hằng năm. Đồng thời, Chính phủ cần tính toán bố trí đủ nguồn để trả nợ các khoản đến hạn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị, để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ của NSNN và không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác, chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỷ đồng.

VOV

;
.
.
.
.
.