Số người cao tuổi (NCT) tăng nhanh đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội, đòi hỏi ngay từ bây giờ cần nhanh chóng có những chính sách phù hợp để ứng phó và đón nhận vấn đề này một cách chủ động nhất.
Đội tuyển phường Bình Thuận (quận Hải Châu) tham gia Hội thi thể dục dưỡng sinh thành phố Đà Nẵng năm 2012. Ảnh: VĨNH AN |
LHQ dự báo, thế kỷ 21 là thế kỷ già hóa. Già hóa dân số đang diễn ra trên tất cả các khu vực và các quốc gia với các tốc độ khác nhau, trong đó tốc độ gia tăng nhanh nhất ở các nước đang phát triển. Nếu năm 1950, toàn thế giới mới có 205 triệu người từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2012, con số này tăng lên đến gần 810 triệu người. Ở nước ta hiện nay, NCT chiếm 30% dân số.
Những thách thức không nhỏ
Già hóa dân số, hay nói cách khác tuổi thọ người dân tăng cao phản ánh những thành tựu to lớn của phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, người lao động cao tuổi khỏe mạnh cũng là nguồn nhân lực quý giá, nếu được hỗ trợ một cách phù hợp có thể tiếp tục có những đóng góp to lớn cho gia đình, cộng đồng và quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong vấn đề già hóa dân số bởi những tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội.
Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao thì sức khỏe càng suy giảm. Những bệnh thường gặp nhất ở NCT là bệnh về xương khớp, cao huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của NCT. Hầu hết NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ. Vì vậy, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT. Trong khi đó, xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người già, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất rất quan trọng đối với NCT.
Chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng
Chăm sóc NCT là chính sách quan trọng trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Một số mô hình chăm sóc NCT hiện nay bước đầu đã giải quyết được những vấn đề của xã hội. Các mô hình này ít nhiều giúp NCT có cuộc sống thanh thản và nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, già hóa dân số với tốc độ rất nhanh thì các mô hình chăm sóc NCT vẫn là vấn đề cần quan tâm.
Thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng tại 56 xã, phường của thành phố. Mô hình đã có những hoạt động đạt hiệu quả nhất định qua các buổi sinh hoạt CLB chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng, để người cao tuổi hiểu rằng họ không phải là gánh nặng của gia đình và xã hội. Bằng cách ăn uống hợp lý, chăm vận động thể lực, không hút thuốc và tránh tác động có hại của rượu bia, thì NCT sống thọ, sống khỏe và ghi nhận những đóng góp của NCT để họ chung tay góp sức cho cuộc sống tuổi già khỏe mạnh, vui vẻ, có ích…, đó cũng là tiêu chí của mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng.
Tuổi thọ là ước mong lớn của con người. Do đó, già hóa dân số là thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ, của sự phát triển kinh tế - xã hội, mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Do đó, việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, để người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già và giữ vững, ổn định quy mô dân số, thích ứng với già hóa dân số. Vì thế, cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò NCT”, góp phần phát triển bền vững quốc gia từ góc độ dân số.
MAI HOA