.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra khắc phục hậu quả bão số 11 tại Đà Nẵng và Quảng Nam

Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân sau bão

.

Đà Nẵng thiệt hại 868 tỷ đồng

Sáng 16-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 11 tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ - ngôi trường bị hư hỏng nặng do bão số 11 gây ra. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ - ngôi trường bị hư hỏng nặng do bão số 11 gây ra. Ảnh: TTXVN

Bão lớn nhưng thiệt hại được hạn chế tối đa

Sau khi đi kiểm tra thực tế đường Hoàng Sa (Đà Nẵng), điểm sạt lở kè sông Quảng Huế (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế tại Hội trường Thành ủy Đà Nẵng. Lãnh đạo Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến tham dự.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết: Bão số 11 có tâm bão vào thành phố với sức gió rất mạnh. Tuy nhiên, nhờ công tác chỉ đạo rất kiên quyết với phương châm phòng là trên hết, nên thiệt hại về người do bão gây ra ở Đà Nẵng là thấp (chỉ 11 người bị thương). Lãnh đạo thành phố chỉ đạo kiên quyết sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đưa 1.848 tàu thuyền (của Đà Nẵng và các địa phương khác) vào neo đậu an toàn trong Âu thuyền Thọ Quang cùng hơn 7.000 ngư dân. Trong đêm bão đổ bộ, đơn vị quân đội kịp thời dùng xe thiết giáp lội nước chở 3 người bị thương ở Ngũ Hành Sơn về cấp cứu tại bệnh viện. Bão số 11 đã làm 122 nhà sập hoàn toàn, 1.134 nhà tốc mái hoàn toàn, 4.137 nhà tốc mái một phần. Cùng với thiệt hại của các ngành thì tổng thiệt hại bão số 11 gây ra cho Đà Nẵng khoảng 868,8 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại của các doanh nghiệp.

Chuẩn bị phương tiện đi biển sau thời gian tránh bão. (Ảnh chụp sáng 16-10-2013). Ảnh: THÀNH LÂN
Chuẩn bị phương tiện đi biển sau thời gian tránh bão. (Ảnh chụp sáng 16-10-2013). Ảnh: THÀNH LÂN

Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đánh giá hệ thống thông tin liên lạc trong bão rất tốt nên việc chỉ đạo thuận lợi, chặt chẽ. Ngay trong sáng 15-10, Thành ủy Đà Nẵng đã có chỉ thị yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm có lương thực, nhà nào sập hoàn toàn thì bố trí chung cư cho ở tạm, dọn vệ sinh môi trường để bảo đảm giao thông thông suốt. Đồng thời, UBND thành phố đã ban hành ngay quyết định hỗ trợ người bị thiệt hại do bão.  

Các chiến sĩ thuộc Sư đoàn Phòng không 375 dọn cây cối ngã đổ trên tuyến đường Lê Duẩn. Ảnh: T.TÌNH
Các chiến sĩ thuộc Sư đoàn Phòng không 375 dọn cây cối ngã đổ trên tuyến đường Lê Duẩn. Ảnh: T.TÌNH

Đà Nẵng đề nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả về giao thông, thủy lợi, kè sạt lở sông, biển và hạ tầng y tế, giáo dục, công thương, văn hóa, thể thao, du lịch. Về lâu dài, lãnh đạo thành phố đề nghị Trung ương đầu tư xây dựng thêm một âu thuyền bảo đảm đủ chỗ cho tàu thuyền của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung vào trú bão. Hiện nay, Âu thuyền Thọ Quang đã quá tải.

Dự kiến ngày 20-10, khôi phục toàn bộ hệ thống điện thành phố

Đến 13 giờ ngày 15-10, thành phố đã khôi phục cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường chính. Đến 20 giờ cùng ngày khôi phục hệ thống điện nội thành, dự kiến đến ngày 20-10 khôi phục toàn bộ hệ thống điện thành phố.

S.T

Báo cáo công tác phòng, chống bão số 11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết: Quảng Nam đã kịp thời và chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác phòng, chống bão số 11; nhưng bão đã làm 3 người chết, 6 người bị thương; gần 22.000 căn nhà, 66 phòng học, 88 công sở… bị tốc mái. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nặng. Nguy hiểm nhất là sông Vu Gia và Thu Bồn bị sạt lở nặng do dòng chảy tăng lên vì thủy điện xả lũ; sạt lở khoảng 100m bờ kè biển chắn sóng tại Cửa Đại (Hội An); Cù lao Chàm bị sập 200m kè biển; 47 chiếc tàu, thuyền bị chìm và hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại mà bão số 11 gây ra cho Quảng Nam khoảng 500 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí hoặc cho chủ trương để tỉnh vay tiền làm kè sông Quảng Huế (Đại Lộc), kè biển Cửa Đại (Hội An) vì không thể kéo dài thời gian được nữa.

Lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi cũng báo cáo công tác chủ động phòng, chống bão số 11 chuẩn bị tốt nên hạn chế tối đa thiệt hại về người và của. Theo báo cáo, Quân khu 5 chuẩn bị rất chu đáo lực lượng và phương tiện phối hợp với các địa phương phòng, chống có hiệu quả, làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn ngay trong khi bão đang xảy ra. Hiện nay, Quân khu điều động 1.300 cán bộ, chiến sĩ tham gia với các địa phương khắc phục hậu quả bão số 11. Lực lượng vũ trang Quân khu đang tập trung dọn cây cối gãy, đổ để bảo đảm giao thông thông suốt các tuyến đường trọng điểm, dựng lại nhà cho dân, trường mẫu giáo, trạm y tế.

Lực lượng vũ trang giúp dân dọn dẹp sau bão.  Ảnh: M.TRÍ
Lực lượng vũ trang giúp dân dọn dẹp sau bão. Ảnh: M.TRÍ
Dọn cây ngã đổ tại huyện Hòa Vang.  Ảnh: Nguyễn Cầu
Dọn cây ngã, đổ tại huyện Hòa Vang. Ảnh: Nguyễn Cầu

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đều đánh giá chung: Bão số 11 có sức gió tương đương bão Xangsane năm 2006 nhưng do làm tốt công tác phòng, chống nên thiệt hại ít. Các bộ, ngành đặc biệt nhấn mạnh công tác phòng, chống của Đà Nẵng và Quảng Nam là vùng tâm bão đi qua đã chuẩn bị rất tốt, hạn chế tối đa thiệt hại người và của. Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cam kết bảo đảm cung ứng đủ lương thực, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho khắc phục hậu quả bão lụt, làm sạch môi trường và phòng, chống dịch bệnh sau bão cho các địa phương.

Hôm nay (17-10), học sinh đi học lại

Ngày 16-10, các trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả của bão số 11. Tại địa bàn quận Hải Châu, các trường bị hư hỏng nặng như Trường tiểu học Phan Đăng Lưu, Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ…, cán bộ, nhân viên nhà trường phối hợp cùng các lực lượng quân đội, điện lực tích cực nối lại hệ thống điện, dọn dẹp cây xanh, mái tôn bị ngã đổ.

Ông Nguyễn Tăng Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng, cho biết công tác dọn dẹp vệ sinh trong ngày 16-10 cơ bản hoàn tất. Riêng các mái tôn phòng học bị tốc (bên dưới có sàn bê-tông), nhà trường sẽ tiến hành lợp lại trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, hôm nay (17-10), nhà trường tổ chức dạy học trở lại.

Tại địa bàn huyện Hòa Vang, cán bộ, giáo viên các trường học cũng khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả. Theo ông Lê Văn Phước, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, toàn huyện có 28 phòng học tại 4 trường THCS, 2 trường tiểu học, 5 trường mầm non bị hư hỏng, tốc mái. Ngoài ra, cây xanh ở các trường ngã đổ khá nhiều. Trong ngày 16-10, các trường đã tổng dọn vệ sinh để ngày 17-10 học sinh đi học bình thường trở lại. Hiện Phòng GD-ĐT đã lên kế hoạch sửa chữa, lợp lại mái tôn cho các trường học trong thời gian đến.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, tính đến chiều 16-10, công tác khắc phục hậu quả bão số 11 tại các đơn vị, trường học đã cơ bản hoàn thành. Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường cho học sinh đến lớp trở lại trong hôm nay (17-10). Riêng hai Trường tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) và Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh (quận Sơn Trà) do bị thiệt hại nặng, nên ngày 17-10, học sinh được nghỉ học thêm một ngày để nhà trường khắc phục, sửa chữa.

Chiều 16-10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đi kiểm tra, nắm bắt tình hình thiệt hại do bão số 11 tại một số trường thành viên của ĐH Đà Nẵng.

PGS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, theo thống kê ban đầu, tại các trường thành viên, hầu hết khu vực nào có nhôm kính và tôn đều bị thiệt hại, với tổng thiệt hại ước tính gần 6,4 tỷ đồng. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa bay 900m2 mái tôn nhà, xà gồ, khu giảng đường, khu thí nghiệm, hơn 200m2 kính khung nhôm, 150m2 kính cửa sổ bị vỡ, ước tính thiệt hại khoảng 2,1 tỷ đồng. Trường ĐH Sư phạm bị bay toàn bộ mái tôn, xà gồ ở tầng 5 khu nhà B3 và 18 phòng học dãy nhà cấp 4, các cửa kính, tấm chắn kính bị vỡ hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Khu giảng đường của Trường ĐH Kinh tế bị hỏng các công trình nhôm kính…Ngoài ra, ĐH Đà Nẵng chỉ có 2 sinh viên bị sây sát do vướng dây điện ngã đổ, đã được sơ cứu kịp thời.

PGS, TS Trần Văn Nam cho biết thêm, công tác khắc phục, dọn dẹp vệ sinh sau bão cũng đã được triển khai kịp thời tại các đơn vị, trường thành viên ĐH Đà Nẵng. Sáng 16-10, hầu hết các trường đã dạy học trở lại. ĐH Đà Nẵng sẽ hỗ trợ cho các đơn vị trực thuộc khoảng 50% kinh phí trên tổng số thiệt hại để sớm khắc phục, sửa chữa.

NGỌC ĐOAN

Không để dân đói, đau

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao công tác chỉ đạo và tổ chức phòng, chống bão của các địa phương, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là vùng tâm bão đi qua. Điều này cho thấy cấp ủy, chính quyền ở các địa phương rất sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, thể hiện nhiều kinh nghiệm phòng, chống bão lụt và cả công tác khắc phục hậu quả. Bão lớn nhưng thiệt hại về người ít là một thành công lớn. Chính phủ chia sẻ những khó khăn mà lãnh đạo và người dân vùng bão đã trải qua cũng như gửi lời thăm hỏi của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng bão lũ. Phó Thủ tướng biểu dương Quân khu 5 và các bộ, ngành Trung ương đã phối hợp tốt với các địa phương trong công tác phòng, chống bão số 11.

Đủ thuốc lọc nước, diệt khuẩn phòng dịch bệnh

Đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra sau bão, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng đã phân phát về các trạm y tế xã, phường 245kg Chloramin B và 40.000 viên Chloramin B diệt khuẩn, tẩy uế; 28.000 viên lọc nước khẩn cấp Aquatabs và 100 lít thuốc phun diệt muỗi, côn trùng.

Trong chiều 16-10, 10 cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận Cẩm Lệ được phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát sau bão. Hiện các trung tâm y tế quận, huyện tiếp tục rà soát tiến hành xử lý môi trường nhằm khống chế nguồn lây nhiễm dịch bệnh.

THU HOA

Chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 11, Phó Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị của các địa phương đều vào cuộc khắc phục hậu quả bão lũ. Trước mắt, cần tập trung khắc phục hậu quả ở những vùng thiệt hại nặng nề; không được để dân đói, đau, lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”. Tập trung khắc phục nhanh hậu quả ở các trường học để học sinh trở lại trường sớm, tổ chức giúp dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, làm sạch môi trường. Về lâu dài, vấn đề quy hoạch phát triển là phải tính toán xây dựng công trình, trồng cây xanh đường phố phải chịu được bão; phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT để điều tiết xả lũ thủy điện.  

Các bộ, ngành Trung ương phải hỗ trợ kịp thời về thuốc men, gạo… để dân sớm ổn định cuộc sống; hỗ trợ khắc phục hạ tầng như giao thông, kè sông, kè biển. Giao cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tổng hợp thiệt hại do bão tại các địa phương để giải quyết hỗ trợ nhân dân; Bộ LĐ-TB&XH nắm lại và đề xuất hỗ trợ gạo cho các địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ giống cây trồng, thuốc chữa bệnh, phòng dịch và hóa chất làm sạch môi trường cho người dân vùng bão. Về kè sông, biển và xây dựng âu thuyền, các bộ, ngành phải nhanh chóng phối hợp với các địa phương hoàn thành thủ tục để triển khai. Cần phải có cơ chế riêng cho các công trình phòng, chống bão để sớm triển khai thực hiện.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra thực tế và thăm hỏi, tặng quà 1 hộ dân ở quận Sơn Trà có nhà bị thiệt hại do bão số 11; thăm và tặng quà cho thầy cô giáo Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ của quận Hải Châu đang khắc phục hậu quả bão số 11.

Hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại

Ngày 16-10, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đến thăm hỏi, hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ đối với 3 gia đình bị thiệt hại do bão số 11 tại quận Ngũ Hành Sơn gồm gia đình bà Ngô Thị Nương ở phường Hòa Hải, bà Nguyễn Thị Gái và bà Nguyễn Thị Thanh Hiền ở phường Hòa Quý. Nhân chuyến thăm này, ông Vũ Trọng Kim chuyển 500 triệu đồng ủng hộ từ Trung ương MTTQ Việt Nam cho thành phố Đà Nẵng để giúp xây lại nhà cho 48 hộ bị thiệt hại do bão số 11 của huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và hỗ trợ một số hộ khác.

Cũng trong ngày 16-10, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định hỗ trợ đột xuất cho hộ có người chết, mất tích, bị thương nặng phải vào viện; hộ chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có nhà đang ở bị thiệt hại do bão số 11 và lũ sau bão gây ra.

Theo đó, các mức hỗ trợ cụ thể bao gồm: hộ có người chết, mất tích: 6 triệu đồng/người; hộ có người bị thương nặng phải vào viện: 3 triệu đồng/người, hộ có nhà đang ở bị sập, trôi: 10 triệu đồng/hộ; hộ có nhà đang ở bị tốc mái hoàn toàn hỗ trợ tối đa không quá 4 triệu đồng/hộ; và hộ có nhà đang ở bị tốc mái một phần hỗ trợ tối đa không quá 1 triệu đồng/hộ.

UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp Mặt trận, đoàn thể tại địa phương căn cứ vào tình hình thiệt hại thực tế của các hộ trên địa bàn quản lý và các mức hỗ trợ nêu trên để chi hỗ trợ. Đối với hộ có nhà đang ở bị thiệt hại, UBND thành phố yêu cầu phải kiểm tra, phân loại mức độ thiệt hại của từng hộ và phân loại hộ gia đình bị thiệt hại theo 3 loại (loại 1: hộ chính sách, loại 2: hộ nghèo, loại 3: hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn) làm cơ sở quyết định mức hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, chỉ xem xét hỗ trợ cho nhà cấp 4 đối với nhà ở bị tốc mái và hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Riêng hộ chính sách (kể cả nhà ở của con liệt sĩ) có nhà đang ở bị sập, trôi hoàn toàn thì mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/hộ và UBND quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo sớm xây dựng lại nhà ở cho hộ chính sách để có nơi ở ổn định trên nguyên tắc tính toán, cân đối đủ trong phạm vi mức kinh phí hỗ trợ và đảm bảo chất lượng công trình nhà ở. Nếu hộ chính sách có cam kết đầu tư thêm kinh phí xây dựng nhà ở thì UBND quận, huyện có thể chuyển tiền hỗ trợ này trực tiếp để hộ chính sách tự xây dựng lại nhà ở.

UBND thành phố cũng quy định các trường hợp không thuộc diện hỗ trợ do nhà sập, tốc mái bao gồm nhà xây dựng trái phép, nhà không có người ở (trừ trường hợp sơ tán tránh bão), nhà cho thuê, nhà tạm của các ban quản lý dự án, lều quán và các hộ có hai nhà nhưng chỉ thiệt hại một nhà.

* Chiều 16-10, đại diện Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam trao 270 triệu đồng giúp đồng bào thành phố Đà Nẵng bị thiệt hại do bão số 11. Trong đó, 250 triệu đồng của Hội sở Trung ương và 20  triệu đồng do cán bộ, nhân viên Chi nhánh tại Đà Nẵng ủng hộ.

S.T - VŨ KHA

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.