.

Tập trung khắc phục hậu quả bão số 10

.

Theo tin từ Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bão số 10, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15 đã đổ bộ vào các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị vào chiều 30-9, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó nặng nhất là Quảng Bình, nơi tâm bão đi qua.

Công ty Truyền tải điện 2 dọn tuyến, khắc phục hậu quả bão số 10.   Ảnh : Q.T
Công ty Truyền tải điện 2 dọn tuyến, khắc phục hậu quả bão số 10. Ảnh : Q.T

Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung và Tây Nguyên, đến nay bão số 10 đã làm năm người chết và 2 người mất tích (đều tại Quảng Bình) và 159 người bị thương.

Bão cũng làm 365 nhà bị sập, 161.090 nhà bị tốc mái gần và trên 3.580 ngôi nhà bị ngập. Diện tích lúa bị úng, ngập, đổ là 238ha; gần 8.290 ha ngô, sắn, hoa màu bị ảnh hưởng. Ước tính tổng thiệt hại do bão số 10 gây ra là 4.915 tỷ đồng.

Chưa thể thống kê đầy đủ thiệt hại về nhà cửa, hoa màu cây cối, tàu thuyền…tại các địa phương bị bão tàn phá.  Số liệu cập nhật đến trưa 1-10, có đến hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, hàng trăm nghìn nhà dân, trường học, trạm y tế, công sở bị tốc mái, hư hỏng nặng; gần 17 nghìn ha cây cao su bị đổ ngã và hàng chục nghìn ha rau màu, cây ăn quả, ao hồ nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng…

Tỉnh Quảng Bình, nơi tâm bão đi qua là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê sơ bộ ban đầu có 30 nhà tại huyện Minh Hóa sập hoàn toàn, 176.000 nhà tại các huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị tốc mái hư hỏng nặng (Minh Hóa: 90.000 nhà, Quảng Ninh: 13.200 nhà, Bố Trạch 35.600 nhà, Quảng Trạch 40.200 nhà, Lệ Thủy 200 nhà…) Bão cũng làm khoảng 10.000ha cao su bị gãy, một cột ang-ten phát sóng, hàng trăm cột điện cao, trung và hạ thế gãy đổ, nghiêng ngã. Gần như 100% cây ven biển bị gãy, khoảng 50% cây xanh đường phố tại thành phố Đồng Hới bị trốc gốc, ngã đổ. Ngoài ra, 16 tàu bị chìm ngay tại nơi neo đậu (12 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90 CV trở lên, 4 chiếc công suất 45 CV), 12 chiếc khác hư hỏng nặng. Hàng nghìn ha rau màu, cây ăn quả bị hư hỏng, hàng trăm ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị mất trắng.

Đường sắt hủy chuyến, khôi phục đường không

Thông tin từ Tổng cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đến chiều ngày 1-10, nhiều tuyến đường sắt thuộc khu vực miền Trung bị ngập nặng. Trong đó có ga Lệ Trạch (tỉnh Quảng Bình) và ga Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) ngập sâu trên 1 mét, vì vậy tất cả tuyến từ  phía Bắc đi các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục hoãn. Tại ga Đà Nẵng, trong 2 ngày 30-9 và 1-10 cũng hủy toàn bộ các chuyến tàu ra Bắc, riêng tàu đi các tỉnh phía Nam vẫn hoạt động bình thường. Theo một đại diện của ga Đà Nẵng cho biết, đối với hành khách đã mua vé tàu đi các tỉnh phía Bắc, nếu có nhu cầu sẽ được hoàn trả 100% giá trị tiền vé để chuyển sang các phương tiện khác. Đối với các trường hợp còn lại khi nào có lịch thông tàu, nhà ga sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại nhà ga và các điểm bán vé thuộc hệ thống bán vé của ga Đà Nẵng để hành khách biết. Riêng đối với các chuyến tàu từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam vẫn hoạt động bình thường.

Cũng do ảnh hưởng từ cơn bão số 10, nên trong ngày 30-9, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã hủy tổng cộng 8 chuyến bay và thay đổi lịch bay 11 chuyến khác. Tuy nhiên, ngay trong ngày 1-10, các hãng hàng không đều khôi phục các chuyến bay đến và đi Đà Nẵng. Cụ thể, Vietnam Airlines đã thực hiện tổng cộng 20 chuyến bay từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đi và đến Đà Nẵng, 4 chuyến bay từ Hải Phòng đến Đà Nẵng. Hãng Jetstar Pacific cũng đã thực hiện 8 chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng và 4 chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Nẵng. Hiện nay, các hãng đều đã triển khai kế hoạch bay bù để vận chuyển khoảng hơn 1.000 hành khách bị hủy bay trong ngày 30-9 đi và đến các ga ở khu vực miền Trung. 

T.S

Tại Quảng Trị,  có 11 nhà bị sập, trên 3.660 nhà dân, 30 trường học với hơn 200 phòng, 3 bệnh viện, trạm y tế, 20 công sở bị tốc mái. 6.900ha cây cao su, 12 nghìn ha rừng trồng bị đổ gãy; 500ha tiêu, 3.500ha sắn, 2.000ha hoa màu bị thiệt hại; 12ha cây ăn quả, khoảng 10.000 cây bị gãy đổ, hư hỏng, 500ha nuôi tôm nước lợ mất trắng. Cầu máng Như Lệ ở thị xã Quảng Trị bị hư hỏng; 1,2km đê kè Gio Việt bị sạt lở nghiêm trọng. 35 cột cao thế, 74 cột hạ thế bị nghiêng, đổ; đường dây cao, hạ thế bị đứt nhiều chỗ.

Ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, 370 nhà sập, tốc mái; gần160ha hoa màu, 38ha mía, 40ha khoai lang, 10ha sắn bị thiệt hại…, hơn 220ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị sạt lở bờ bao, mất trắng. Bờ sông của các sông Hương, Bồ, Truồi, Bù Lu, Ô Lâu sạt lở khoảng 24km, khối lượng đất đá bị sạt lở ước 23.000m3. Ngoài ra, trên 20 km đê cũng bị sạt lở, trong đó đê Hữu Hương 4km, đê Tây phá Tam Giang 1km, đê Đông phá Tam Giang 6,5km, đê Tây Phá Cầu Hai 9km. Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường tỉnh lộ bị ngập từ 0,2-0,5m; hơn 40 biển báo giao thông bị đổ gãy; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở...

Tại tỉnh Hà Tĩnh, thống kê sơ bộ cho thấy trên 1.370 nhà, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái...; 250ha lúa, 110ha khoai lang, 120ha rau màu, bị hư hỏng nặng. Hơn 700ha muối bị ngập; 14km kênh mương bị sạt lở, nhiều cây cối bị đổ và 2 thuyền gỗ tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh bị sóng đánh trôi... Thiệt hại về tài sản ước 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, bão gây mưa lũ ảnh hưởng nghiêm trọng tại một số huyện của tỉnh Thanh Hoá. Do lũ dâng cao bất thường, 3 hồ đập nhỏ đều ở huyện Tĩnh Gia bị vỡ.

Tại thành phố Đà Nẵng, bờ kè đoạn dài 150 mét tại 2 tổ dân phố 4 và 5 thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, bị triều cường xâm thực sâu vào đất liền gần 10m so với một vài ngày trước đó. Nhà tắm và công trình phụ của đơn vị thi công Dự án cải tạo Kho Xăng dầu K83 và đường bê-tông dọc khu dân cư ven biển bị sóng cuốn trôi.

Được biết, trước đó, công tác chuẩn bị đối phó với bão số 10 tại các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã triển khai rất khẩn trương và hiệu quả. Riêng ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã  sơ tán khỏi vùng nguy hiểm cho  20.608 hộ/72.365 người tại 23 huyện, thị đến nơi an toàn. Đảm bảo an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển, Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã thông báo hướng dẫn 44.503 tàu đánh cá/182.574 lao động đang hoạt động trên biển biết diễn biến và hướng di chuyển của bão số 10 và đã kịp thời tránh trú an toàn.

Ngay khi bão tan, Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải đã đi thăm các địa phương bị bão tàn phá nặng nề, đồng thời chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Từ sáng 1-10, công tác khắc phục hậu quả bão tại các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế diễn ra rất khẩn trương. Nhiều đơn vị Quân đội đã giúp dân lợp lại nhà cửa sau bão, sớm ổn định đời sống. Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, với sự thiệt hại quá lớn này, việc khắc phục hậu quả bão phải mất hàng tuần. Trong khi đó, cũng tại các địa phương vừa bị bão tàn phá, mưa rất to trên diện rộng, khả năng xảy ra lũ lớn.

Khẩn trương khắc phục sự cố đường dây 500kV

Do ảnh hưởng của bão số 10, lúc 12 giờ 52 ngày 30-9, đường dây 500kV mạch 2 đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng đã bị sự cố. Tiếp đó, vào lúc 15 giờ 27, đường dây mạch 1 đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng tiếp tục bị sự cố, làm mất liên kết hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện 2 miền Bắc Nam vận hành độc lập. Bên cạnh đó, nhiều đoạn đường dây 220kV, 110kV và các đường dây trung - hạ áp tại khu vực phía Bắc miền Trung bị sự cố, gây mất điện hoàn toàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và một phần tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông Nguyễn Hà Đông, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết: Đứng trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, đơn vị đã phân công lãnh đạo cùng các phòng chuyên môn trực tiếp có mặt tại vùng tâm bão để chỉ huy phòng chống lụt bão và chỉ đạo khắc phục các tình huống sự cố do mưa bão gây ra. Đến 19 giờ ngày 30-9, Công ty Truyền tải điện 2 đã khôi phục cấp điện từ Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng ra đến Trạm biến áp 220kV Đồng Hới thông qua đường dây 220kV Đà Nẵng - Huế - Đồng Hới. Đến 23 giờ ngày 30-9, khôi phục 2 mạch đường dây 500kV toàn tuyến.

QUANG THẮNG

N.C

;
.
.
.
.
.