.

Thủ tướng: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng

.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tham nhũng; xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm.

Phòng chống lãng phí, tham nhũng chưa đạt yêu cầu

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015 do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII nêu rõ: Trong gần 3 năm, qua thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015.

Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân chậm được khắc phục; lãng phí thời gian, nguồn lực còn lớn; ý thức tiết kiệm chưa được đề cao…

Theo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân: Cử tri và nhân dân cũng cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.

Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua tố cáo của người dân và các cơ quan báo chí; việc tự phát hiện và phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm.

Cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Về giải pháp cho vấn đề phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo khẳng định cần thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triệt để tiết kiệm, nhất là trong hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài…

Tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; đề cao trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng; hoàn thiện cơ chế chính sách, công khai minh bạch trong công tác quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản Nhà nước, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và công tác cán bộ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh việc cần thiết kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý phù hợp tại cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu nại vượt cấp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng.

Chênh lệc giàu nghèo cao

Theo báo cáo, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai. Ước tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm 1,8-2% so với năm 2012, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tuy nhiên, tính bền vững của thành tựu giảm nghèo còn thấp do ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh (tính đến cuối năm 2012, số hộ cận nghèo bằng gần 68,4% tổng số hộ nghèo), tỷ lệ hộ nằm sát chuẩn nghèo cao.

Đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn rất nhiều khó khăn; còn có khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư đặc biệt là ở những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới; nguồn lực huy động cho chương trình xoá đói, giảm nghèo còn hạn chế, chưa thật sự đáp ứng được mục tiêu đề ra. Số lượng các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn nhiều.

Về định hướng đến năm 2014, phấn đấu giảm dần khoảng cách về thu nhập và đời sống giữa các vùng. Tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng ATK, tập trung cho các huyện, xã, thôn, bản khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Bên cạnh đó, giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không”; tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.

Nợ xấu còn cao

Thủ tướng Chính phủ cho biết dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2013 đạt khoảng 7% (kế hoạch khoảng 8%). Tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt mức khoảng 12 tuần nhập khẩu, tăng từ 6 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2010 lên 6,5 tuần vào cuối năm 2011 và khoảng 12 tuần vào cuối năm 2012 và 2013.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Cụ thể như sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao (đến cuối tháng 8-2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,64%). Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%).

Trong số các nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ có việc nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sử dụng đất đai, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu… chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển.

Nâng thu nhập bình quân đầu người lên 2.300 USD

Chính phủ đề ra mục tiêu năm 2014 tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013.

Hai năm 2014 và 2015 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6%/năm. GDP bình quân đầu người khoảng 2.200 - 2.300 USD vào năm 2015. Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%/năm.

Về các giải pháp cho thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 - 2014 là 5,3% GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần.

Thủ tướng khẳng định dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ. Bảo đảm tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2014 không thấp hơn năm 2013 để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược và phục hồi tăng trưởng. Phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trong trần nợ công cho phép (65% GDP). Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết sẽ sử dụng cổ tức từ các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chưa giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn (SCIC) để bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong 2 năm 2013 - 2014.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật việc làm.

VOV/TTO

;
.
.
.
.
.