Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; công tác thi hành án; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37 ngày 23-11-2012 của Quốc hội và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu thảo luận tại tổ ngày 29-10. Ảnh: HỮU HOA |
Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận định, hoạt động các cơ quan tư pháp năm 2013 cơ bản thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 37 của Quốc hội; nhiều chỉ tiêu của nghị quyết được các cơ quan tư pháp phấn đấu đạt và vượt, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng bắt, tạm giữ sau phải trả tự do vì không có hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, đã tạm giữ 76.512 người, sau đó trả tự do 2.464 người, chỉ giảm 0,69% so với năm 2012 (mục tiêu Quốc hội giao giảm ít nhất 1%).
Điều này nói lên vẫn còn tình trạng lạm dụng bắt khẩn cấp, đưa vào tạm giữ, bắt thay điều tra. Ngành Kiểm sát đã kịp thời trả tự do 39 người bị giam, giữ trái pháp luật; chứng tỏ công tác bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn những vi phạm nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân. Công tác xét xử án hình sự của ngành Tòa án được quan tâm hơn nhưng vẫn còn tới 0,4% bản án, quyết định bị hủy và 0,3% bản án, quyết định bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, hội đồng xét xử. Ngành Kiểm sát đã kháng nghị phúc thẩm 1.078 vụ, được Tòa án chấp nhận với tỷ lệ cao 76,3% chứng tỏ chất lượng xét xử án hình sự vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu cải cách tư pháp.
Còn 650 trường hợp bản án, quyết định dân sự tuyên không rõ, khó thi hành, chứng tỏ chất lượng xét xử án dân sự vẫn chưa tốt, cần được ngành Tòa án quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Công tác thi hành án dân sự tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn để xảy ra nhiều vi phạm, không đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 37. Tổng số việc thi hành án dân sự đã giải quyết xong là 492.975/732.179 việc, số còn lại chuyển sang năm 2014 là 239.144 việc.
ĐB cho rằng, những giải pháp về công tác thi hành án dân sự của Chính phủ trong những năm qua và năm 2014 nêu trong báo cáo đã góp phần thúc đẩy công tác thi hành án dân sự có những kết quả đáng ghi nhận; nhưng về thực chất chưa thấy có giải pháp nào mang tính đột phá để giải quyết hạn chế đến con số thấp nhất án chuyển sang năm sau mà có chiều hướng tăng cao trở lại. Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo, có biện pháp quyết liệt và căn cơ hơn nữa để sớm giải quyết xong số án tồn đọng chuyển sang kỳ sau và phấn đấu tỷ lệ này giảm xuống mức thấp nhất để công tác thi hành dân sự đi vào ổn định, hạn chế dây dưa, kéo dài.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) phát biểu khá thẳng thắn, đề nghị thực thi pháp luật phải hết sức nghiêm túc, kịp thời thì mới có tính răn đe. Theo ĐB thì luật, nghị quyết chúng ta đều có đầy đủ nhưng tổ chức thực thi không nghiêm. Chẳng hạn như tử hình là hình thức cao nhất nhưng để quá lâu không thi hành án, số người mang án tử hình ngày càng tăng. ĐB đề nghị Quốc hội sửa luật về hình thức thi hành án tử hình để tổ chức thi hành ngay số người đã có án tử hình, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) nhận định, công tác điều tra, xử lý tội phạm đối chiếu với chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội thì cơ bản đạt, có chỉ tiêu vượt như tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác đạt 90,5%. Điều ĐB quan tâm là số người bị tạm giữ hình sự chuyển xử lý hành chính chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội; kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng quá thấp và còn kéo dài. Theo ĐB, về thực thi pháp luật tại địa phương, cơ sở qua giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội thì không thấy phát hiện vụ tham nhũng nào. Khi phát hiện có thể xác định là tội phạm tham nhũng rất nghiêm trọng, nhưng khi kết thúc điều tra thì chỉ đề nghị tội ít nghiêm trọng hoặc tội danh khác nhẹ hơn.
Thiếu tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) Lê Văn Hoàng (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) nhận định, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013 còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do nền kinh tế khó khăn, số người thất nghiệp gia tăng ảnh hưởng an sinh xã hội. Một bộ phận thanh, thiếu niên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu ý thức chấp hành pháp luật dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng và diễn biến phức tạp trong tầng lớp thanh niên.
Đáng chú ý là một bộ phận cán bộ có chức quyền thoái hoá, biến chất trong các cơ quan quản lý Nhà nước tại cơ sở “bảo kê” để doanh nghiệp và các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên một số lĩnh vực như khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách, bến bãi, họp chợ, xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường… nhưng một số cơ quan chức năng không xử lý. ĐB đề nghị Quốc hội cần xem xét, ban hành nghị quyết tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2014.
Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp về công tác này. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội.
PHẠM HỮU HOA