Chiều 25-10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố tổ chức cuộc họp thông báo về quyết định kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật mà cụ thể là Thông tư 18 của Bộ GTVT về kinh doanh vận tải bằng ô-tô.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở GTVT thành phố đã lưu ý cho các doanh nghiệp về một số nội dung chính trong việc kiểm tra tất cả 485 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố trong thời gian từ 28-10 đến 25-12-2013. Kèm theo đó, Sở GTVT phát tận tay đại diện các doanh nghiệp về ngày, giờ cụ thể sẽ kiểm tra từng đơn vị một. Để đợt kiểm tra sắp đến đạt kết quả tốt, lãnh đạo Sở GTVT đã đề nghị các doanh nghiệp còn gì chưa rõ nêu lên để sở hướng dẫn và giải thích để công tác chuẩn bị cho tốt.
Ngay lập tức, những câu hỏi của doanh nghiệp nêu ra khiến đại diện của Sở GTVT... không giải thích được. Một doanh nghiệp nêu lên trường hợp cụ thể của mình là đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng như cài đặt phần mềm quản lý, bố trí nhân viên theo dõi thiết bị... nói chung thực hiện nghiêm túc những gì ngành quy định. Thế nhưng, theo vị đại diện doanh nghiệp này, “sau khi lắp đặt xong, lúc công ty thanh toán xong tiền, cũng là lúc thiết bị... hỏng luôn”. Vậy đối với trường hợp này, trong quá trình kiểm tra sở có xử phạt không?
Trước câu hỏi này, đại diện của Sở GTVT “nhắc nhở”: Khi các doanh nghiệp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì phải yêu cầu nhà lắp đặt trình các loại giấy tờ cần thiết như sản phẩm đạt chuẩn, có giấy phép kinh doanh… thì mới tránh được sai sót này. Tuy nhiên, doanh nghiệp này khẳng định, tất cả các điều này đã thực hiện nghiêm túc, thậm chí các loại giấy tờ này doanh nghiệp đều có giữ lại, kể cả hợp đồng kinh tế và bảo hành sản phẩm. Thế nhưng, thiết bị không sử dụng được, khi tìm đến thì được biết doanh nghiệp này đã biến mất khỏi địa bàn thành phố từ lâu. Trước thực tế này, đại diện của Sở GTVT chỉ biết buột miệng “khó ghê hỉ”, khiến cả hội trường cười ồ. Tuy nhiên, ngay lập tức nhiều ý kiến trao đổi với nhau rằng, “như vậy thì khi kiểm tra mình có bị xử phạt hay không?”. Thực tế, hỏi chỉ để hỏi như vậy, đại diện của Sở GTVT còn không biết nên các doanh nghiệp cũng chịu thua (!?).
Về vấn đề yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải bảo đảm có ký kết hợp đồng lao động với người lao động cũng như các quyền của họ như được mua BHYT, BHXH, đại diện HTX Dịch vụ vận tải Hòa Liên nêu câu hỏi: “Chúng tôi chỉ là những đơn vị vận tải nhỏ, nên khó giữ người. Thường thì người lao động chỉ làm việc 2 - 3 tháng rồi nghỉ để kiếm chỗ làm mới, thế thì chúng tôi làm sao ký được hợp đồng lao động cho người lao động?”. Ông Nguyễn Văn Long, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ vận tải Hải Vân cho biết thêm, với các HTX thì làm sao làm được hợp đồng lao động, bởi HTX có những đặc thù riêng nên không riêng gì tại Đà Nẵng mà hầu hết tại các HTX trên cả nước cũng không thấy ai ký hợp đồng lao động cả; tương tự là việc thực hiện các quyền của người lao động như mua BHYT, BHXH... cũng khó thực hiện được.
Đặc biệt, đại diện của hãng taxi Sông Hàn nêu lên băn khoăn là trong Thông tư 18 của Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố chất lượng của tuyến vận tải hành khách. Thế nhưng, lâu nay các văn bản hướng dẫn có yêu cầu về vấn đề này đâu, vậy thì khi kiểm tra nội dung này doanh nghiệp sẽ bị phạt oan. Về câu hỏi này, đại diện Sở GTVT chia sẻ: Đúng là cái này mới triển khai từ 1-10-2013 theo Thông tư 18 nên sẽ nhắc Phòng Quản lý vận tải và phương tiện hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Như vậy, sắp tới khi Sở GTVT kiểm tra nội dung này thì các doanh nghiệp đều không triển khai được. Vậy thì có bị xử phạt không? Thêm một câu hỏi bị bỏ ngỏ...
Tại thành phố Đà Nẵng, từ đầu tháng 10-2013 mới triển khai các nội dung của Thông tư 18 của Bộ GTVT cho các doanh nghiệp. Mặc dù như vậy là sớm hơn nhiều địa phương khác trên cả nước, nhưng hiện nay có thể nói không có doanh nghiệp nào trên địa bàn thành phố đáp ứng được 100% yêu cầu của Thông tư số 18. Thêm một điều nữa là, một số nội dung trong Thông tư số 18 bị “vênh” khá mạnh với Nghị định 71 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông đô thị khiến cho cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp hoang mang không biết làm thế nào. Cụ thể, theo Thông tư 18, sắp tới sẽ bỏ “sổ nhật trình” mà thay vào đó là “lệnh vận chuyển”. Tuy nhiên, điều vướng ở đây là trong Nghị định 71 của Chính phủ vẫn đang có hiệu lực thì vẫn yêu cầu sử dụng “sổ nhật trình”. Vậy thì doanh nghiệp làm sao?
Rõ ràng, việc ban hành Thông tư 18 của Bộ GTVT không ngoài mục đích là siết lại kỷ cương trong hoạt động vận tải, qua đó giảm bớt nguy cơ tai nạn giao thông. Thế nhưng, với quỹ thời gian quá ngắn, gần như là ban hành xong là tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp theo những nội dung mới này là điều quá khó. Đó là chưa kể, nhiều nội dung còn vênh nhau với các văn bản ban hành trước đây của Chính phủ. Vậy, việc tổng kiểm tra toàn diện ở tất cả các doanh nghiệp vận tải có đem lại kết quả mong muốn không? Đó là câu hỏi rất khó trả lời vào lúc này.
THANH VÂN