* Học sinh được nghỉ học ngày 9-11
* Tạm dừng họp chợ bắt đầu từ 14 giờ ngày 9-11
(ĐNĐT) - Ngày 8-11, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến ký công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai phương án đối phó với bão Haiyan.
Công điện nêu rõ, đây là cơn bão rất mạnh, mạnh hơn bão số 6 năm 2006 (bão Xangsane) từ 2 đến 3 cấp, di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp, khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng rất lớn. Để chủ động đối phó với bão Haiyan, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc các sở, ngành triển khai ngay phương án phòng, chống bão, lũ; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, chống.
Đồng thời, yêu cầu người dân không có trách nhiệm không ra đường khi bão vào; tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố về tăng cường công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện sơ tán nhân dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và hoàn thành trước 19h00 ngày 9-11. Tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả bão Haiyan. Sau khi bão tan, tuyên truyền người dân phải rất cẩn thận và đảm bảo an toàn khi khắc phục hậu quả của bão.
Tàu thuyền neo đậu bên bờ sông Hàn, phía ven đường Trần Hưng Đạo (Ảnh chụp chiều 8-11). |
UBND thành phố đề nghị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Đà Nẵng tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến bão Haiyan để các cơ quan, người dân biết chủ động đối phó. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ chính quyền địa phương các cấp đối phó với bão Haiyan.
Đối với lực lượng Biên phòng, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; không cho người ở lại trên tàu khi bão đổ bộ. Chủ trì phối hợp cùng Công an, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, chính quyền các quận: Sơn Trà, Hải Châu tổ chức di dời số tàu, thuyền neo đậu không đúng vị trí trên sông Hàn về khu trú bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, tổ chức neo đậu thật an toàn, không để người ở lại trên tàu và hoàn thành trước 17h ngày 9-11. Tổ chức neo lồng bè an toàn, tuyệt đối không cho người ở lại trên bè khi bão vào và hoàn thành trước 17h ngày 9-11.
UBND các quận ven biển yêu cầu người dân neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định; đối với các trường hợp không chấp hành, nếu có thiệt hại do bão, lũ gây ra, không đề xuất UBND thành phố hỗ trợ. UBND các quận: Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê làm việc với các đơn vị quân đội đề nghị hỗ trợ lực lượng để giúp dân kéo tàu công suất nhỏ (kể cả thuyền thúng) lên bờ và có giải pháp cố định tránh bão.
UBND thành phố giao Trưởng Ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng thông báo cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP tạm dừng hoạt động sản xuất và cho công nhân tạm nghỉ làm việc để tránh bão, bắt đầu từ 13 giờ ngày 9-11. Tạm dừng họp chợ bắt đầu từ 14 giờ ngày 9-11 để đảm bảo tính mạng cho người dân và thương nhân. |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị có bảng quảng cáo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các trụ, bảng quảng cáo; đặc biệt các trụ, bảng quảng cáo ở khu vực trung tâm thành phố và bên bờ sông Hàn, hoàn thành trước 17h ngày 9-11. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức sơ tán dân trong khu vực có nguy cơ, hoàn thành trước 19h ngày 9-11 và yêu cầu đơn vị có bảng quảng cáo phải chi trả mọi chi phí liên quan (nếu có).
Ngoài ra, yêu cầu các cơ sở phục vụ du lịch, đặc biệt các resort, nhà hàng, điểm du lịch ven biển triển khai phòng, chống bão, sóng lơn, có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.
Về phía Sở Xây dựng, trong trường hợp có tổ chức sơ tán dân ở khu vực quanh công trình có cẩu tháp thì phải hoàn thành trước 19h ngày 9-11, mọi chi phí liên quan (nếu có) do đơn vị thi công chi trả. Đồng thời, chỉ đạo Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng có phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện chiếu sáng công cộng; tổ chức khắc phục những hư hỏng sau khi bão tan.
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện làm việc với chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án các công trình đang thi công có hàng rào, giàn giáo, yêu cầu triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn.
Ủy quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi diễn biến của bão Haiyan, cho học sinh nghỉ học và tổ chức học bù vào thời gian thích hợp và đề nghị các trường Đại học, các trường THCN trực thuộc TW có kế hoạch cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo tính mạng cho học sinh, sinh viên.
Giám đốc Công an thành phố theo dõi diễn biến của bão, quyết định tạm dừng lưu thông ổ một số tuyến đường để đảm bảo tính mạng cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Sở Công thương tăng cường lực lượng tổ chức kiểm tra, thanh tra trước, sau bão; xử lý thật nghiêm các trường hợp có biểu hiện đầu cơ, găm hàng trục lợi, đặc biệt các vật tư xây dựng; đồng thời cử đại diện lãnh đạo đơn vị làm việc với các siêu thị, các nhà cung cấp thực phẩm trên địa bàn thành phố có trách nhiệm góp phần cùng thành phố bình ổn giá cả, không để vì bão mà giá lương thực, thực phẩm tăng đột biến.
Chiều 8-11, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố cho học sinh nghỉ học trong ngày 9-11 để tránh bão số Haiyan. Ngoài ra, các đơn vị, trường học chủ động chằng chống trụ sở cơ quan, đơn vị để tránh thiệt hại trong bão. Ngọc Đoan |
Sở Y tế triển khai phương án cấp cứu, cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị đủ cơ số thuốc và các hóa chất cần thết để xử lý môi trường sau bão.
Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động, phối hợp với các lực lượng liên quan trong công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả do bão Haiyan gây ra.
Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện và các Sở liên quan đến công tác xây dựng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án triển khai phương án phòng, chống bão cho công trình (đối với các công trình thi công có dùng cẩu tháp, yêu cầu đơn vị thi công hạ cẩu; trường hợp bất khả kháng không thể hạ cẩu phải chằng, neo chặt và tổ chức sơ tán dân khu vực xung quanh; các chi phí liên quan phát sinh (kể cả thiệt hại) do đơn vị thi công chi trả và có phương án xử lý ngập úng các khu dân cư.
Đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tổ chức phòng chống bão cho tất cả hệ thống điện trên địa bàn thành phố, có kế hoạch cắt điện từng khu vực, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; tổ chức khôi phục nhanh hệ thống điện trên toàn địa bàn thành phố sau khi bão tan, ưu tiên các khu vực quan trọng như bệnh viện, cấp nước…
Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông có trạm thu phát sóng di động yêu cầu đơn vị phải có phương án đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh; trường hợp cần thiết tổ chức sơ tán dân, mọi chi phí liên quan (nếu có) do các doanh nghiệp viễn thông chi trả.
Làm việc với các doanh nghiệp truyền hình (Truyền hình cáp Sông Thu…) yêu cầu chỉ phát các đài có đưa thông tin về bão lũ, dừng phát các đài không đưa thông tin về bão, lũ trong thời gian từ ngày 09-11-2013 đến khi bão tan để tập trung cho người dân chủ động phòng chống bão, nắm biết thông tin và chỉ đạo của chính quyền về bão Haiyan.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng kiểm tra an toàn và triển khai phương án phòng, chống lũ hai hồ chứa nước Hòa Trung và Đồng Nghệ. UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo và tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn theo phương án phòng, chống lụt, bão các hồ chứa nước.
Các sở, ban, ngành thoe chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão Haiyan.
Giao Văn phòng UBND thành phố chuẩn bị phương tiện để phục vụ lãnh đạo thành phố trong công tác ứng phó với bão, lũ.
Đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Hải quân Vùng 3 sẵn sàng lực lượng để giúp thành phố ứng phó, khắc phục hậu bão, lũ.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Haiyan, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn đến UBND các quận, huyện, các cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan để tuyên truyền, chủ động triển khai các biện pháp đối với với bão có hiệu quả.
Ngay khi nghe tin siêu bão sắp đổ bộ trong vòng 48 giờ nữa, không khí khẩn trương chằng chống nhà cửa đã rộng khắp các con đường, tuyến phố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là các hộ dân ở khu vực ven biển Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu. Quỳnh Trang |
ĐNĐT