(ĐNĐT) - Thông tin từ Khu quản lý Đường bộ 5 (QLĐB5) cho biết, các tuyến giao thông do đơn vị quản lý ở miền Trung - Tây Nguyên bị hư hỏng và chia cắt trong trận lũ vừa qua cơ bản đã được thông tuyến.
Trận lũ vừa qua đã làm nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bị hư hỏng nặng |
Theo ông Phan Thái, Phó Tổng giám đốc Khu QLĐB5, trong đợt mưa lũ vừa qua, hầu hết các tuyến đường huyết mạch như QL1A (đoạn Đà Nẵng - Phú Yên), đường Hồ Chí Minh (đoạn Quảng Nam - Kon Tum), QL24 nối Quảng Ngãi với Kon Tum, QL19 nối Bình Định với Gia Lai... đều sạt lở nặng và ngập tắc nhiều đoạn do lượng mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ liên tục trong thời gian dài. Trong đó, QL19 bị sạt lở 4 điểm nằm trên lý trình Km61- Km67 (đèo An Khê) thuộc tỉnh Bình Định. Đường Hồ Chí Minh đoạn Quảng Nam - Kon Tum bị sạt taluy dương tại các vị trí Km1335+100, Km1348+350, Km1385+600, Km1403.
Riêng đối với QL1A từ Đà Nẵng đến Phú Yên bị ngập sâu hàng trăm đoạn. Cũng theo ông Thái, cầu Bình Định tại km 1211+453 trên tuyến tránh thị trấn Bình Định là địa điểm bị xói lở, hư hỏng. Mưa lũ cũng làm hàng trăm điểm trên QL1A, QL19 bị ngập. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nghiêm trọng khiến hệ thống đường từ Đà Nẵng đến Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên bị tê liệt trong nhiều giờ. Tại QL19, nguy hiểm nhất là hiện tượng sụt lở hết nửa mặt đường với 11.000m3 đất đá tại đèo An Khê (Km61-Km67), đến nay mới chỉ thông xe 1 làn và taluy âm tại Km64+550, Km 65+600 với chiều dài 65m, rộng 2m, sâu 30cm. Quốc lộ này bị sạt tới 12 điểm. Ngay trong và sau lũ, các đơn vị, địa phương đã triển khai phương án khắc phục, đảm bảo giao thông.
"Đến ngày hôm nay (19-11), công tác khắc phục đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đã hoàn thành cơ bản với việc thông xe hoàn toàn hoặc thông xe 1 làn. Tuy nhiên, để khắc phục được hoàn chỉnh hệ thống cầu đường ở miền Trung - Tây Nguyên, sẽ phải mất thời gian rất lâu nữa", ông Thái cho hay.
Tin và ảnh: Trọng Hùng